Phóng to | |
Chu Lai | Lê Phương |
* 3 triệu đồng cho một ý tưởng là một cái giá không cao nhưng lại đánh động lòng tự hào dân tộc ở những người cầm bút. Với hai ông, nhân vật lịch sử nào của Thăng Long đang được "thai nghén"?
Nhà văn Chu Lai: Tôi không hiểu rõ các triều đại, thuật ngữ, chức tước phong kiến càng không nắm vững. Bỗng một ngày tôi được mời xuống Đồ Sơn, được yêu cầu "nhè ra" một ý tưởng. Tư cách kẻ sĩ buộc tôi phải nhận, rồi "rút ruột" để làm.
Lần đầu tiên trong đời, tôi bỏ tất cả các đơn đặt hàng, các dự án đang thực hiện dở dang với những đồng thù lao đầy quyến rũ, dành trọn 1 tháng vào thư viện, các hiệu sách cũ ôm tất cả những gì liên quan đến đời nhà Trần (nhân vật mà tôi ký hợp đồng ý tưởng là Trần Nhật Duật). Sau khi ngốn hết đống sách tìm được, tôi bỏ ý định viết Trần Nhật Duật, chuyển sang viết về Trần Khánh Dư.
- Nhà biên kịch Lê Phương: Tôi đã từng trả lại 3 triệu đồng cho Ban chỉ đạo Cuộc vận động sáng tác vì không thích cách làm của họ. Nhưng rồi tôi không thoát khỏi sự ám ảnh của các nhân vật lịch sử mà tôi đã đeo đuổi từ 5 - 6 năm trước. Mới đây, tôi nộp 3 đề cương: Góc Thành Nam, Cánh buồn Nam đảo và Bút mực ngai vàng.
Theo con mắt của một người làm điện ảnh, Cánh buồm Nam đảo (viết về quan hệ của một hoàng thân nhà Mạc với công chúa Thái Lan, liên quan đến chiếc tàu cổ chìm ở Cù Lao Chàm, cùng với sự phát triển của gốm Chu Đậu) và Bút mực ngai vàng viết về Chu Văn An có tính khả thi hơn vì ít đại cảnh hoành tráng kiểu chiến tranh, dễ làm, ít tốn kém kinh phí.
Riêng Góc thành Nam, tôi viết để đối lại với tác phẩm Vạn Xuân của một nhà văn Pháp viết về Nguyễn Trãi. Theo nghiên cứu và những tài liệu mà tôi có, cuốn sách đó có nhiều điều viết sai về Nguyễn Trãi. Tác phẩm của tôi đề cập đến việc Nguyễn Trãi sang Trung Quốc - vấn đề mà chưa một tác phẩm sân khấu nào đề cập đến và lý giải tại sao 10 năm ở Đông Quan Nguyễn Trãi không đi đâu, không đi với nhà Hậu Trần...
* Điện ảnh là nghệ thuật tổng hợp và nhà biên kịch với vai trò người xây viên gạch móng đầu tiên trước nay vẫn lo lắng khi những đứa con tinh thần của mình được đưa vào sản xuất. Trước thực tế này thì tâm trạng của các ông như thế nào?
- Nhà văn Chu Lai: Kịch bản là tiếng nổ đầu nòng nhưng người ta có quyền nghi ngờ khả năng triển khai của nội lực điện ảnh VN. Làm phim lịch sử ắt sẽ tốn kém, không thể không có đại cảnh chiến trận, không thể lôi lịch sử vào khuê phòng, hoàng cung. Điện ảnh VN sẽ xử lý ra sao với những đại cảnh cần đến hàng nghìn con ngựa chiến, hàng vạn binh lính, rồi phục trang, đạo cụ của từng thời kỳ lịch sử...
Nếu Trần Khánh Dư của tôi được đưa vào sản xuất, thì việc tái hiện những trận đánh thuỷ với hàng trăm, hàng nghìn thuyền bè là bài toán không dễ giải với các nhà làm điện ảnh VN. Đó là chưa nói đến việc lâu nay điện ảnh VN chưa từng có diễn viên có gương mặt đóng đại quan. Ai sẽ đóng Trần Hưng Đạo, Trần Khánh Dư, Nguyễn Trãi cho ra thần khí phách của họ...? Các đạo diễn VN chưa quen làm phim với những đại cảnh, phim lịch sử càng thiếu kinh nghiệm.
- Nhà biên kịch Lê Phương: Nếu cứ nhìn vào cách làm phim bây giờ thì chẳng bao giờ điện ảnh VN có phim lịch sử ra hồn. Cần phải có một thủ lĩnh, biết tập trung lực lượng, biết dùng quân để điều hành một cách khoa học, chuẩn xác.
Nói cách khác, tất cả đều phải có một cái đích chung là chất lượng của bộ phim chứ không phải chưa làm đã nghĩ đến chuyện "chấm mút" lợi nhuận từ nguồn kinh phí. Sau khi tìm được kịch bản tốt nhất, Ban chỉ đạo nên tổ chức đầu thầu giữa các hãng phim, chứ không nên chỉ định thầu theo kiểu làm phim tài trợ như hiện nay.
* Nếu đề cương được Ban chỉ đạo chấp nhận, tác giả sẽ nhận được 20 triệu để triển khai kịch bản. Kinh phí làm phim có thể lên tới 45 tỉ. Đây có phải là "cú hích" để các thí sinh tham dự "Cuộc thi sáng tác kịch bản phim truyện 1000 năm Thăng Long - Hà Nội" và các tác giả được đầu tư chiều sâu cố gắng chạy đua về đích?
- Nhà văn Chu Lai: Tôi không mong vào vòng trong, bởi để có 200 trang kịch bản tôi sẽ phải tự "xé xác" mình ra trong vòng 3 - 4 tháng trong khi tôi đang có rất nhiều dự án phải làm. Nhưng nếu kịch bản của tôi được duyệt thì tôi sẽ vì Hà Nội mà không tiếc sức mình.
Còn nếu không lọt vào vòng trong, tôi sẽ biến 20 trang đề cương thành một tiểu thuyết lịch sử 400 - 500 trang. Gần 60 tuổi mới sáng vỡ ra nhiều điều khiến tôi hào hứng vô cùng. Sau tiểu thuyết sẽ là kịch bản sân khấu, kịch bản truyền hình ra đời từ tiểu thuyết này.
- Nhà biên kịch Lê Phương: Viết phim lịch sử rất tốn công, tốn của nên nếu không có cuộc vận động vì 1.000 năm Thăng Long chắc khó có nhà văn, nhà biên kịch nào chịu rời những dự án, đề tài dễ làm, dễ kiếm tiền đang có để lao vào đề tài lịch sử. Có thể coi đây là sự khởi đầu khơi thông dòng phim lịch sử của VN.
Kịch bản nào tốt nhất sẽ được đưa vào đấu thầu làm phim, những kịch bản khác đưa về các hãng sản xuất theo kế hoạch năm, làm phim truyền hình..., không có kịch bản nào bỏ phí cả. Kịch bản Góc thành Nam của tôi dày dặn lắm, phải làm 2 tập mới đã. Còn chuyển thể sang kịch bản truyền hình thì có thể làm tới 40 - 50 tập. Hiện tại, đã có người "gạ" tôi viết tiểu thuyết về những nhân vật này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận