Tranh thủ hôm nghỉ làm, Thúy phụ mẹ rửa nồi niêu nấu xôi - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG
Học đại học chi phí đến hàng chục triệu đồng, mẹ em già rồi, không biết tính sao đây.
Nguyễn Thanh Thúy
Trong ngôi nhà tềnh toàng, rệu rã theo thời gian, những tấm giấy khen của Thúy được treo trang trọng.
Ước mơ chỉ là... ước mơ
Trời lất phất mưa, Thúy tranh thủ giúp mẹ làm cỏ vườn rau. Hôm nay chủ quán cà phê ở Đà Nẵng có việc đột xuất nên Thúy được nghỉ làm một bữa để ở nhà phụ mẹ. Chồng mất 5 năm vì bạo bệnh, ngày nào cũng vậy, lúc 2h sáng bà Huỳnh Thị Nhường lại dậy nấu dăm ký xôi, chục lít sữa để 4h mang xuống chợ xã bán, nuôi ba đứa con. Anh trai đầu của Thúy bị bệnh Down nên gọi là "cu Khờ", đã 24 tuổi nhưng phải có người chăm nom.
Phiên chợ cuối tháng, bà Nhường còn bán thêm hoa. Bà bảo hôm nào đắt khách thì kiếm được hơn 100.000 đồng, mùa mưa gió chỉ còn 70.000-80.000 đồng. Bốn mẹ con dựa vào đó mà sống. Vì lao lực, bà đổ bệnh thoát vị đĩa đệm 2 năm nay. Đau, mệt mỏi nhưng người mẹ không dám nói vì sợ các con lo lắng, ảnh hưởng chuyện học.
"Có những hôm không biết cảm giác đói là gì, chân cứ bước đi, người nhẹ như không vậy. Nỗi lo lớn quá" - bà tâm sự.
Lam lũ, nghèo khó là vậy nhưng bà Nhường tự hào về con lắm. Ngoài anh Khờ, hai đứa con kế là Nguyễn Viết Thọ - sinh viên CĐ Điện lực Miền Trung - và Thúy đều chăm ngoan, học giỏi có tiếng.
Thọ vẽ rất đẹp, từ năm lớp 11 đã ước mơ sau này sẽ học kiến trúc. Bà Nhường khuyên con: "Ba mất rồi, mình má xoay xở không nổi, học kiến trúc nhiều tiền lắm. Con học ngành chi mà sau này ra trường có việc làm, chứ má đơn thân không biết xin ai".
Rồi Thọ chọn vào CĐ Điện lực. Khi con đậu, bà Nhường mừng và... sợ, vì suốt nhiều năm chồng bệnh, món nợ tiền bạc vẫn còn đeo đẳng. "Có chủ nợ nói hoàn cảnh của mẹ con cô vậy chắc không bao giờ trả hết được. Số tiền 11 triệu tiền vay đó, họ cho luôn" - bà Nhường nhớ lại.
Anh Thọ sắp ra trường, đến lượt Thúy chuẩn bị vào đại học. Thúy có khiếu vẽ và cũng mong sau này được học vẽ, trở thành nhà thiết kế thời trang. Nhưng ước mơ vẫn là... ước mơ, bởi Thúy không dám đi tiếp vì rất tốn kém và khó xin việc. Thúy chọn vào ĐH Kinh tế Đà Nẵng theo sự tư vấn của thầy cô.
Hôm con gái về báo được 23,7 điểm, bà Nhường rất vui. "Mừng quá, mà không biết làm sao để con đi học" - tủi thân, bà ứa nước mắt. Bác Hải hàng xóm thấy vậy "bày" cho bà viết đơn xin sự giúp đỡ từ mọi tấm lòng, với hi vọng tìm được "chiếc phao" cứu con.
Mượn sách để học
Kế chiếc giường đã cũ mèm là những chồng sách được xếp ngay ngắn. Hai mẹ con cẩn thận kiểm lại số sách đã mượn của bà con trong xóm. Ba năm THPT, Thúy mượn mấy chục cuốn sách nhưng cuốn nào cũng thẳng thớm, nguyên vẹn.
"Có lúc cực lắm, nợ bao vây, cô không đủ tiền mua sách mới cho con học. Phần thì đi tìm mua sách cũ, phần mượn lại của bà con trong xóm để có đủ bộ sách" - bà Nhường kể. Cảnh mẹ góa, con côi, lại thấy Thúy sáng dạ, ngoan ngoãn nên ai cũng thương và giúp.
Nhiều năm liền Thúy là học sinh giỏi, lớp 10, 11 đoạt giải nhì cấp tỉnh môn lịch sử; lên lớp 12, vì chọn thi khối tự nhiên nên Thúy chuyển sang học và thi học sinh giỏi môn vật lý cấp tỉnh, đoạt giải nhì.
Thương mẹ, ba lần Thúy xin nghỉ học để mẹ bớt vất vả. Lần đầu là khi ba qua đời, anh trai vào cao đẳng, Thúy xin nghỉ học, kiếm việc phụ mẹ và trang trải việc học cho anh. Nhưng bà Nhường lắc đầu.
Lên cấp III, mẹ đổ bệnh, Thúy không cầm lòng được, suy nghĩ bỏ ngang con đường học cứ ám ảnh trong đầu. "Nếu nghỉ thì tương lai sẽ làm chi hả con?" - bà Nhường khuyên con. Vậy là Thúy gạt nước mắt để đến trường.
Giờ đây, khi đã biết kết quả kỳ thi THPT quốc gia sẽ đủ điểm đậu vào trường ĐH nhưng Thúy lại ngập ngừng trước cánh cửa ấy, bởi chưa có lối ra nào cho chính mình.
Cô học trò giỏi toàn diện
Thầy Trương Thế Phương - giáo viên chủ nhiệm của Thúy suốt 3 năm THPT - cho biết gia đình Thúy rất nghèo. Ở trường, dường như tất cả thầy cô đều biết và thương Thúy nên khi dạy phụ đạo đều miễn phí cho em. Thúy không chỉ học giỏi - điểm đứng trong tốp đầu của khối 12, mà còn ngoan hiền, năng nổ trong mọi hoạt động. "Em là một học sinh giỏi toàn diện. Mong sao có nhà hảo tâm nào đó giúp đỡ để em vượt qua giai đoạn khó khăn này, đừng để em phải đứt gánh giữa đường mà tội" - thầy Phương chia sẻ.
1.000 suất học bổng Tiếp sức đến trường hỗ trợ tân sinh viên
Dự kiến, năm học 2019-2020 chương trình sẽ dành khoảng 1.000 suất học bổng cho tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trúng tuyển ĐH, CĐ với số tiền 10 triệu đồng/suất và 15 triệu đồng cho suất đặc biệt.
Ban biên tập báo Tuổi Trẻ rất mong bạn đọc giới thiệu những tân sinh viên học giỏi, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có nguy cơ bỏ học nếu không được tiếp sức kịp thời qua email: [email protected] hoặc điện thoại: 028.39973838. Đồng thời, bạn đọc có thể ủng hộ kinh phí học bổng, chỗ ở, phương tiện đi lại, dụng cụ học tập... cho tân sinh viên. Đây sẽ là sự hỗ trợ ban đầu và động lực tinh thần để các bạn tự tin viết tiếp ước mơ cuộc đời.
Kinh phí ủng hộ đóng góp trực tiếp tại phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) hoặc Văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ các khu vực; chuyển khoản vào tài khoản báo Tuổi Trẻ số 113000006100, Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 TP.HCM hoặc ví điện tử MoMo "Chung tay cùng Tuổi Trẻ". Nội dung chuyển tiền: "Ủng hộ học bổng Tiếp sức đến trường cho tân sinh viên".
Trân trọng cảm ơn quý bạn đọc.
TỐ OANH
Mời bạn đồng hành với Tiếp sức đến trường 2019
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận