16/12/2015 07:38 GMT+7

Có bản án khác trong 
hồ sơ vụ con ruồi trong chai nước ngọt

H.ĐIỆP - V.TRƯỜNG (hoangdiep@tuoitre.com.vn)
H.ĐIỆP - V.TRƯỜNG ([email protected])

TT - Đó là bản án năm 2013 của TAND Q.Bình Thạnh, TP.HCM xét xử ông N.Q.T. 3 năm tù cũng vì lý do ông T. đòi Tân Hiệp Phát đưa 50 triệu để đổi chai trà xanh có gián.

Một số bài báo viết về những người có liên quan tới
Một số bài báo viết về những người có liên quan tới "vật lạ" trong chai nước ngọt của Công ty Tân Hiệp Phát - Ảnh: T.T.D.

Theo kế hoạch, ngày 17-12 TAND tỉnh Tiền Giang sẽ đưa ra xét xử vụ án “cưỡng đoạt tài sản” đối với Võ Văn Minh (35 tuổi, Cái Bè, Tiền Giang). Cáo trạng cho rằng Minh đã dùng chai nước ngọt có ruồi để cưỡng đoạt 500 triệu đồng của Công ty Tân Hiệp Phát.

Tuy nhiên theo luật sư Nguyễn Tấn Thi - người bào chữa miễn phí cho bị cáo Võ Văn Minh, khi ông được tiếp xúc với hồ sơ vụ án từ TAND tỉnh Tiền Giang thì trong hồ sơ này ngoài những bút lục liên quan đến vụ án: cáo trạng, kết luận điều tra, lời khai của bị can cùng nhân chứng... còn có một bản án về một vụ “cưỡng đoạt tài sản khác”.

Không rõ đưa bản án khác vào hồ sơ để làm gì

Đó là bản án số 139/2013/HSST ngày 17-7-2013 của TAND Q.Bình Thạnh xét xử N.Q.T. 3 năm tù về tội “cưỡng đoạt tài sản”.

Theo nội dung bản án trên, anh T. mua phải một chai trà xanh không độ mang nhãn hiệu của Công ty Tân Hiệp Phát và phát hiện con gián đã chết trong chai nước còn nguyên.

Anh T. liên lạc với Công ty Tân Hiệp Phát yêu cầu mua lại chai nước với giá 50 triệu đồng, nếu không sẽ đưa chai nước lên báo đài và Bộ Y tế.

Sau nhiều lần tiếp xúc với nhân viên của Tân Hiệp Phát, ngày 25-5-2012 Trương Tiểu Long (cũng là người tiếp xúc, thương lượng với Võ Văn Minh) cùng một người tự xưng là giám đốc công ty gặp anh T. và anh T. được đồng ý trả 50 triệu đồng.

Ngày 5-6-2012, anh T. bị Cục Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an bắt quả tang khi vừa nhận tiền của công ty giao.

“Chúng tôi không rõ bản án này do Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang thu thập hay do ai cung cấp nhưng đã được Cơ quan CSĐT đóng bút lục từ số 250 đến 256.

Chúng tôi không hiểu bản án này phục vụ vấn đề gì trong công tác điều tra, truy tố và xét xử cho các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Tiền Giang? Bản án này có trong hồ sơ có phải được xem như là một “án lệ”, có thể làm “định hướng” đối với các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Tiền Giang và hội đồng xét xử đối với Võ Văn Minh không?” - luật sư Thi nói.

Cũng theo luật sư Thi, nếu các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Tiền Giang coi đây như là “án lệ” để áp dụng với trường hợp của Võ Văn Minh thì điều này chưa khách quan, trái với nhận thức suy đoán vô tội trong hoạt động tố tụng hình sự, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo Võ Văn Minh.

Bút lục nên không thể tự ý bỏ ra

Chúng tôi đặt câu hỏi với bà Nguyễn Thị Ánh (phó viện trưởng Viện KSND tỉnh Tiền Giang) vì sao trong hồ sơ vụ án Võ Văn Minh bị truy tố tội “cưỡng đoạt tài sản” của Công ty Tân Hiệp Phát có bản án của TAND Q.Bình Thạnh (TP.HCM) ngày 17-7-2013, trong đó bị hại cũng là Công ty Tân Hiệp Phát?

Bà Ánh cho biết các bút lục nói trên là của cơ quan điều tra đưa vào hồ sơ vụ án, Viện KSND có thấy nhưng cũng không quan tâm khi xem xét chứng cứ truy tố bị can Võ Văn Minh. Do đây là bút lục hồ sơ vụ án nên viện không thể tự ý bỏ ra mà phải chuyển hết sang tòa.

Cũng theo bà Ánh, chắc chắn hội đồng xét xử TAND tỉnh Tiền Giang cũng sẽ không dựa vào thông tin của bản án này để xét xử bị cáo Võ Văn Minh tại phiên tòa ngày 17-12.

Lý do là hiện nay chưa có quy định áp dụng án lệ và hồ sơ, chứng cứ mà cơ quan điều tra thu thập được đã đủ để làm căn cứ xét xử.

“Nhưng không loại trừ việc hội đồng xét xử sử dụng bản án của TAND Q.Bình Thạnh để tham khảo?” - chúng tôi hỏi. Bà Anh nói: “Viện KSND tỉnh Tiền Giang vẫn có quyền kháng nghị bản án”.

Chúng tôi đã liên hệ với TAND tỉnh Tiền Giang để trao đổi thêm về vấn đề này. Tuy nhiên sau khi văn phòng trao đổi với thẩm phán xử vụ này và xin ý kiến lãnh đạo tòa thì từ chối trả lời.

Không phải là án lệ

Nêu quan điểm về việc xuất hiện bản án khác trong hồ sơ, ông Quảng Đức Tuyên, phó chánh án TAND cấp cao tại TP.HCM, khẳng định bản án đó không phải là án lệ.

Ông Tuyên nói rằng do không đọc hồ sơ vụ án nên không rõ bản án này có giá trị gì, nhưng cả ba cơ quan tiến hành tố tụng đều có quyền thu thập tài liệu mà họ cho rằng có liên quan đến vụ án.

Tuy nhiên, việc có xem xét những tài liệu này trong quá trình xét xử hay không còn tùy thuộc vào sự đánh giá của hội đồng xét xử. “Tôi khẳng định tài liệu đó không phải là án lệ” - ông Tuyên nói.

Ông Tuyên cũng cho biết hiện nay việc sưu tầm án lệ đang được tiến hành và chưa có bản án nào được sưu tầm, đánh giá, công bố để áp dụng trong việc xét xử của các tòa án.

H.ĐIỆP - V.TRƯỜNG ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên