06/04/2019 10:31 GMT+7

Còn người xem, 'giang hồ mạng' còn đất sống

NGUYỄN THỊ HẰNG  (TRƯỜNG ĐH KHXH&NV,  ĐHQG TP.HCM)
NGUYỄN THỊ HẰNG (TRƯỜNG ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM)

TTO - Thử hỏi nếu bạn là một người bình thường mà cuộc sống bỗng chốc thành một hiện tượng, tháng nào cũng kiếm được dăm ba trăm triệu từ clip tự sản xuất, liệu bạn có tiếp tục làm không.

Còn người xem, giang hồ mạng còn đất sống - Ảnh 1.

Những hình ảnh tốt đẹp được truyền đi trên mạng. Trong ảnh: ngoài giờ học, sinh viên đội công tác xã hội Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM nấu cháo tặng những người vô gia cư - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Cuộc sống của "giang hồ mạng" Khá Bảnh xoay quanh việc quay video nói về giới giang hồ, về cách dạy dỗ đàn em, rồi những lần tiêu pha phung phí, gây mất trật tự... Nhưng chính cuộc sống ấy lại giúp Khá Bảnh kiếm ra tiền, hơn 400 triệu đồng/tháng.

Có phải là chính chúng ta?

Chúng ta cứ tự hỏi vì sao Khá Bảnh lại nổi tiếng, giàu có đến vậy, nhưng chúng ta đâu có biết người làm giàu cho Khá Bảnh lại chính là mình, người tiếp tay cho hiện tượng xấu kia cũng chính là mình.

Khi Khá Bảnh bị bắt, ai cũng nghĩ mọi chuyện đã được giải quyết ổn thỏa. Nhưng chữ "tiền" kia vẫn còn, vẫn còn nhiều kẻ dựng clip theo cách đó để kiếm lời, vì họ biết họ còn "đất sống", họ còn người xem.

Có thể Khá Bảnh kia vào tù, các clip của Dương Minh Tuyền đã bị gỡ bỏ, thì vẫn còn nhiều kênh YouTube của các "giang hồ mạng" khác hoạt động và tất nhiên chúng vẫn có người xem và vẫn kiếm được tiền. Điển hình như các kênh Dũng Trọc, Phú Lê...

"Do mấy đứa trẻ nó xem, nó thần tượng đó!", nguyên nhân được người lớn đổ cho... một bộ phận giới trẻ. Điều này không sai, nhưng nó cũng không hẳn đúng.

Trong số những người theo dõi kênh của Khá Bảnh, một số thì "thần tượng", một số thì tò mò muốn biết Khá Bảnh là ai, tuy nhiên cũng có nhiều người xem những hành động của Khá Bảnh chỉ để mua vui, vì họ cảm thấy "hài hước" khi nhìn xã hội cổ xúy cho loại "giang hồ mạng" này.

Nhưng không phải tất cả đều là thành phần ở giới trẻ. Bạn sẽ chẳng biết Khá Bảnh là ai nếu bạn chưa xem video của anh ta một lần. Vậy chúng ta đã rõ ai mới là nguyên nhân chính tiếp tay rồi đó, đó chính là chúng ta, là xã hội này.

Trách nhiệm của cộng đồng

Thiết nghĩ nếu phải làm những clip có thông tin chính xác, tích cực, "sạch" mà phải đầu tư chỉn chu thì thà làm vài cái clip thường thường như Khá lại có được bội tiền mà cũng chẳng tốn kém gì.

Có một điều khá nghịch lý là những thứ xấu xí, nhạt nhẽo, không bổ ích lại thu hút được số đông rất nhiều. Hiện tượng "Lệ rơi" hát dở, xấu xí lại được quan tâm quá mức, "Trần My" với những phát ngôn thiếu suy nghĩ đôi khi dở hơi lại được giới trẻ đưa thành trend (xu hướng), "Khá Bảnh" giang hồ với những clip xử đàn em, đốt xe lại có lượt xem đông đảo. Những thứ càng tiêu cực, càng xấu xí, chúng ta càng chê bai lại càng nổi tiếng và phát triển.

Đó là trách nhiệm của cả cộng đồng. Không có người cổ xúy thì không có kẻ bất hảo. Không có thông tin phản cảm thì không có người xem và không có gì là sai nếu ngay từ đầu được giáo dục và nhận thức đúng cách.

Đặc biệt là sẽ không có cái nhìn sai lệch nếu chúng ta đừng hùa theo số đông để dung túng phát triển những thứ tầm thường. Nhưng có một thứ chắc chắn phải thay đổi, đó là pháp luật.

Khi xã hội đang phát triển quá mức và mất kiểm soát, thay vì chúng ta tìm nguyên nhân, hãy tìm "chiếc áo" pháp luật thật vừa vặn cho xã hội, chiếc áo quá chật thì ắt sẽ có những hiện tượng xấu xuất hiện và gây khó khăn, bôi nhọ hình ảnh của cả xã hội.

Câu hỏi với Đoàn

Tổ chức Đoàn - Hội đã hoặc đang hoạch định, tham mưu những giải pháp gì với các cấp lãnh đạo để phòng ngừa, hạn chế hiện tượng một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ hôm nay cuồng nhiệt cổ xúy cho những hiện tượng vô văn hóa, phủ bóng bạo lực, côn đồ đầy rẫy trên mạng xã hội và ngay trong xã hội hằng ngày?

Tôi nghĩ các cấp bộ Đoàn - Hội cần kịp thời có tiếng nói phản ảnh, kiên quyết bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho không ít nạn nhân là thanh thiếu niên trong các vụ bạo lực học đường, bạo hành xã hội ngày càng xuất hiện quá nhiều cũng như tăng cường việc định hướng, nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của thanh thiếu niên hơn nữa.

Chúng ta chung sức giải quyết những vấn nạn này để tổ chức Đoàn - Hội luôn xứng đáng là chỗ dựa đáng tin cậy của mọi tầng lớp thanh thiếu niên đang muốn phát triển trong một môi trường an toàn, lành mạnh, đáng sống, mới phát triển kịp với nhiều yêu cầu, đòi hỏi của thời cuộc - thời đại.

Lê Tú Mỹ

Theo bạn, hiện tượng “giang hồ mạng” có thể dẫn tới những hệ lụy gì với thế hệ trẻ? Mời bạn gửi ý kiến đến diễn đàn chia sẻ suy nghĩ, câu chuyện của mình qua địa chỉ email: [email protected].
'Điểm danh' giang hồ mạng

TTO - Bùng lên như các trào lưu gây sốt từng tồn tại, những giang hồ mạng thu hút hàng triệu người hiếu kỳ theo dõi. Chuyện này thật ra không mới và cũng chẳng lạ.

NGUYỄN THỊ HẰNG (TRƯỜNG ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên