
CLB Thanh Hóa dính vào vụ kiện với HLV Tanasijevic (trái) - Ảnh: Q.T
CLB Đông Á Thanh Hóa (CLB Thanh Hóa) vừa bị FIFA cấm đăng ký cầu thủ từ ngày 25-3-2025 do chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với HLV Serbia Svetislav Tanasijevic. Thời hạn bị cấm đăng ký là 3 kỳ chuyển nhượng.
Nhiều CLB V-League bị kiện lên FIFA
CLB Thanh Hóa chỉ là cái tên quen mặt nhất, đại diện bóng đá Việt Nam, xuất hiện nhiều nhất ở Phòng giải quyết khiếu nại FIFA. Trong 5 năm đổ lại đây, Thanh Hóa tốn gần nửa triệu USD tiền đền bù.
Tổng số tiền CLB Thanh Hóa đã phải trả theo hồ sơ FIFA ghi nhận là 470.920 USD (khoảng 12,1 tỷ đồng). Tất cả đều liên quan đến tranh chấp hợp đồng liên quan đến cầu thủ ngoại, HLV nước ngoài.
Gần nhất và gây xôn xao nhất là việc CLB Hoàng Anh Gia Lai bị FIFA cấm đăng ký cầu thủ. Nguyên nhân xuất phát từ việc bị cầu thủ Martin Dzilah kiện về nghĩa vụ tài chính sau khi chấm dứt hợp đồng.
Sau đó, CLB Hoàng Anh Gia Lai đã phải dàn xếp với Martin Dzilah và được FIFA gỡ lệnh cấm. Tương tự, CLB Thanh Hóa sẽ thoát án nếu thanh toán số tiền theo phán quyết của FIFA cho HLV Tanasijevic.
Những năm gần đây, ngày càng nhiều CLB V-League bị cầu thủ ngoại hoặc HLV nước ngoài kiện lên FIFA. Trong đó có những CLB lớn như CLB Hà Nội, CLB Thép Xanh Nam Định với số tiền đền bù không nhỏ.
Các CLB Việt Nam khi bị kiện lên FIFA thì hầu hết nắm phần thua, buộc phải chi ra số tiền đền bù theo yêu cầu, thay vì giảm thiểu được thiệt hại ngay từ bước đàm phán chấm dứt hợp đồng.

Ngoại binh Mauricio kiện CLB TP.HCM không thành công - Ảnh: Q.T
Làm sao giảm thiệt hại?
Nói là hầu hết các đội bóng Việt Nam bị kiện lên FIFA là thua bởi cũng có một vài trường hợp giành phần thắng. Nó cho thấy vẫn có cách thắng kiện thay vì phải đền bù số tiền lớn hay tốn tiền khiếu nại.
Điển hình vào năm 2021, CLB Hoàng Anh Gia Lai được tuyên thắng khi bị cầu thủ Roberto Dias Correia Filho kiện. Vụ việc không có bằng chứng liên quan đến thư mời thử việc giả mạo từ đội bóng phố núi.
Trường hợp gần đây là CLB TP.HCM đã thắng kiện ngoại binh Mauricio Plenckauskas Cordeiro nhờ công ty tư vấn pháp lý thể thao. CLB TP.HCM tránh mất khoản tiền hơn 81.000 USD (khoảng 2 tỉ đồng).
CLB TP.HCM thông qua Công ty Quản lý thể thao AVS – Đơn vị đại diện Công ty luật Eleven & Law ở Việt Nam – để giải quyết tranh chấp thay vì giao cho phòng pháp lý của CLB đội bóng xử lý trực tiếp.
Ông Lê Anh Vinh, giám đốc Công ty Quản lý thể thao AVS nói: "Cơ cấu tổ chức CLB ở Việt Nam chưa có phòng ban chuyên trách pháp lý FIFA. Nhiều đội bóng không cử người theo dõi cổng thông tin pháp lý FIFA như Legal Portal nên dễ bị lỡ thông tin, dẫn đến thua kiện do không kịp giải trình".
Quan sát hàng chục vụ kiện của CLB V-League lên FIFA, ông Lê Anh Vinh còn nhận định nhiều đội bóng biết đơn phương chấm dứt hợp đồng là sai nhưng vẫn làm và nghĩ rằng FIFA sẽ không đụng đến mình. Việc này gần như chỉ đúng với cầu thủ hoặc HLV Việt Nam, còn người nước ngoài thì khác.
Giải pháp duy nhất là CLB V-League cần chú trọng nâng cao nhận thức về pháp lý thể thao, tuân thủ quy định luật pháp Việt Nam và quốc tế. "VFF cần tổ chức các hội nghị, hội thảo về pháp lý thể thao để các đội bóng nâng cao nhận thức và biết xử lý khi bị kiện lên FIFA để giảm thiệt hại", ông Lê Anh Vinh nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận