26/05/2017 17:39 GMT+7

Còn mẹ già để được 'nói sàm' là hạnh phúc lắm

LÊ CÔNG SĨ
LÊ CÔNG SĨ

TTO - Sau khi đăng loạt bài về người già, những ngày qua Tuổi Trẻ Online liên tục nhận được nhiều phản hồi của những người trẻ về các đấng sinh thành. Dưới đây là bài viết của anh Lê Công Sĩ về người mẹ của mình.

Ông Nguyễn Văn Đức (85 tuổi) ở Bến Tre hàng ngày chăm sóc mẹ già 113 tuổi từng miếng ăn giấc ngủ được xem là một  tấm gương sáng về lòng hiếu thảo, đáng để ngàn đời noi theo - Ảnh: VÂN TRƯỜNG

Ám ảnh tuổi già 

Hãy giúp người già tránh thảm cảnh,

* Sợ tuổi già, nỗi lo thường nhật của những người... sắp già!

Tôi chưa có gia đình và hiện tại tôi đang còn mẹ già ngoài bảy mươi tuổi. Do đặc thù công việc, tôi không sống chung nhà với mẹ mà sống với vợ chồng anh chị, cách nhà mẹ ở (với anh chị khác) trên dưới hai cây số.

Mẹ tôi chưa đến nỗi "thấy gì cũng sợ" hay mất trí như người mẹ tác giả Đỗ Kim.

Tuy vậy lo nhiều, lo xa, và "sợ mất của" là tính nết mẹ tôi hiện giờ. Tuy không ở chung mẹ nhưng ít nhất ngày hai buổi tôi ghé về nhà mẹ, buổi trưa là về ăn cơm còn buổi chiều là đi tập thể dục và tạt ngang "ngóng" chuyện nhà.

Là con út, và năm nay cũng tròm trèm bốn mươi tuổi trong gia đình tám anh chị em hầu hết là lao động chân tay song do có điều kiện học đến đại học và có việc làm thu nhập khá, tôi tự nhận về mình phần "đối ngoại" (những chuyện liên quan đến giấy tờ …) và "đối nội" (lo phần kinh tế chung cho cả nhà vốn hầu hết đều chưa có gia đình).

Do anh chị hầu hết lao động chân tay và lớn tuổi nên tôi coi trọng sức khỏe của mỗi người, đặc biệt là mẹ tôi bởi bà đang có bệnh lý tim mạch, huyết áp và tiểu đường vốn là bệnh hay gặp ở người già. Xuất thân từ nhà quê và gia đình nghèo, tiết kiệm và lo tốn tiền đã trở thành tính cách lâu nay của mẹ. Bà ăn uống tiện tặn và … hay giấu mỗi khi có bệnh.

Trước kia mỗi khi "khó chịu trong người" mẹ tôi hay cạo gió, đến khi chịu hết nỗi mới tự đi hoặc sai anh chị tôi mua thuốc uống (!). Khi ấy tôi còn là sinh viên học ở Sài Gòn, mỗi năm chỉ về quê hai lần dịp hè và tết nên cũng không kịp nắm bắt tình hình gia đình và sức khỏe của mẹ tôi.

Có lẽ vì vậy mà đến khi tôi tốt nghiệp ra trường và thu nhập ổn định thì trong lần đưa mẹ đi Sài Gòn khám tổng quát tôi mới biết mẹ tôi có bệnh lý tim mạch, huyết áp và tiểu đường. Từ đó đến nay cứ mỗi 2-3 tháng tôi đưa mẹ đến Sài Gòn khám bệnh theo lời dặn của bác sĩ.

Trước kia khi còn trẻ mẹ tôi hay bị say xe. Ngộ lắm, từ TP Trà Vinh về quê ngoại ở một huyện cách nhà mẹ tại trung tâm TP Trà Vinh chỉ trên 20 cây số nhưng thỉnh thoảng để thăm mẹ tôi hay để mẹ tôi thăm ngoại thì người phải di chuyển chính là … bà ngoại tôi.

Mẹ tôi trước kia lên xe đò là say xe, nôn ói đến khi xe dừng lại mới thôi; chưa kể về đến nhà là mẹ phải nằm vùi vài hôm mới khỏi. Do vậy lần đầu khi đưa mẹ đi Sài Gòn khám bệnh tôi lo lắm, tôi lo mẹ không ngồi xe được quãng đường xa từ Trà Vinh đến Sài Gòn.

Tuy vậy nhờ trời mẹ tôi giờ không còn say xe hay vật vã khi đi xe như khi trẻ nữa. Song do mẹ bị huyết áp nên tôi không dám mạo hiểm đưa mẹ đi khám bệnh và về trong ngày, ngược lại mỗi khi đến kỳ khám bệnh của mẹ tôi đều cẩn thận đi xe riêng và thuê khách sạn cho bà ở trước một đêm để huyết áp điều hòa sẽ tiện cho việc khám bệnh vào hôm sau.

Mỗi lần đi Sài Gòn như vậy, tôi thường khi thì rủ luôn anh chị hoặc cô dì con cháu trong họ hàng, khi thì bà con lối xóm đi cùng để khám bệnh tổng quát. Mẹ tôi vui lắm bởi bà thấy con cái giờ đã lớn, tuy gia đình không thuộc loại giàu có hay khá giả gì nhiều song cũng đã "thoát nghèo" và có chút dư dả nên cũng nở mày nở mặt với hàng xóm. Tôi quan niệm mỗi chuyến đi như vậy như một chuyến đi chơi.

Theo đạo Phật, từng trọ học trong chùa những năm còn là sinh viên ở Sài Gòn, ít nhiều tôi thấu hiểu giá trị cốt lõi và hạnh phúc đích thực của cuộc đời. Tôi hay nghe quý sư giảng kinh và khuyên anh chị trong gia đình, đặc biệt là mẹ học cách buông bỏ và tĩnh tâm trong cuộc sống, cố gắng đừng để tâm mình "vướng víu" những thị phi vụn vặt vốn dễ gặp phải mỗi ngày.

Tôi cũng khuyên anh chị học cách thích nghi với tuổi già của mẹ, bởi tôi hiểu người già hay "trái tính trái nết". Anh chị thi thoảng vẫn tránh cáu gắt trước sự lo xa hay những thói quen dễ "làm phiền người khác" của mẹ song nhìn chung mọi việc đều ôn hòa. Mẹ tôi giờ đây mỗi đêm đều dành ít thời gian ngồi thiền, niệm Phật.

Được ăn cơm cùng mẹ những trưa, được "nói sàm" (cách mẹ hay nói về tôi) để chọc cười mẹ, được cùng mẹ và anh chị, cô chú bác "đi du lịch" mỗi 2-3 tháng một lần theo tôi đó là hạnh phúc lớn lao. Tôi quan niệm có duyên có phước mới gặp nhau và là cha mẹ, anh chị, con cháu họ hàng ở cõi đời này. Do vậy mỗi người cứ sống hết lòng với nhau sẽ tự khắc có hạnh phúc.

Nghĩ như vậy dù mẹ tôi có "trái tính trái nết" hay da nhăn tóc bạc gì đi nữa tôi vẫn yêu thương mẹ. Tôi tin các anh chị tôi cũng thế. Và do vậy tôi cũng chẳng sợ tuổi già mai này sẽ đến với mình.

Bởi, tôi thích câu thơ: "Ngày mai không biết ra sao nữa. Mà có ra sao cũng chẳng sao".

Hãy lắng lại đôi chút trong cuộc sống hối hả này để chia sẻ những khoảnh khắc, những câu chuyện mà bạn nghe thấy, quan sát được xung quanh để chúng ta cùng thấy cuộc đời còn có rất nhiều mảnh ghép thú vị khác. Xin mời bạn gửi những sẻ chia, cảm nhận của mình về địa chỉ: [email protected] hoặc [email protected]. Cảm ơn bạn!
LÊ CÔNG SĨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên