Đại diện Cục Quản lý dược cho biết, hiện nay đã có tới 121 nhà máy sản xuất thuốc trong nước đạt tiêu chuẩn GMP thực hành tốt về sản xuất, nhiều sản phẩm dược Việt Nam được xuất khẩu đi các nước trong khu vực và thế giới. Nhiều tập đoàn dược phẩm nước ngoài cũng đã chọn những nhà máy sản xuất thuốc trong nước để sản xuất nhượng quyền hoặc gia công sản phẩm để xuất khẩu. Tuy nhiên, giá trị tiền thuốc nội địa sử dụng trong bệnh viện cũng như trên thị trường tự do đều chưa cao, chỉ xấp xỉ 48% tổng giá trị thị trường.
Trong khi đó theo tính toán, bình quân mỗi người Việt Nam chi cho việc mua thuốc là 600.000 đồng/người/năm, nhưng hơn ½ trong số đó là chi cho mua thuốc ngoại. Tâm lý, thói quen sử dụng thuốc ngoại từ các bác sĩ kê đơn đến người bệnh đã khiến chi phí chữa bệnh trở lên nặng nề hơn.
Chính vì thế, Bộ Y tế phát động chương trình truyền thông nhằm đưa các sản phẩm dược sản xuất trong nước đến gần với người bệnh.
Chương trình cũng sẽ là cầu nối quan trọng giữa cơ quan quản lý, người dân và các doanh nghiệp dược trong công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách, đường lối của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực dược. Qua đó nâng cao nhận thức của người dân đối với thuốc sản xuất trong nước, cũng như tăng cường vai trò trách nhiệm của thầy thuốc đối với việc kê đơn; sử dụng thuốc bảo đảm hợp lý, an toàn, hiệu quả để hỗ trợ ngành dược Việt Nam phát triển.
Đặt nhiều kỳ vọng vào chương trình truyền thông “Con đường thuốc Việt”, Bộ Y tế cũng lưu ý Cục Quản lý dược và các doanh nghiệp sản xuất trong nước cần nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm chứng minh hiệu quả điều trị của sản phẩm tương đương với thuốc biệt dược gốc. Đặc biệt là phải chứng minh được thuốc nội sản xuất có chất lượng cao, hình thức đẹp không thua kém gì thuốc ngoại nhập trong khi giá thành lại rẻ, phù hợp với phần lớn người dân Việt Nam.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận