Coteccons bị yêu cầu phá sản ngay lúc "nhạy cảm" đấu thầu
Ngay sau thông tin bị Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Ricons yêu cầu mở thủ tục phá sản, cổ phiếu CTD của Công ty cổ phần xây dựng Coteccons lập tức bị nhà đầu tư bán ra mạnh.
Trước diễn biến này, phía Coteccons nhanh chóng lên tiếng. Khẳng định có phát sinh các khoản công nợ với Ricons, song doanh nghiệp giải thích đây là những công nợ hình thành từ trước năm 2019, tức thời cả hai còn nằm chung một hệ sinh thái liên quan ông Nguyễn Bá Dương.
Coteccons cho biết đến nay công nợ chưa quyết toán xong vì vướng vấn đề xác định giá trị công nợ kèm những chứng từ đạt đủ điều kiện về pháp lý. Do đó đề nghị nhà thầu xây dựng Ricons có tinh thần hợp tác, nhanh chóng cung cấp những chứng từ đạt đủ điều kiện pháp lý và xác định giá trị công nợ phát sinh giữa hai bên.
Về phía Ricons, tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, có cổ đông đã chất vấn ban lãnh đạo về một cổ đông lớn không thanh toán công nợ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của cổ đông hiện hữu và nguồn vốn của công ty.
Ban lãnh đạo Ricons khẳng định việc không thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ là không phù hợp với tinh thần hợp tác và trách nhiệm của một cổ đông lớn. Phía doanh nghiệp đã nhiều lần gửi công văn đề nghị thanh toán và sắp xếp cuộc họp thảo luận các điều khoản của hợp đồng, song chưa có kết quả khả quan.
"Tương tự các đối tác khác, không tôn trọng cam kết dẫn đến khoản công nợ kéo dài, buộc chúng tôi phải có các biện pháp pháp lý mạnh mẽ hơn để yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình", đại diện ban lãnh đạo Ricons chia sẻ.
Thời điểm hiện tại cả hai doanh nghiệp đều chưa công bố báo cáo tài chính quý 2-2023. Song theo báo cáo tài chính quý đầu năm, Coteccons đang sở hữu 14,3% vốn tại Ricons. Khoản phải trả của Coteccons với Ricons là 322,5 tỉ đồng.
Theo thông tin vừa được công bố, Coteccons cho biết đang có khối tài sản hơn 20.000 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu hơn 8.200 tỉ đồng, lượng tiền mặt có thể sử dụng lên tới gần 4.000 tỉ đồng.
Lãi 525 tỉ đồng nếu trúng gói thầu sân bay Long Thành
Bên cạnh việc giải thích lý do vướng nợ và khẳng định doanh nghiệp có nền tảng tài chính rất vững mạnh, Coteccons còn bày tỏ mong muốn "không bị ảnh hưởng đến quá trình đấu thầu".
"Thời điểm hiện tại, Coteccons đang trong quá trình đấu thầu những dự án rất quan trọng, có tầm ảnh hưởng và tạo ra giá trị cho đất nước. Mặc dù có tranh chấp công nợ hợp đồng kinh tế sẽ được sớm giải quyết theo tinh thần thiện chí tại các trung tâm trọng tài nhưng Ricons thiếu sự hợp tác và đã gửi đơn kiện lên tòa án với tuyên bố yêu cầu phá sản.
Đây là một hành động mà chúng tôi cho rằng không phải ngẫu nhiên lại được thúc đẩy để diễn ra vào thời điểm này", phía doanh nghiệp cho biết.
Có thể thấy, gói thầu có giá trị hơn 35.000 tỉ đồng liên quan đến sân bay Long Thành chính là một trong những dự án chiến lược với Coteccons và cả Ricons ở thời điểm hiện tại.
Hiện có ba liên danh tham gia đấu thầu dự án sân bay Long Thành gồm: (1) Liên doanh CHEC-BCEG-Vietnam Contractors do nhà thầu Trung Quốc đứng đầu; (2) Liên doanh Hoa Lư do Coteccons đứng đầu, được "bọc lót" bởi hàng loạt nhà thầu khác như Xây dựng Hòa Bình, Central, An Phong...; (3) Liên doanh Vietur do nhà thầu Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu, hợp sức với nhiều doanh nghiệp khác và hệ sinh thái của ông Nguyễn Bá Dương (Ricons, Newtecons và SOL E&C) tham gia.
Như vậy, Coteccons và Ricons đang là đối thủ tham gia cuộc chiến giành gói thầu có trị giá hơn 35.000 tỉ đồng.
Theo ước tính của đội ngũ phân tích của Chứng khoán Vietcap (VCSC), tổng lợi nhuận tối đa cho một nhà thầu tham gia gói thầu kể trên sẽ rơi vào khoảng 525 tỉ đồng. Đây là số tiền rất lớn với các doanh nghiệp, so với mức lãi trung bình hằng năm trong ba năm gần đây của Coteccons (lãi ròng 264 tỉ đồng), Hòa Bình (lỗ ròng tỉ đồng), Vinaconex (lãi ròng 866 tỉ đồng)...
"Việc trúng thầu dự án này sẽ là cơ hội tốt cho doanh nghiệp xây dựng trong nước nâng cao năng lực thi công cũng như tăng cường triển vọng việc làm trong bối cảnh ngành bất động sản còn nhiều khó khăn", Chứng khoán Rồng Việt nhận định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận