Phóng to
80% nhắm vào sản phẩm
Tin đồn kinh tế hiện nay đang xoáy sâu vào hai hướng: sáp nhập công ty và sản phẩm.
- Tin đồn loại 1: sáp nhập công ty hoặc mua lại công ty bản xứ. Những hãng điện thoại di động lừng danh (Nokia, Siemens, Motorola hay Ericsson) đều là nạn nhân của loại tin đồn này. Khi Sony và Ericsson hợp tác cho ra điện thoại mới, nhiều cái mồm đầy ác ý đã tung tin trên Internet là hai công ty này đang nợ nần chồng chất nên phải nương nhau mà sống để trả kỳ được khoản nợ gần 1 tỉ USD. Microsoft hay Dell cũng từng khổ sở vì bị tung tin vịt cồ vào giữa năm 2003 là “sáp nhập để cạnh tranh với Apple và những đối thủ nhỏ ở châu Á, đặc biệt là với các công ty Đài Loan”. Riêng Microsoft - vào tháng chín vừa qua - còn bị cho là một chi lưu của CIA, và đến đầu năm 2004 sẽ nhập luôn vào cơ quan tình báo này.
- Tin đồn loại 2: sản phẩm có vấn đề. Theo văn phòng kiểm tra quảng cáo của Pháp, loại này chiếm đến hơn 80% thế giới tin đồn, đặc biệt sống dai và vô tư ở các nước đang phát triển và nước nghèo. Chẳng hạn, một dạo nước khoáng Perrier bị đồn là có chứa benzen nên công ty này phải thu hồi hàng chục triệu chai khắp thế giới, lỗ hàng triệu USD. Nestlé cũng bị nhiều kẻ xấu bụng cho là chứa nhiều chất có hại cho sự phát triển não bộ của trẻ em, thậm chí chứa thủy ngân hay nhôm.
Hai gã khổng lồ Pepsi và Coca Cola là nạn nhân thường xuyên của những tin đồn thất thiệt như có chân gián hay xác muỗi trong chai hay lon. Năm 2002, Coca Cola bị vu oan trên Internet là “bảo mật công thức pha chế chỉ vì chứa chất độc, gây loét dạ dày”. Tệ hơn, một kẻ nào đó đã cho rằng logo Coca Cola đọc ngược là dòng chữ Ả Rập mang nghĩa “đả đảo Mohamed và Mecca”. Vì vậy mà một dạo doanh số Coca Cola tụt hẳn ở khu vực Trung Đông.
Nếu lĩnh vực thực phẩm mệt mỏi thì lĩnh vực dược - mỹ phẩm cũng mất ăn mất ngủ không ít, chẳng hạn Colgate - Palmolive từng bị đồn là “dầu gội đầu gây rụng tóc, còn kem đánh răng gây lở nướu”. Khi Pfizer tung ra Viagra thì chỉ sau đó nửa năm công ty này đã lãnh đủ nhiều loại tin trời ơi đất hỡi, ví dụ Viagra không những gây suy tim mà còn gây cả bệnh alzheimer. Sau đó, khi Pfizer cải chính liên tục trên mặt báo thì một tin đồn khác lại được tung ra tại San Francisco vào giữa năm 2002: Pfizer và Bayer sẽ tung ra một loại “viacrème” chữa chứng vô sinh cho phụ nữ, chỉ cần bôi kem này ngày hai lần, phụ nữ hiếm muộn sẽ có con. Chẳng cần nói cũng biết cả Pfizer và Bayer bị oanh tạc bởi một núi e-mail, bị điện thoại quấy rối 24/24.
Những công ty liên quan máy tính đều bị tin đồn kiểu này hành hạ, mà càng tên tuổi thì càng khổ. Tại Singapore, tháng bảy năm ngoái, một hacker bí mật đã oanh tạc Internet bằng những thông cáo hết sức giật gân, đại để "tổng giám đốc Dell vừa tự sát bằng súng lục tại nhà riêng vì không cứu nổi công ty, còn ban quản trị thì bỏ của chạy lấy người". Chỉ ba ngày sau, tổng hành dinh của Dell bị giội bom bởi vô số e-mail và điện thoại.
Có những công ty không sản xuất trực tiếp sản phẩm, nhưng ăn nên làm ra thì cũng chịu chung số phận. E-Bay là công ty bán đấu giá lừng danh trên Internet, đã chịu hơn 100 lời đồn đại phi lý và ngu xuẩn nhất, từ tin vô thưởng vô phạt đến tin đầy ác ý, có thể gây tụt doanh số như chơi. Năm 2002,
e-Bay bị vu oan là “bán đấu giá xương Hitler và xương sọ của người Do Thái từ thời Thế chiến thứ hai”. Khi e-Bay cải chính thì đã muộn vì nhiều khách hàng trung thành đã kết tội công ty là “tân phát xít, muốn khôi phục chủ nghĩa phân biệt chủng tộc”.
Những sách lược đối phó
Theo nhà nghiên cứu Patrick Villard thuộc Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS), nếu thiên hạ biết suy đi xét lại khi nghe tin đồn thì có lẽ các công ty đã khỏe hơn nhiều, không phải mất thì giờ và tiền bạc để cải chính. Và có lẽ, những cơ quan như FBI hay Interpol không phải thức khuya dậy sớm làm gì cho nhọc xác!
Phần lớn các công ty chọn cách khôi phục hình ảnh trong mắt người tiêu dùng bằng những thế hệ sản phẩm tốt hơn nhằm cải chính tin đồn. Perrier phải mất hàng chục triệu USD để thu hồi những chai nước khoáng, nhưng sau đó là cả một sách lược lâu dài để tránh tin đồn. Trên Internet, Perrier cải chính tin đồn benzen và cho biết: “Sở dĩ chúng tôi phải thu hồi sản phẩm là để đảm bảo sức khỏe cho khách hàng, chứ không phải vì chấp nhận tin đồn”. Sau đó ba tháng, bộ tổng tham mưu Perrier quyết định tiến hành cả một sách lược cải tiến sản phẩm, chẳng hạn chế tạo ra loại chai nhựa mới, cứng và đẹp như thủy tinh, đầu tư hẳn vài mươi triệu USD cho dây chuyền mới, tổ chức họp báo, thậm chí giới thiệu sản phẩm trên vài tạp chí khoa học. Thực tế cho thấy Perrier đã giành lại được cảm tình trên thị trường, đặc biệt ở châu Mỹ.
Nokia - sau sự cố nổ pin điện thoại di động tại VN và Hà Lan - cũng phải đối phó với đủ loại tin đồn, dù công ty này luôn giữ ngôi vị số một thế giới. Nokia đã tiến hành hơn 20 cuộc điều tra khắp thế giới nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những tin đồn bất lợi. Sau đó, Nokia tổ chức thông tin trên Internet và trên nhiều tạp chí kinh tế, nói rõ về vài loại điện thoại thế hệ cũ mà Nokia không còn sản xuất và bán nữa.
Một cách khác quan trọng với nhiều công ty là lập hẳn những website chống tin đồn. Điều này cho phép họ biết được nhiều tin đồn khi chúng mới manh nha. Các website như Hoax Buster, Stopalarumeur đều được bổ sung thông tin đầy đủ bởi đội ngũ cộng tác viên. Một số công ty như
Apple, IBM còn tổ chức mạng lưới cộng tác viên (ăn lương) rất mạnh để nắm ngay những tin đồn địa phương hay tầm cỡ châu lục, nhằm hạn chế nhanh nhất sự lây lan của tin đồn. Nhờ cách này mà vào tháng 7-2002, IBM dập tắt từ trứng nước tin đồn “máy tính xách tay IBM phát nổ tại Los Angeles, gây thương tích trầm trọng cho ba doanh nhân”. Cộng tác viên James White được thưởng 20.000 USD cộng nhiều khoản linh tinh khác trong vòng bốn năm liền do có công phát hiện kịp thời tin đồn này.
Một số công ty cũng thiết lập đường dây nóng, thông báo rõ ràng với khách hàng rằng “mỗi khi nhận được tin đồn và cảm thấy bán tín bán nghi, xin quí khách liên hệ số máy... để biết rõ thực hư”. Kentucky và cả McDonald's của Mỹ một thời đã sử dụng biện pháp này. Nó được xem là rất hiệu quả và được chấm điểm 9/10 theo tiêu chuẩn chống tin đồn của Hiệp hội Chống tin đồn của Mỹ (AAR). Nhờ cách này mà khoảng 2 triệu người Mỹ ở các bang đã “nghe ra ngô ra khoai” nhiều thông tin vô cùng kỳ quặc. Họ cũng được nhân viên của các công ty giải thích và khuyên bảo cụ thể trong tâm lý hoang mang chung. Nếu cách này tỏ ra không hiệu quả, các công ty phải nhờ đến các phương tiện thông tin như truyền hình, báo chí và Internet, trong đó truyền hình chiếm ngôi vị ưu tiên một.
Khi tin đồn tạm lắng xuống, nhiều công ty tổ chức mở diễn đàn trên Internet hay truyền hình, với sự tham gia của nhiều chuyên gia kinh tế và tâm lý học, xã hội học. Cách tốt nhất là mời cho được những người đã đoạt giải Nobel kinh tế, vì họ sẽ là một loại nhãn hiệu cầu chứng cho việc cải chính tin đồn. Những website kinh tế lớn nhỏ đều mở diễn đàn, kêu gọi sự tham gia và góp ý của mọi người.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận