TTCT - COP27 rốt cuộc vẫn khép lại theo cách cũ, dù đã cố diễn ra theo cách mới hơn. Minh họa: Amelia Bates/GristKhi Luiz Inacio Lula da Silva, tổng thống đắc cử của Brazil, tuyên bố "Brazil đã trở lại" và thề sẽ dập tắt nạn phá rừng Amazon và đảo ngược sự tàn phá môi trường của người tiền nhiệm cực hữu trong bài phát biểu tại COP27, những tiếng reo hò "olé, olé, olé, ola, Lula, Lula" đã vang lên. Đó là khoảnh khắc đáng nhớ nhất của một hội nghị rốt cuộc vẫn khép lại theo cách cũ, dù đã cố diễn ra theo cách mới hơn.Sau những thảo luận xuyên đêm, hơn 190 quốc gia đã đồng thuận về việc thành lập quỹ "tổn thất và thiệt hại", khép lại 14 ngày hội nghị. "Hôm nay (20-11), cộng đồng quốc tế đã khôi phục được niềm tin toàn cầu vào một quá trình rất quan trọng, nhằm đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau" - Molwyn Joseph, chủ tịch Liên minh Các đảo quốc nhỏ, một nhóm đại diện cho 39 đảo quốc, hồ hởi.Quỹ này được kỳ vọng sẽ mang lại "công bằng khí hậu", tức những khoản tiền tươi thóc thật để khắc phục thiệt hại của các nước "trở thành nạn nhân của thứ mà chúng tôi chẳng liên quan", như lời Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif tại COP27. Pakistan hồi giữa năm đã hứng chịu lũ lụt trên diện rộng, khiến 1/3 diện tích đất chìm trong nước. Một phần nguyên nhân là do các sông băng tan chảy nhanh chóng sau đợt nắng nóng khủng khiếp, những tác động của biến đổi khí hậu chắc chắn không phải do Pakistan "[vì] lượng khí thải carbon của chúng tôi rất thấp".Bước đầu là thế, song cần nhớ COP27 vẫn khép lại với những ngôn ngữ mơ hồ, không rõ quỹ cần bao nhiêu tiền, ai sẽ đóng góp và ai đủ điều kiện nhận bồi thường.Hội nghị cũng bàn về một lời kêu gọi mới, nhưng nội dung cũ và hơn hết là sự tuyệt vọng: giữ cho hành tinh không nóng lên quá 1,5 độ C như mục tiêu của Hiệp định Paris. Dẫu vậy, vẫn chưa nước nào nói đủ nhiều và đủ chi tiết về cách thức đi đến mục tiêu đó - mục tiêu mà không ít chuyên gia cho rằng thế giới sẽ bỏ lỡ.Một vấn đề khác được đặt ra là "ma trận lựa chọn" mà những nước đang phát triển, bao gồm nhiều đảo quốc, đang đối mặt: giữa lợi ích quốc gia và quốc tế, giữa lợi ích hiện tại và tương lai, giữa giảm phát thải và giảm nghèo.Nhiều nhà kinh tế học và dân chúng tin rằng chúng ta chỉ có thể chọn một trong hai: môi trường trong lành hoặc kinh tế phát triển. Người ta thậm chí đã xây dựng niềm tin đó thành phong trào "giảm phát triển" (degrowth). Bởi lẽ những hoạt động kinh tế nào vận hành nhờ vào nhiên liệu hóa thạch ắt sẽ tạo ra khí thải nhà kính. Suy ra, giảm phát thải tức là giảm phát triển, thu nhỏ nền kinh tế.Thế nhưng, niềm tin đó đặt những quốc gia "chưa giàu" vào một tình thế tiến thoái lưỡng nan khủng khiếp, bởi vì chống biến đổi khí hậu và chống đói nghèo đều là những mục tiêu cực kỳ quan trọng. Hàng tỉ người sống ở các quốc gia nghèo nhất thế giới xứng đáng có cơ hội thoát nghèo. Họ xứng đáng được thấy thu nhập của mình tăng lên ở mức khá, để họ có thể tiếp cận những thứ như thuốc men, chăm sóc sức khỏe và giáo dục.Những tảng băng trôi ở phía bắc Greenland vào mùa hè này. Một thế giới 1,5 độ C có thể vẫn còn băng ở Bắc Cực và các rạn san hô, nhưng thế giới 2 độ C có thể sẽ không. Ảnh: AFP/Getty ImagesVề phần mình, một số quốc gia phát triển lựa chọn con đường "tách rời tuyệt đối" (absolute decoupling), nôm na là giảm tổng lượng khí thải carbon trong khi tiếp tục tăng trưởng kinh tế. Có ít nhất 25 nước đã chứng minh được khả năng này, theo nghiên cứu của Max Roser - người sáng lập và giám đốc của trang dữ liệu phi lợi nhuận Our World in Data. Ví dụ như Singapore, từ 2005 - 2019, GDP đã tăng 96% trong khi phát thải CO2 giảm 19%. Hai con số đó của Nhật Bản lần lượt là 9% và 16%. Theo Roser, các nước này "tách rời tuyệt đối" thành công nhờ các yếu tố như năng lượng tái tạo rẻ hơn nhờ tiến bộ công nghệ, các quy định mới về ô nhiễm không khí, đáng chú ý là định giá carbon - những ai tạo ra khí thải phải trả giá cho chúng. Giá sản phẩm tăng, mức tiêu thụ giảm, một ý tưởng đơn giản!"Chống biến đổi khí hậu không chỉ tương thích với chống đói nghèo, mà hai mục tiêu - giảm khí thải và tăng trưởng kinh tế - thực sự củng cố cho nhau" - Max Roser nhận định. Bởi nhìn vào dài hạn, đầu tư chống biến đổi khí hậu hôm nay sẽ giúp tiết kiệm tiền cho việc khắc phục thiệt hại cháy rừng hay lũ lụt trong tương lai, miễn là ta có các chính sách đúng đắn.Theo trang Vox, điều này có thể đúng với cả một số nền kinh tế không được gọi tên trong thống kê của Roser, chẳng hạn như Ấn Độ. Theo Viện Tài nguyên thế giới, đến năm 2050, nước này có thể cắt giảm 2/3 lượng khí thải dự kiến và đạt được GDP cao hơn 1,5% so với mức bình thường bằng cách đưa ra các chính sách phù hợp, như đánh thuế carbon. Đồng thời, cuộc chia tay với nhiên liệu hóa thạch sẽ tạo ra 40 triệu việc làm mới và ngăn chặn 9,4 triệu ca tử vong sớm. Điều này tất nhiên sẽ không xảy ra trong một sớm một chiều, nhưng là khả dĩ.Một số nước đang phát triển, như Việt Nam hay châu Phi hạ Sahara, có thể "nhảy cóc" qua than đá - loại nhiên liệu "bẩn nhất" - nhờ vào nguồn khí đốt tự nhiên và thủy điện dồi dào, trước khi có thể hoàn toàn chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.Có lý do để lạc quan: Lần đầu tiên trong lịch sử, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) gần đây dự báo rằng tổng mức sử dụng nhiên liệu hóa thạch sẽ đạt đỉnh, rồi sẽ giảm xuống vào khoảng năm 2027. Tức là chỉ còn 5 năm nữa!■Trong khi chờ đợi quỹ "tổn thất và thiệt hại", Vanuatu hồi đầu tháng đã đệ trình các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng lên Liên Hiệp Quốc. Một trong những điểm nổi bật là kế hoạch sản xuất gần 100% điện năng từ năng lượng tái tạo vào năm 2030. Vanuatu tự coi mình là "carbon âm tính", nghĩa là các khu rừng và đại dương của nước này hấp thụ nhiều CO2 hơn lượng khí thải họ tạo ra. Nhưng điều đó không ngăn họ loại bỏ nhiên liệu hóa thạch và các nguồn gây ô nhiễm carbon khác. "Là một quốc gia nhỏ, họ đã thực sự thể hiện khả năng lãnh đạo tuyệt vời trong vấn đề này", Preety Bhandari, một cố vấn cao cấp thuộc Viện Tài nguyên Thế giới (WRI) nhận xét. Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "COP27: Còn chút hi vọng Tiếp theo Tags: Môi trườngNạn phá rừngBiến đổi khí hậuCOP27
Khách đông kín sân bay Tân Sơn Nhất, đứng nằm ngồi vật vã, xếp hàng dài vô tận CÔNG TRUNG 24/01/2025 Chen chúc, nhích từng chút để chờ làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất. Bên trong nhà ga khan ghế ngồi, khách nằm vật vạ dưới đất để chờ hãng thông báo giờ bay mới sau nhiều giờ chậm chuyến (delay).
Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng: Quẫn trí, suy sụp nhưng muốn cảm ơn cả xã hội đã quan tâm THÁI BÁ DŨNG 25/01/2025 Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng nói tới thời điểm này, cả gia đình vẫn không ai tưởng tượng lại được quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ như vậy.
Nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu qua đời chiều 24-1 HỒNG HÀ 24/01/2025 Thông tin từ Bộ Y tế cho hay nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã qua đời lúc hơn 17h chiều 24-1 tại Hà Nội.
Ùn ứ trên quốc lộ 1, xe cộ nhích từng chút thành vệt sáng dài giữa đêm NGUYỄN HOÀNG 24/01/2025 Khuya 24-1, tuyến quốc lộ 1 (đoạn qua thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) ùn ứ kéo dài, xe cộ khó khăn nhích từng chút một.