28/09/2024 10:03 GMT+7

Con ngoài giá thú khai sinh theo họ mẹ, làm sao đổi sang họ cha?

Tôi có con ngoài giá thú, khai sinh theo họ mẹ. Bây giờ nhận lại con, muốn đổi sang họ cha thì phải làm thế nào?

Bé khai sinh, đăng ký thường trú ở tỉnh khác nơi tôi ở.

Bạn đọc L.T.H. gửi câu hỏi.

- Luật sư Tào Văn Dũng (Đoàn luật sư TP.HCM) tư vấn:

Con ngoài giá thú khai sinh theo họ mẹ, làm sao đổi sang họ cha? - Ảnh 1.

Luật sư Tào Văn Dũng

Để bổ sung thêm tên cha vào giấy khai sinh và đổi từ họ mẹ sang họ cha, anh cần thực hiện các thủ tục sau:

Đăng ký khai nhận cha con:

Anh nộp yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con, nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch.

Chứng cứ chứng minh quan hệ cha con có thể là: Giấy xét nghiệm ADN hoặc có thể lập văn bản cam kết mối quan hệ cha con có ít nhất 2 người làm chứng. Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con thì các bên phải có mặt.

Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định, nếu thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi vào sổ hộ tịch, cùng người đăng ký nhận cha, mẹ, con ký vào sổ hộ tịch và báo cáo chủ tịch UBND cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.

Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 5 ngày làm việc (theo quy định tại điều 25 Luật Hộ tịch năm 2014).

UBND cấp xã nơi cư trú của người nhận hoặc người được nhận là cha con thực hiện đăng ký nhận cha con. Anh có quyền lựa chọn UBND cấp xã nơi anh đang cư trú hoặc nơi con anh đang cư trú để làm thủ tục khai nhận con (theo quy định tại điều 24 Luật Hộ tịch năm 2014).

Trường hợp đăng ký nhận cha, mẹ, con giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài hoặc giữa người nước ngoài với nhau thì thủ tục được thực hiện theo quy định tại điều 43 và 44 Luật Hộ tịch năm 2014.

Thủ tục cải chính hộ tịch và bổ sung thông tin vào giấy khai sinh

Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ cho con đẻ từ họ của cha đẻ sang họ của mẹ đẻ hoặc ngược lại.

Việc thay đổi họ, chữ đệm, tên cho người dưới 18 tuổi theo quy định phải có sự đồng ý của cha, mẹ người đó và được thể hiện rõ trong tờ khai, với người từ đủ 9 tuổi trở lên còn phải có sự đồng ý của người đó.

Việc cải chính hộ tịch không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự đã được xác lập theo họ cũ.

Trường hợp bổ sung hộ tịch vào giấy khai sinh thì công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung bổ sung vào mục tương ứng và đóng dấu vào nội dung bổ sung.

UBND cấp xã nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi, cải chính cho người chưa đủ 14 tuổi; bổ sung hộ tịch cho công dân Việt Nam cư trú trong nước trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định.

Nếu thấy việc thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch là có cơ sở, phù hợp với quy định pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan, công chức tư pháp - hộ tịch ghi vào sổ hộ tịch, cùng người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch ký vào sổ và báo cáo chủ tịch UBND cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.

Như vậy để đổi họ của con từ họ mẹ sang họ cha và bổ sung thêm tên anh vào giấy khai sinh, anh cần nộp tờ khai yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính và bổ sung hộ tịch cho UBND cấp xã nơi cư trú đăng ký hộ tịch trước đây của con hoặc nơi cư trú hiện tại của con anh để được xem xét giải quyết.

Kèm theo đơn là các giấy tờ như: Giấy tờ liên quan đến việc khai nhận con; Khai sinh đã cấp trước đây của con anh; Thỏa thuận đồng ý đổi họ từ họ mẹ sang họ cha của vợ chồng anh (nếu trẻ dưới 18 tuổi), Giấy đồng ý đổi sang họ cha có xác nhận của người con và chữ ký của cha mẹ hoặc người làm chứng (nếu trẻ từ đủ 9 tuổi trở lên)...

Trường hợp đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch không phải tại nơi đăng ký hộ tịch trước đây thì UBND cấp xã phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao trích lục hộ tịch đến UBND nơi đăng ký hộ tịch trước đây để ghi vào sổ hộ tịch.

Nếu cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 3 ngày làm việc.

Nếu nơi đăng ký hộ tịch trước đây là cơ quan đại diện thì UBND cấp xã phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao trích lục hộ tịch đến Bộ Ngoại giao để chuyển đến cơ quan đại diện ghi vào sổ hộ tịch.

Trường hợp của con anh thì thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch liên quan đến giấy khai sinh nên công chức tư pháp hộ tịch sẽ ghi nội dung thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch vào giấy khai sinh của con anh với tên cha là tên của anh và họ được đổi từ họ của mẹ sang họ của anh.

Ngoài ra, con anh có nơi đăng ký thường trú và khai sinh ở một tỉnh khác nên để tiết kiệm thời gian và chi phí, anh có thể chọn nơi đăng ký khai sinh lúc ban đầu của con anh để thực hiện thủ tục đăng ký khai nhận cha con và cải chính hộ tịch bằng cách nộp hồ sơ trực tuyến thông qua việc truy cập Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công cấp tỉnh nơi con anh đang thường trú.

Mời bạn đọc gửi câu hỏi để được luật sư tư vấn

Con tôi ở với bố, nay đăng ký thường trú ở chỗ tôi được không? - Ảnh 2.

Đăng ký Tuổi Trẻ Sao TẠI ĐÂY

Với đội ngũ các luật sư và chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực như hôn nhân - gia đình, kinh doanh - thương mại, mua bán đất đai, sở hữu trí tuệ, lao động, hộ tịch, thừa kế..., chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhiệt tình, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.

Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Sao qua địa chỉ [email protected].

Con ngoài giá thú khai sinh theo họ mẹ, làm sao đổi sang họ cha? - Ảnh 3.Ly hôn 14 năm, muốn đổi họ cho con được không?

Trước đây tôi với chồng có đăng ký kết hôn và con trai theo họ cha, nhưng sau đó chúng tôi ly hôn, con trai ở với tôi nay đã 14 năm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên