20/11/2018 15:01 GMT+7

'Cô biết em đã có nhiều tiến bộ'

CAO HẢI BÌNH
CAO HẢI BÌNH

TTO - Đó là lời của cô Khang ngày xưa dành cho tôi. Giờ cô đã đi xa nhưng tôi vẫn nhớ về cô như một đặc ân của cuộc đời mình.

Cô biết em đã có nhiều tiến bộ - Ảnh 1.

Nhờ sự động viên của cô giáo, tôi không còn "đội sổ bền vững" - Minh họa: NGỌC NHI

"Đội sổ bền vững"

Hồi đó, tôi là đứa có học lực yếu nhất lớp. Suốt từ thời cấp một đến năm lớp 8, trong mắt ba mẹ, thầy cô và bạn bè, tôi là một đứa "đội sổ bền vững".

Ban đầu tôi cũng cảm thấy khó chịu, giận dữ vì cái biệt danh "đội sổ" của mình nhưng rồi nghe nhiều cũng thành quen và tôi phải thú nhận rằng: đúng, tôi là một đứa học hành chẳng ra gì.

Học dốt nên tôi cũng chẳng có nhiều bạn bè thân. Phần lớn những đứa chịu chơi với tôi thường nghịch ngợm hoặc cũng "ngưu tầm ngưu, mã tầm mã" như mình. 

Có lúc tôi cũng thấy cô đơn và cảm thấy bị coi thường. Cứ như vậy, tôi khép mình lại, tự ti khi đứng trước thầy cô giáo và bạn bè.

Ngày đó, ác mộng của tôi là những buổi họp phụ huynh. Tôi luôn lo sợ tên mình bị bêu trước lớp. Những khi đó, tôi cứ lo thon thót, thấp thỏm chờ ba hoặc mẹ đi họp phụ huynh về xem cô giáo chủ nhiệm phê gì? Cái tên tôi trở nên quen thuộc mỗi khi được nhắc đến trong các buổi họp phụ huynh khi đó.

Cho đến khi tôi bước vào lớp 9, cô giáo chủ nhiệm của tôi nghỉ sinh con và cô Khang được phân công làm chủ nhiệm lớp tôi.

Khi ấy, trong cái đầu non nớt của mình, tôi chỉ nghĩ: Cô nào chủ nhiệm cũng thế thôi, tôi mãi chỉ là một đứa đội sổ. Đã đội sổ thì cô nào chả ghét? Và nỗi sợ của những đứa "đội sổ" chính là bị cô giáo gọi lại sau buổi học.

"Nhảy lùi" về phía trước 5 bậc

Nhưng trái với suy nghĩ của mình, cô Khang không "nghiêm" (theo lời nhận xét của tụi tôi) như các cô giáo khác. Chưa khi nào tôi thấy cô nổi giận mặc dù tuần đó lớp tôi bị xếp loại trung bình ở trường hoặc bị hiệu trưởng nhắc nhở vào sáng thứ 2 đầu tuần.

Mỗi buổi đến lớp, cô luôn dành cho tụi học trò chúng tôi một nụ cười. Ngay cả khi ba mẹ tôi kêu ca tôi là đứa học dốt nhất thế gian thì cô vẫn dịu dàng: "Cô cho em nợ nhé. Nhưng lần sau cô sẽ tính lãi". 

Cách tính lãi của cô sau mỗi lần tôi không thuộc bài chính là một lời hứa và kèm theo những buổi phụ đạo… một thầy một trò.

Rồi nỗi ác mộng những buổi họp phụ huynh của một đứa "đội sổ" như tôi cũng dần được xóa sổ. Bởi lẽ, trước mặt mấy chục phụ huynh, cô Khang không khen cũng chẳng chê bạn nào. Tôi "thoát" là vì thế!

Tôi không hiểu sao mình lại được cô quan tâm đặc biệt. Ngay cả các môn khác như toán, lý, tôi bị dính điểm thấp, cô cũng đều biết. Cứ mỗi lần như thế, cô gặp riêng tôi nói: "Cô biết dạo này em đã có nhiều tiến bộ… Em hãy cố gắng hơn nhé". 

Với một đứa xếp cuối lớp như tôi, nghe những lời đó, thấy lòng tan chảy. Khi đó, tôi cứ vẩn vơ suy nghĩ: Mình đã có tiến bộ thật sao?

Lần khác cô lại nói: "Em hãy cố gắng từ số 46 xuống vị trí 40 nhé". Cứ mỗi tháng trôi qua, cô chỉ nhắc tôi cố gắng tiến bộ và "nhảy lùi" về phía trước 5 bậc.

Khi mà tất cả mọi người đều thấy tôi thật tồi tệ, ngay cả ba mẹ tôi cũng luôn bắt đầu câu chuyện bằng câu cửa miệng: "Mẹ không có lời nào để nói với con"; "Ba không thể nghĩ con lại học tệ đến vậy"… thì cô Khang luôn dành cho tôi những lời động viên đúng lúc. Ít nhất là những khi ấy, tôi không cảm thấy cô đơn.

"Cô đã đặt niềm tin đúng chỗ"

Cô biết em đã có nhiều tiến bộ - Ảnh 2.

Tôi luôn muốn nói với cô: "Cô đã không đặt niềm tin sai chỗ, cô ơi" - Minh họa: NGỌC NHI

Cứ như vậy, tôi cố gắng nhích từng bậc một. Rồi tôi đỗ vào một trường cấp 3 của huyện. Cô Khang trìu mến nói với tôi: "Cô biết em làm được".

Những lời cô nói như tưới vào tâm hồn cằn khô, khô khốc, cô độc, tự ti của tôi một niềm tin. Cô dành cho tôi một niềm tin hay đó đơn giản chỉ là những lời động viên – tôi không biết. Nhưng có một điều chắc chắn, tôi nhận được ở cô một thứ mang tên… tình yêu.

Để rồi, từ một đứa luôn "đội sổ", tôi học dần tiến bộ thực sự. Năm 2004, tôi đỗ vào trường Đại học Khoa học - Xã hội & Nhân văn Hà Nội với điểm số 23,5.

Hôm lên chia tay cô để đi nhập học, tôi nói: "Những điểm số em đạt được là nhờ có cô, là công lao của cô". Cô cười hiền: "Đó là của em, quan trọng là cô đã đặt niềm tin đúng chỗ".

Tôi tốt nghiệp đại học, đi làm và mỗi năm đều về thăm cô vào dịp tết âm lịch. Nhưng rồi cô đã ra đi mãi mãi sau một cơn đau tim. Nhớ quá cô ơi!

Hôm nay, tôi muốn nói với cô rằng: "Cô đã không đặt niềm tin sai chỗ, cô ơi!"

Nhà giáo là người giúp cho người khác học Nhà giáo là người giúp cho người khác học

TTO - 'Dạy học theo tôi đơn giản là giúp cho người khác học. Vậy câu hỏi đặt ra là học để làm gì, nếu không trả lời được câu hỏi này thì sẽ không giúp người khác học được', Hiệu trưởng Trường doanh nhân PACE, Viện trưởng Viện giáo dục IRED nói.

CAO HẢI BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên