TTCT - Giới tâm lý học nghĩ gì về "câu hỏi triệu đô" này? Ảnh: Sohl/iStockTừng có một lời đùa được truyền miệng nhau về việc chọn ngày để bắt đầu hay kết thúc một mối quan hệ với mốc ngày lễ bất kỳ chứ không cứ 14-2: chia tay trước, khởi đầu sau. Tan vỡ trước và yêu nhau sau ngày lễ, thoạt nhìn, chỉ đơn giản nhằm mục đích "tiết kiệm" chi phí quà cáp, thời gian và công sức tổ chức ăn mừng dịp lễ tình nhân. Nhưng còn nhiều thứ để lăn tăn hơn thế.Khi mối quan hệ tình cảm vốn đã trở thành một chiếc xương cá mắc ngang cổ, chỉ mỗi việc khạc ra hay nuốt xuống cũng trở thành một vấn đề quan trọng. Hình ảnh quà cáp đắt tiền trong không gian nhà hàng hào nhoáng đăng trên mạng xã hội vào ngày lễ tình nhân đã trở thành thước đo hạnh phúc, khiến việc các cặp đôi bên nhau vào ngày đặc biệt trở nên đắt đỏ. Điều đó thôi thúc chúng ta kết thúc cuộc tình một cách nhanh chóng hơn vào trước ngày lễ tình nhân.Một số người mong muốn tiết kiệm thời gian cho bản thân; chẳng thà ở bên gia đình và bạn bè, còn hơn chịu đựng một ngày tình nhân với "nhân" vốn chẳng còn "tình". Một số khác nghĩ đến việc tiết kiệm tiền bạc và công sức phải bỏ ra, khi chẳng bao lâu nữa đối phương sẽ trở thành người dưng mà thôi. Nói cho cùng, chia tay trước lễ giải phóng ta khỏi cảm giác bị ép buộc phải "tỏ vẻ" yêu thương; cùng với đó, tôn trọng cảm xúc hiện tại của chúng ta hơn.Chia tay sớm còn là một hành động khá nhân văn, trong trường hợp bạn không muốn tạo ra ảo tưởng về tình yêu hoàn mỹ cho đối phương. Thử tưởng tượng mới ngày hôm qua còn nào hoa nở rộ, nào bánh ngọt ngào, hôm sau lại báo chia tay, chẳng khác nào khiến đối phương rơi từ thiên đường xuống địa ngục. Dù sao, xé nhanh miếng băng cá nhân vẫn khiến người ta đỡ đau hơn cái cách "rỉ rả" kéo từng đoạn trong suốt một thời gian dài.Tuy nhiên, nếu có ý chia tay trước lễ, hãy nhớ báo trước ít nhất một tuần, theo Morgan Cope, giáo sư tâm lý học Đại học Centre College (Kentucky, Mỹ). Cope giải thích với CNN: khiến người yêu tổn thương chỉ vài ngày trước 14-2 chẳng khác nào một hành động phủ nhận tất cả niềm vui đã cùng nhau trải qua. Chí ít, hãy để họ có cơ hội lên một kế hoạch khác cho lễ tình nhân, thay vì ở nhà đắm mình trong nước mắt.Mặt khác, nhiều người vẫn cảm thấy chia tay sau lễ tình nhân mới là sự lựa chọn sáng suốt. Nếu hết tình cạn nghĩa, chia tay vào ngày nào cũng chẳng khiến bạn phải lăn tăn. Nhưng con người lại là động vật đong đầy tình cảm, ta chẳng muốn tạo cho người từng thương một nỗi ám ảnh "bị đá" vào trước ngày tình nhân. Hiệu ứng tâm lý tiêu cực "negative bias" sẽ khiến người ta luôn nhớ đến ngày chia tay vật vã nhiều hơn là quãng thời gian hạnh phúc bên nhau. Bởi vậy, ta dùng dằng chưa dứt bởi ý nghĩ muốn tốt cho người kia, dù rằng sự chịu đựng này chẳng biết có tốt hay không.Đó có thể coi như là động lực nhân đạo, còn động lực xuất phát từ cá nhân thì dễ hiểu hơn. Có đôi lúc, nguyên nhân chỉ đơn giản từ một chữ "lỡ". Đã "lỡ" yêu nhau tận 5 năm, đã "lỡ" dẫn người yêu ra mắt gia đình, đã "lỡ" quen với việc có người đón đưa... Vài chữ "lỡ" xuất hiện khiến ta quyến luyến quá khứ đã qua, mà quên rằng tất cả chỉ là do tâm lý chi phí chìm (sunk cost).Những khoản chi đã xảy ra và không thể thay đổi được trong hiện tại - như thời gian tìm hiểu một chàng trai, mối quan hệ với những người bạn chung, những món đồ đã mua hiện đang chia nhau trả góp... là những chi phí chìm khiến ta mãi chưa thể chấm dứt một mối quan hệ. Cảm giác đó như khi bạn bỏ tiền mua vé một bộ phim dở khủng khiếp, nhưng thay vì đi về để tiết kiệm hai tiếng cuộc đời tiếp theo, bạn ngồi lại xem tiếp với cơn buồn ngủ và nỗi ức chế. Thậm chí, theo một nghiên cứu của Đại học Minho (Bồ Đào Nha) đăng trên tập san tâm lý học Current Psychology năm 2018, người ta có thể sẵn sàng tiếp tục duy trì một mối quan hệ thêm gần 300 ngày, dù không hài lòng, nếu mối quan hệ đó vốn đã kéo dài hơn mười năm.Thực tế hơn, chọn thời điểm qua lễ một chút sẽ giúp bạn có thời gian sắp xếp phương án dự phòng. Biết rằng tình yêu luôn cần có đường lui, nhưng hiếm khi nào chúng ta nghĩ đến kết quả xấu khi tình cảm còn mặn nồng. Một chút thời gian trì hoãn sẽ giúp bạn thu dọn sắp xếp đồ đạc, tìm nơi ở mới trước khi chia tay, hoặc thậm chí cho bạn cơ hội để suy nghĩ lại về quyết định rời khỏi cuộc đời nhau.Cuối cùng, như hiệu ứng Recency, chúng ta có xu hướng ghi nhớ và ấn tượng với những sự việc, đồ vật, thông tin diễn ra gần nhất. Vậy nên, dù chọn thời điểm chia tay nào, hãy ra đi một cách nhẹ nhàng, để những gì còn đọng lại trong chúng ta và đối phương là những kỷ niệm tốt đẹp. Tags: Ngày lễ tình nhânValentineChia tayTình yêuTâm lý
Làm cho khách hàng lo lắng khi tài khoản bị khóa rồi lừa lấy luôn tài khoản ngân hàng ĐỨC THIỆN 21/02/2025 Những kẻ lừa đảo luôn tìm cách tiếp cận và dụ người dùng cung cấp các thông tin bảo mật tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt tiền của nạn nhân.
Tin tức thể thao sáng 21-2: Swiatek bị loại ở tứ kết; Ông Rubiales thoát án tù vụ 'hôn môi' QUỐC THẮNG 21/02/2025 Tay vợt nữ số 2 thế giới Iga Swiatek bị loại ở tứ kết Giải quần vợt Dubai Championships; cựu chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Tây Ban Nha Luis Rubiales thoát án tù... là những tin nổi bật sáng 21-2...
Đặc phái viên Mỹ hủy họp báo sau khi gặp ông Zelensky TRẦN PHƯƠNG 20/02/2025 Sau hàng loạt rạn nứt mới đây giữa Mỹ và Ukraine, đặc phái viên Mỹ Keith Kellogg đã hủy họp báo sau cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Nghi phạm ở Đà Nẵng giết vợ rồi phân xác thả xuống biển phi tang khai gì? LÊ TRUNG 20/02/2025 Nghi phạm Trần Bảo Uyên khai nhận do mâu thuẫn trong sinh hoạt giữa hai vợ chồng nên đã giết vợ, dùng dao cắt thi thể thành ba phần và ném xuống biển phi tang.