17/05/2025 12:31 GMT+7

Công nghiệp giải trí Việt Nam: Đừng thấy ngàn tỉ mà tưởng 'siêu lợi nhuận'

MI LY
và 1 tác giả khác

'Giải ảo' những số liệu siêu lợi nhuận khiến không ít người say sưa ca tụng ở vài lĩnh vực nổi bật, nhìn vào thực trạng thì mới có thể 'bốc thuốc' cho công nghiệp giải trí Việt Nam phát triển theo hướng bền vững hơn.

Công nghiệp giải trí - Ảnh 1.

Địa đạo - bộ phim chiến tranh truyền tải lòng yêu nước và tinh thần dân tộc đến giới trẻ - Ảnh: ĐPCC

Điện ảnh Việt nửa đầu năm 2025 có tổng doanh thu 1.760 tỉ đồng (theo Box Office Vietnam, tức 67,9 triệu USD), nhưng số phim lỗ cũng tương đương phim lãi, đặc biệt phim Địa đạo có doanh thu lên đến 172 tỉ đồng vẫn chưa thể coi là hòa vốn.

Ngành âm nhạc có tầm ảnh hưởng bao trùm công nghiệp giải trí song chưa có thói quen công khai doanh thu từ các hoạt động như biểu diễn, nhạc số, MV... do cách tính lợi nhuận trong ngành này còn rất phức tạp. 

Ngành game có doanh thu lên đến trên 1 tỉ USD dựa trên hàng chục ngàn tựa game từng phát hành trong nước và xuất khẩu, nhưng tỉ lệ thành công không cao.

Rất nhiều con số khổng lồ cho thấy tiềm năng kinh tế to lớn của công nghiệp giải trí, nhưng cũng đặt ra bài toán về lợi nhuận và cách chúng ta "nuôi" các sản phẩm chất lượng và bền vững cho tương lai.

Game, phim ảnh và âm nhạc không phải "siêu lợi nhuận"

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Tuấn Huy - cựu CEO và nhà sáng lập của Hiker Games - nhận định: 

"Người ta thường nhìn vào những sản phẩm thành công nhất nên hiểu nhầm game, phim ảnh và âm nhạc là siêu lợi nhuận. Nhưng trong thực tế các ngành công nghiệp nội dung này, tỉ lệ sản phẩm thành công lại rất thấp".

Ông Huy phân tích: "Ở Việt Nam, có khá nhiều game studio bán được game ra nước ngoài, nhưng đa phần đều là game nhỏ. 

Ngành game Việt Nam hiện không có con số ước lượng về lợi nhuận. Quy mô doanh thu ước tính đạt khoảng 500 triệu USD trong thị trường Việt Nam. Còn nếu tính cả doanh thu các game được sản xuất bởi các studio và xuất khẩu thì con số sẽ trên 1 tỉ USD".

Mức doanh thu này đến từ hàng trăm game được xem là thành công ở thị trường quốc tế. Còn tổng số game đã được các studio Việt Nam phát hành ra quốc tế là hàng chục ngàn.

Để hình thành được một nền công nghiệp giải trí mạnh và có bản sắc thì ta không thể chỉ dừng ở nội địa mà cần có những nhận diện và ảnh hưởng ở quy mô toàn cầu mà K-pop hay US-UK là dẫn chứng.

Đạo diễn VIỆT TÚ
Công nghiệp giải trí - Ảnh 2.

Anh trai vượt ngàn chông gai là một trong những điểm sáng về công nghiệp biểu diễn trong năm qua - Ảnh: NSX

Âm nhạc thiếu định lượng, điện ảnh ngàn tỉ đừng dễ dãi

Về doanh thu nhạc số, bà Lê Diệu Minh - biên tập viên chính của Làn sóng xanh 13 năm qua - cho biết một bài hát thuộc dạng hit lớn của một ca sĩ rất nổi tiếng có khả năng đạt doanh thu vài tỉ đồng, và chỉ những bài dạng này mới đủ sức mang lại lợi nhuận.

Những nghệ sĩ thông thường, kể cả hạng A, doanh thu khoảng từ 100 đến 400 triệu đồng vừa đủ hòa vốn, giúp tái đầu tư sản phẩm tiếp theo. 

Với giới nghệ sĩ indie, doanh thu một bài hát vào khoảng 50 - 70 triệu đồng, dù không cao nhưng bước đầu chuyên môn hóa việc sản xuất và phát hành nhạc, giúp nghệ sĩ nhận được "lương cứng" để tiếp tục hoạt động.

Công nghiệp giải trí - Ảnh 3.

Vũ. được cho là sống khỏe, bền nhờ các hit nhạc số - Ảnh: NVCC

Bà Minh dẫn chứng Grey D và Vũ. dù chưa phải nổi tiếng nhất thị trường nhạc Việt nhưng sống khỏe, bền nhờ các hit nhạc số.

Thậm chí có những nghệ sĩ chỉ sống nhờ nhạc số mà khán giả rất ít biết mặt như W/n (Nguyễn Quý Cao Nguyên), hay nhạc sĩ Mr Siro là "ông trùm nhạc số" với danh sách hit trải dài nhiều năm.

Bà Minh nói thêm: "Việc phát hành nhạc số và hợp tác với các nhãn hiệu âm nhạc toàn cầu cũng giúp nghệ sĩ Việt có thể đưa bài hát của mình vào các playlist quốc tế ở tất cả các quốc gia. Hai phút hơn, Người lạ ơi, See tình... cùng nhiều bài hát Việt Nam đều được nghe nhiều ở thị trường Thái Lan và Trung Quốc".

Công nghiệp giải trí - Ảnh 4.

Phim kinh dị nặng đô Quỷ nhập tràng dẫu gia nhập câu lạc bộ phim trăm tỉ nhưng chất lượng gây tranh cãi - Ảnh: NSX

Doanh thu hoạt động biểu diễn trực tiếp thì nhạc Việt hiện hoàn toàn thiếu vắng định lượng. Biểu diễn trực tiếp tại các đêm nhạc nhỏ, vừa và live concert lớn (hàng ngàn khán giả) thì con số doanh thu ít khi được công khai rõ ràng như doanh thu phim chiếu rạp. 

Thậm chí khi công bố vẫn gây tranh cãi, nghi vấn. Về lợi nhuận càng như "mò kim đáy bể", nghệ sĩ thường chỉ thừa nhận chung chung là lỗ hoặc lãi.

Gần đây hai show ca nhạc Anh trai say hi, Anh trai vượt ngàn chông gai đưa công nghiệp giải trí nội địa sang trang mới. Song hậu hai Anh trai, thị trường vẫn chưa có thêm những cú bứt phá mới.

Công nghiệp giải trí Việt Nam: Đừng thấy ngàn tỉ mà tưởng 'siêu lợi nhuận' - Ảnh 5.

Nhóm bạn từ Huế, Đà Nẵng và TP.HCM hâm mộ Dương Domic, quen nhau qua mạng nên rủ nhau đặt vé ra Hà Nội đu các Anh trai say hi đêm 6 ở Hà Nội - Ảnh: ĐẬU DUNG

Về điện ảnh, nhà sản xuất Nguyễn Trí Viễn - người đặt rất nhiều tâm huyết vào các dự án phim "bom tấn" Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối (thu hơn 170 tỉ đồng), Đất rừng phương Nam (thu 140 tỉ đồng) và sắp tới là phim Mưa đỏ, dự án phim Em bé Mỹ Lai - rất trăn trở về sự phát triển "hào nhoáng" của điện ảnh Việt Nam.

Anh nói: "Điện ảnh Việt đang ở thời kỳ thấy thì hào nhoáng, như trăm hoa đua nở, nhưng thực chất lại manh mún và thiếu đồng bộ, mạnh ai nấy làm. Các phim hiện chủ yếu khai thác đề tài hài gia đình, kinh dị giật gân... 

Tuy doanh thu cao nhưng chất lượng nghệ thuật và ngôn ngữ điện ảnh lại thấp. Ngắn hạn thì được, dài hạn thì quá bất ổn. Sự dễ dãi trong nghệ thuật kéo tụt điện ảnh nước nhà".

Toàn cảnh như trên cho thấy hệ sinh thái giải trí có chiều hướng phát triển, có một số dấu mốc đáng kể nhưng thiếu bền vững. Đòi hỏi phân tích thị trường, khán giả cần kỹ lưỡng hơn; cùng với đó là bài toán về ý tưởng, nội dung nhằm giữ chân, thu hút khán giả.

Điện ảnh Việt tuy doanh thu cao, nhưng chất lượng nghệ thuật và ngôn ngữ điện ảnh lại thấp.
Nhà sản xuất NGUYỄN TRÍ VIỄN
Công nghiệp giải trí - Ảnh 7.
Công nghiệp giải trí - Ảnh 8.
Công nghiệp giải trí - Ảnh 9.

Nhà sản xuất Nguyễn Trí Viễn, biên tập viên Diệu Minh và ông Nguyễn Tuấn Huy - Ảnh: NVCC

Đừng chỉ quẩn quanh trong nước

Đại diện DatVietVAC Group Holdings chia sẻ với Tuổi Trẻ, dù có văn hóa truyền thống lâu đời, Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn có một ngành công nghiệp giải trí đương đại, tạo xu hướng toàn cầu.

Việt Nam hoàn toàn có thể hiện đại hóa bản sắc, đưa văn hóa dân tộc bước vào thế giới giải trí toàn cầu bằng ngôn ngữ giải trí đương đại. 

"Đó là lý do DatVietVAC tạo nên Anh trai say hi theo một format 100% do người Việt sáng tạo, từ đó tạo ra làn sóng "đu" idol quốc nội chưa từng có, kéo giới trẻ quay lại với văn hóa Việt thật chủ động, tự hào và đầy cảm xúc", DatVietVAC bày tỏ.

Nhưng để "giành" lại khán giả trên sân nhà, thậm chí đón thêm khách ngoại, các sản phẩm giải trí nội địa phải đủ mạnh.

Công nghiệp giải trí - Ảnh 10.

Hình chụp từ game 7554, tựa game Hiker đã ‘dành cả thanh xuân’ để phát triển dù không thành công về mặt tài chính.

Với Đề án về công nghiệp giải trí mà Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện lần này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - đại biểu Quốc hội chuyên trách tại Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội - kỳ vọng "đề án sẽ tạo ra một cú hích chính sách đủ mạnh để đưa ngành giải trí Việt Nam bước sang một giai đoạn phát triển mới, bài bản hơn, chuyên nghiệp hơn và có khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực, thậm chí toàn cầu".

DatVietVAC nêu ba điểm để "kích hoạt" nền công nghiệp giải trí nội địa, tạo ra giá trị bền vững và sức cạnh tranh toàn cầu.

Đầu tiên là quy mô sản xuất phải mang mô hình công nghiệp, đáp ứng đủ nhu cầu rộng lớn của thị trường đại chúng, đảm bảo tính ổn định, năng suất và khả năng mở rộng quy mô của ngành.

Công nghiệp giải trí - Ảnh 11.

Sau 6 concert diễn ra tại Hà Nội, TP.HCM, Anh trai say hi sẽ "sang" Mỹ trong thời gian tới - Ảnh: NSX

Tiếp theo, định hình và tạo ý tưởng sản phẩm giải trí từ nguyên bản, nắm giữ quyền sở hữu khai thác thương mại nội dung, thay vì chỉ là sao chép, sản xuất thuê. Và cuối cùng phải kết hợp giữa sáng tạo, công nghệ với đổi mới.

Trong đó, riêng sở hữu và bảo vệ tài sản trí tuệ (IP), nếu một IP mạnh không chỉ mang về doanh thu trực tiếp mà còn mở ra cả các vũ trụ sinh thái khác. 

Năm 2024, 66% doanh thu 92,5 tỉ USD của tập đoàn giải trí Disney đến từ khai thác IP thông qua phim ảnh, trò chơi, sản phẩm tiêu dùng và các hoạt động trải nghiệm khác.

"Việt Nam hiện ở giai đoạn đầu của công nghiệp giải trí, tiềm năng thì lớn vô song (dân số 100 triệu dân, rất trẻ), nhưng cần nhìn và làm đúng để hội đủ các yếu tố nêu trên", đại diện DatVietVAC nói thêm.

Đừng thấy ngàn tỉ mà tưởng 'siêu lợi nhuận' - Ảnh 3.Phát triển công nghiệp giải trí: Cần chiến lược quốc gia để không lỡ cơ hội vàng

Chính phủ vừa giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẩn trương xây dựng đề án về công nghiệp giải trí, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5 này.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên