28/05/2025 05:45 GMT+7

Công nhân đi học tiếng Anh, tiếng Hàn... để được tăng lương

TÂM LÊ
và 1 tác giả khác

Từ công nhân đứng chuyền, chỉ cần biết ngoại ngữ sẽ ứng tuyển được vị trí quản lý hoặc tổ trưởng chuyền với lương cao và ổn định hơn. Thậm chí bảo vệ, điều hành xe ở khu công nghiệp chỉ cần biết ngoại ngữ lương đã tăng gấp đôi.

công nhân - Ảnh 1.

Ninh Thị Huế học tiếng Trung Quốc để xin việc trợ lý ở công ty

Từ công nhân đứng dây chuyền sản xuất cho tới vị trí tổ trưởng, kế toán, quản đốc phân xưởng đều tranh thủ học thêm tiếng Anh, Trung, Hàn, Nhật để được quyền thỏa thuận mức lương cao hơn.

Chúng tôi gặp Ninh Thị Huế đang cặm cụi học tiếng Trung Quốc trong phòng trọ nhỏ của mình cạnh Khu công nghiệp (KCN) Quang Châu, Bắc Giang. Bây giờ đang giữa trưa, những phòng trọ công nhân khác đóng cửa nghỉ ngơi.

Công nhân tự đàm phán lương

- Sao em muốn học tiếng Trung? - chúng tôi hỏi Huế.

- Em muốn chuyển vị trí. Em làm dây chuyền nhiều năm rồi, áp lực lắm. Lương cũng không đều, khi nào nhiều việc thì lương cao, ít việc thì lương thấp.

- Lương em trung bình một tháng bao nhiêu, giờ em muốn chuyển vị trí nào?

- Được khoảng 7-9 triệu đồng/tháng. Giờ em muốn làm trợ lý cho quản lý chuyền hoặc trợ lý cho bộ phận nào đó trong công ty. Vị trí trợ lý yêu cầu phải biết tiếng Trung, vì đây là công ty của người Trung Quốc, lương khoảng 12 triệu đồng trở lên và ít áp lực hơn.

Huế quê Lục Ngạn, Bắc Giang, học xong cấp III thì đi làm công nhân được bốn năm. Cô quen nhóm công nhân cũng nghỉ việc đi học thêm tiếng Trung sau đó chuyển vị trí làm việc, mức thu nhập tốt hơn. Vì thế Huế cũng muốn học, cô đã hoàn thành lớp tiếng Trung ba tháng. Bây giờ Huế vừa ôn luyện vừa gửi CV tới các công ty để tìm vị trí mới.

Khi chúng tôi đang trò chuyện, bỗng Huế nhận cuộc gọi từ một bên tuyển dụng. Phía công ty hỏi Huế tiếng Trung tốt không, đi làm được sớm không? Vị trí trợ lý này lương khởi điểm 12 triệu, bạn mong muốn mức lương thế nào? Ngày mai có tới công ty phỏng vấn trực tiếp được không?...

Cúp máy, Huế bình tĩnh nói: "Em phải đi phỏng vấn trực tiếp mới biết việc cụ thể thế nào, mức lương trợ lý vậy là mặt bằng chung nhưng cao và ổn định hơn lương công nhân nhiều".

Vân Anh, 38 tuổi, ở KCN Song Khê, Bắc Giang, cũng nhờ biết tiếng Hàn đã nhanh chóng xin được việc làm sau khi hết hạn xuất khẩu lao động về nước. Từng là công nhân trong nhà máy may với mức lương cơ bản, Vân Anh quyết tâm học tiếng Hàn để thi trong đợt tuyển lao động sang Hàn.

"Tôi nhớ là khi đó 70.000 hồ sơ, người ta chỉ lấy 17.000 hồ sơ, tôi đã trúng tuyển đi đợt đó" - Vân Anh hào hứng kể. Thời gian ở Hàn cô chỉ tập trung kiếm tiền và dành dụm được một khoản thu nhập khá lớn.

Về nước để lo chuyện chồng con, Vân Anh tiếp tục quay lại KCN gần nhà để nộp hồ sơ tìm việc. Cũng nhờ biết tiếng Hàn nên dù đã lớn so với tuổi trung bình công nhân nhưng Vân Anh dễ dàng xin được việc. Hiện mức lương cứng ở vị trí quản lý bộ phận của cô khoảng 14 triệu đồng, không có bằng cấp chuyên môn nhưng lợi thế của Vân Anh là giỏi ngoại ngữ và kinh nghiệm.

công nhân - Ảnh 2.

Lớp học tiếng Trung Quốc của cô giáo Vinh Vy phần nhiều là công nhân ở các KCN Bắc Giang theo học - Ảnh: HÀ QUÂN

Làm việc ở KCN là sân chơi quốc tế

Từng nộp đơn vào nhà máy làm ở vị trí công nhân tại KCN Song Khê, Nội Hoàng (Bắc Giang), anh Phạm Hà - 48 tuổi, giờ đã lên làm quản lý phân xưởng lớn của công ty. Cũng nhờ học tiếng Anh và Hàn đã giúp anh Hà thăng tiến không ngừng.

Năm 2020, dịch COVID-19 bùng phát ở KCN. Ít việc nên anh Hà tranh thủ học tiếng Hàn vì công ty của Hàn Quốc. Anh làm một cái bảng to trong văn phòng, thuê giáo viên dạy một kèm một. Vừa học vừa thực hành, chỉ sau bảy tháng anh đã có thể tự giao dịch cơ bản với đối tác nước ngoài.

Tấm bảng học bây giờ anh làm lịch phân công công việc nhưng trên bàn làm việc của anh vẫn luôn có cuốn từ điển tiếng Hàn. Tài liệu tiếng Hàn anh vẫn gối đầu giường học mỗi ngày.

"Công việc đòi hỏi tôi phải học tiếng Hàn. Không học không làm được nên chỉ có một lựa chọn thôi. Tôi biết tiếng Anh một chút nhưng giờ làm việc trong công ty Hàn Quốc, thuê phiên dịch thì không yên tâm, có lúc dịch không đúng ý mình sẽ gây hiểu lầm đáng tiếc.

Hơn nữa, công việc đòi hỏi có điều phải mật, phải bàn bạc riêng với khách hàng, phiên dịch viên mình không tin tưởng được thì nguy hiểm. Chẳng hạn đơn hàng, giá cả, chất lượng, số lượng, lịch hẹn... Trước có hai phiên dịch không làm tốt bảo mật, phải cho thôi việc.

Đối tác lớn làm ăn lâu dài mình cũng cần hiểu họ, có thể cà phê, giao lưu văn hóa. Biết tiếng họ rồi, mình cũng chủ động hơn. Còn nữa, biết tiếng họ thì lương cao. Ở các KCN có tình trạng người học đại học ra trường lương chỉ 12-13 triệu, nhưng bạn học cấp III làm bảo vệ kiêm điều hành xe biết tiếng thì lương đã khác, từ 8 triệu có thể lên 16-17 triệu đồng/tháng.

Ở công ty tôi, biết tiếng họ lương 14-16 triệu, nếu kiêm nhiệm thêm việc 18-24 triệu đồng. Như bạn quản lý chất lượng và biết tiếng thì lương đều trên 24 triệu hết. Đó cũng mới là lương cứng, còn lương mềm thì hơn nữa" - anh Hà cho biết. Tổ trưởng nói được luôn tiếng Trung, tiếng Hàn thì nâng lương thêm 6-8 triệu là điều đơn giản. Chính vì lý do đó các bạn công nhân đi học ngoại ngữ rất nhiều, vì hầu hết công ty ở đây đều của Trung Quốc, Hàn Quốc.

"Bây giờ cơ hội thay đổi nhiều rồi, ngay cả nơi tôi sinh sống là TP mở cửa ra là KCN nhưng làm việc với tư bản (nước ngoài) lại khác rất nhiều. Họ không quan trọng mình là ai, bằng gì, quan trọng là làm được việc hay không. 

Tôi biết nhiều công ty ở Bắc Ninh như KCN Quế Võ 1 có công ty 100% đổi tên tổ trưởng, quản lý. Ngoài tên Việt, bắt buộc phải thêm một tên tiếng Anh là Henry, John, Ben... để có thể giao tiếp với nhau hằng ngày, công nhân bậc thấp trở đi đều phải biết tiếng Anh" - anh Hà phân tích.

Không muốn lương thấp mãi

Bốn năm làm công nhân vị trí dây chuyền, Ninh Thị Huế chỉ dành dụm được chút ít nhờ bố mẹ giữ. Nếu có gia đình riêng và nuôi thêm con nhỏ thì lương của cô chắc chắn không đủ.

"Lương công nhân 7-9 triệu, các khoản chi tiêu hiện nay cái gì cũng lên giá thì thiếu. Tiền phòng trọ 1,5-2 triệu, tiền ăn uống, xăng xe đi lại, tiền quần áo, sinh hoạt cá nhân. 

Có con cái còn tiền bỉm sữa, thuốc men, tiền hiếu hỷ, quà bên nội bên ngoại... Vợ chồng lương phải trên 25 triệu mới đủ sống" - Huế tâm sự không ngại đầu tư thời gian và tiền bạc cho việc học ngoại ngữ để thỏa thuận mức lương cao hơn.

Vân Anh thì đang định hướng cho con gái học tiếng Trung ngoài học tiếng Anh cơ bản trong trường. Con gái cô năm nay 15 tuổi, nhà gần KCN nên dự định sẽ làm việc gần nhà. "Tôi muốn con học thêm tiếng Trung, tiếng Hàn vì vừa dễ xin việc vừa có mức lương cao hơn là chắc chắn".

Chị Hoàng Thị Hiền, kế toán Công ty TNHH Dingxin ở Cụm công nghiệp Tân Dĩnh (Bắc Giang), cũng đang theo lớp tiếng Trung ở TP Bắc Giang. Với nền tảng HSK3 (trình độ tiếng Trung), chị đang học lên HSK4: "Khi ứng tuyển kế toán, biết tiếng Trung có thu nhập chênh lệch 10-20 triệu. Nếu kế toán trưởng, chuyên môn tốt, thành thạo ngoại ngữ, lương có thể 40-50 triệu đồng/tháng" - chị Hiền khẳng định.

Cô giáo Vinh Vy, giáo viên tiếng Trung Quốc ở Bắc Giang, chia sẻ nhu cầu học tiếng Trung rất lớn vì nhà tuyển dụng ở các KCN yêu cầu cấp tổ trưởng trở lên phải thạo. Những người muốn học tiếng Trung cần thật sự tập trung, sắp xếp thời gian học trên lớp, thời gian rảnh thì giao tiếp với người Trung Quốc ở công ty, luyện trên phần mềm điện thoại, xem YouTube của người bản xứ...

Khi công nhân đi học để tăng lương: Lợi thế của biết ngoại ngữ - Ảnh 3.Công nhân muốn tăng lương ngay trong 2025, chuyên gia nói nên muộn hơn, vì sao?

Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam sắp đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng trong năm 2025 như mong muốn của nhiều người lao động. Còn chuyên gia cho rằng có thể lùi sang 1-1-2026 vì doanh nghiệp đang phục hồi, tập trung hoàn thành đơn hàng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên