25/04/2016 11:30 GMT+7

Cơ quan chức năng nhận sai vụ bắt chị Nguyễn Thị Ánh Ngọc

TTO - Theo Trưởng công an huyện Nhơn Trạch tỉnh Đồng Nai, chị Ngọc có hành vi cản trở công vụ nhưng chưa đến mức phải xử lý hình sự.

Đại tá Cao Hữu Nguyên - trưởng Công an huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai - động viên, an ủi chị Nguyễn Thị Ánh Ngọc - Ảnh: Đức Trong
Đại tá Cao Hữu Nguyên - trưởng Công an huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai động viên chị Nguyễn Thị Ánh Ngọc - Ảnh: Đức Trong

Sau khi hủy bỏ biện pháp tạm giam, sáng 24-4 lãnh đạo Viện KSND và Công an huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) đã gặp gỡ chị Nguyễn Thị Ánh Ngọc và nhìn nhận sai sót, đồng thời nghe chị bày tỏ nguyện vọng của mình.

Chị Ngọc là người được mời lên làm việc vào ngày 19-4 về vụ nhân viên bảo vệ rừng đánh chị nhưng sau đó lại bị bắt tạm giam về hành vi chống người thi hành công vụ.

“Sẽ khắc phục trên tinh thần cầu thị”

Giải thích về lý do gặp chị Ngọc, bà Trương Bùi Nhã Linh - viện trưởng Viện KSND huyện Nhơn Trạch (nơi phê chuẩn lệnh bắt theo đề nghị của Công an huyện) - nói: “Mục đích của buổi gặp chị Ngọc là muốn chị nói tất cả những tâm tư, tình cảm của mình về vụ việc sau khi bị bắt tạm giam. 

Hồ sơ ban đầu cho thấy chị có dấu hiệu chống người thi hành công vụ nhưng sau khi bắt giam, báo chí cung cấp những tình tiết mới, chúng tôi kiểm tra rà soát toàn diện vụ việc, kiểm tra các chứng cứ và thấy nên hủy bỏ biện pháp tạm giam, đồng thời cũng thấy rằng có những vấn đề anh em nhận thức pháp luật chưa đúng. 

Sắp tới lỗi của ai đến đâu sẽ xử lý đến đó. Trong những ngày tới, khi xác định chị vô tội chúng tôi sẽ đình chỉ vụ án. Chúng tôi xác định sai và sẽ khắc phục trên tinh thần cầu thị”.

Còn đại tá Cao Hữu Nguyên - trưởng Công an huyện Nhơn Trạch - nói hành vi của chị Ngọc trong vụ việc ngăn chặn sà lan cát ngày 5-9-2015 (ngày cơ quan điều tra cho rằng chị Ngọc cản trở công an mang ghe cát vào bờ lập biên bản nên khởi tố, bắt tạm giam chị Ngọc để điều tra về hành vi chống người thi hành công vụ) có hành vi cản trở nhưng chưa đến mức phải xử lý hình sự. 

“Sau khi bắt tạm giam, công an thấy không đúng, nên nhận sai. Hôm nay muốn nghe chị trình bày bức xúc. Chị cứ nói thẳng thắn để chúng tôi giải quyết” - đại tá Nguyên nói.

Ngồi im một hồi lâu, chị Ngọc cho hay trong vụ việc xảy ra trên sông Thị Vải ngày 5-9-2015 chị có gọi điện báo tình trạng ghe, sà lan bơm cát gây ô nhiễm cho UBND xã và công an. Công an xuống nhưng không lập biên bản, để ghe và sà lan chở cát bỏ chạy nên chị mới giằng co. 

“Công an có mặt ở đó nhưng im ru để sà lan bơm cát chạy đi. Tôi và nhiều người dân yêu cầu phải lập biên bản tại chỗ vì những người bơm cát nói không có chủ ghe” - chị Ngọc kể. 

Bà Trương Bùi Nhã Linh hỏi thêm: “Còn hồ sơ thể hiện việc chị ôm ống bơm hút cát cản trở không cho mang ghe về xã làm việc?”. 

Chị Ngọc nói: “Mục đích tôi ôm ống là sợ ghe khai thác cát còn lại bỏ chạy đi. Thậm chí người dân có mặt ở đó còn cởi áo trải trên sà lan, bật đèn pin đề nghị phải lập biên bản tại chỗ mới cho đi. 

Muốn có biên bản tại chỗ là vì tôi và những người dân sợ đưa ghe, sà lan về nhưng không xử như những lần trước”.

Đại tá Nguyên hỏi tiếp: “Những lần báo tin về khai thác cát chị có báo cho công an huyện không?”. 

“Tôi báo cho UBND xã Phước An, công an xã, thậm chí nhắn tin cầu cứu nhưng họ đến và nói không có chứng cứ xử lý. Tôi cũng gọi tổng đài hỏi số công an huyện báo tin, kêu cứu về tình trạng bơm hút cát”.

Đại tá Cao Hữu Nguyên - Ảnh: Đức Trong
Đại tá Cao Hữu Nguyên - Ảnh: Đức Trong
“Tôi thay mặt cho Công an huyện Nhơn Trạch xin nhận sai trước chị Ngọc và gia đình chị Ngọc. Tôi hứa với trách nhiệm người đứng đầu sẽ tiếp tục kiểm tra cách làm việc tắc trách, vấn đề mà anh em làm chưa đúng trong quá trình bắt giam. Nếu vi phạm pháp luật cũng phải xử lý, còn vi phạm ở mức độ nhẹ hơn thì sẽ xử lý theo quy định của ngành
Đại tá Cao Hữu Nguyên (trưởng Công an huyện Nhơn Trạch)

Đại tá Nguyên nói sẽ cho chị Ngọc số điện thoại để gọi cho ông bất cứ lúc nào về tình hình an ninh trật tự. Ông hứa sẽ kiểm tra tất cả các vấn đề chị Ngọc phản ảnh theo quy trình xử lý tin tố giác tội phạm.

Sau lời của trưởng công an huyện, chị Ngọc nói vì hoàn cảnh gia đình nên hơn hai năm qua chị phải rời Sài Gòn xuống sống dưới đùng nuôi tôm, ở ghép hộ khẩu tại xã Phước An mong một cuộc sống an lành nhưng luôn gặp phải cát tặc.

“Không hiểu sao hơn một năm nay tôi sống trong nước mắt. Tôi làm ngoài sông, thấy cát tặc làm ảnh hưởng đến quyền lợi của dân và tôi phản ảnh thì đối mặt với cát tặc, với chính quyền” - chị Ngọc rơm rớm nước mắt nói.

“Tôi không trốn chạy như người ta nói”

Chị Ngọc trong buổi gặp gỡ với đại diện Viện KSND và Công an huyện Nhơn Trạch - Ảnh: Đức Trong
Chị Ngọc trong buổi gặp gỡ với đại diện Viện KSND và Công an huyện Nhơn Trạch - Ảnh: Đức Trong

Đề cập đến chuyện mời làm việc vụ bảo vệ rừng đánh chị Ngọc nhưng lại bị bắt tạm giam về hành vi chống người thi hành công vụ xảy ra từ ngày 5-9-2015, thiếu tá Lê Minh Tuấn - đội phó đội điều tra tổng hợp Công an Nhơn Trạch - cho hay công an điều tra cùng lúc hai vụ nhưng đến đùng tôm, rồi nhà ở tại xã Phước An thì không rõ chị Ngọc đi đâu.

Đi xác minh ở Q.7 (TP.HCM) thấy bán nhà, nên mời lên làm việc và thực hiện theo lệnh bắt đã ký từ trước.

Không đồng ý, anh Đỗ Kỳ Phong (chồng chị Ngọc) nói: “Công an xã Phước An điện thoại hay gửi thư mời lần nào mà vợ tôi không tới? Tôi thuê đùng tôm nuôi nhưng người ta không cho làm nữa. Hộ khẩu vợ tôi ở ghép cũng ở xã Phước An”.

Đại diện ấp Bà Trường, xã Phước An cũng đứng lên xác nhận chị Ngọc có hộ khẩu, địa chỉ cụ thể và nói: “Cái này Công an xã Phước An đều rõ”. Chị Ngọc nói thêm: “Biên bản làm việc với công an trước đó tôi đều có ghi địa chỉ cụ thể. Tôi không chạy trốn như người ta nói”. 

Chị Ngọc nói: “Phóng viên báo Tuổi Trẻ hỏi tôi có được thông báo lệnh bắt không, tôi nói không nhận được gì cả”. Bà Linh trả lời: “Lệnh bắt công khai nhưng có thể chuyển qua đường bưu điện bị thất lạc, chúng tôi sẽ kiểm tra”.

Viện KSND và Công an huyện Nhơn Trạch cũng hỏi chị Ngọc bị bắt tạm giam bốn ngày và có ý kiến bồi thường ra sao? Chị Ngọc và gia đình cho hay cần có thời gian suy nghĩ.

Kết thúc cuộc gặp mặt, đại tá Cao Hữu Nguyên nhấn mạnh vụ việc bắt tạm giam chị Ngọc để điều tra về hành vi chống người thi hành công vụ nhưng qua thẩm tra, cơ quan bảo vệ pháp luật đã hủy bỏ biện pháp tạm giam.

Trong quá trình điều tra có vấn đề nhận thức pháp luật, chưa đủ cơ sở để xử lý hình sự... Đại tá Nguyên nói tiếp: “Chúng tôi nhận sai và sẽ xử lý nghiêm những gì mà quá trình điều tra làm sai.

Cả cách cư xử của cán bộ chiến sĩ, cách ăn nói với dân như chị phản ảnh sẽ được tôi kiểm tra xử lý nghiêm, chị Ngọc an tâm việc đó. Tôi cũng mong rằng báo Tuổi Trẻ và các luật sư hỗ trợ cho Công an huyện Nhơn Trạch để thực hiện tốt hơn trong vấn đề đảm bảo an ninh trật tự cho người dân...”.

Trả lời Tuổi Trẻ về việc bao giờ đình chỉ vụ án và xin lỗi chị Ngọc, bà Trương Bùi Nhã Linh cho biết đầu tuần này các ngành sẽ họp và sẽ tổ chức công khai xin lỗi chị Ngọc.

Sẽ khởi tố vụ án nhân viên bảo vệ rừng hủy hoại tài sản

Tại cuộc gặp mặt chị Ngọc, đại tá Cao Hữu Nguyên cho biết vụ việc báo Tuổi Trẻ phản ánh nhân viên bảo vệ rừng vào đùng tôm hủy hoại tài sản, ném ximăng của chị Ngọc vẫn đang được điều tra và nếu đủ các chứng cứ, sẽ tiến hành khởi tố bị can.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên