
Du khách Trung Quốc tham quan TP.HCM - Ảnh: T.T.D.
Mang lại nhiều phúc lợi hơn cho nhân dân hai nước
Tân Hoa xã và Nhân Dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc - đã có các bài viết khẳng định truyền thống hữu nghị giữa hai nước từ lịch sử. Trong đó, Nhân Dân Nhật báo khẳng định chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ củng cố tình hữu nghị truyền thống "vừa là đồng chí, vừa là anh em" giữa hai nước, tiếp tục dẫn dắt việc xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai giữa Việt Nam và Trung Quốc, mang lại nhiều phúc lợi hơn cho nhân dân hai nước.
Nâng tầm hợp tác thực chất
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khi trả lời báo chí đã chia sẻ rằng lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam rất mong đợi và kỳ vọng chuyến thăm sẽ đạt được những thành quả tốt đẹp trên một số phương diện, trước hết là làm vững chắc hơn nữa sự tin cậy chính trị giữa hai nước.
Đồng thời mong đợi chuyến thăm sẽ xác định những phương hướng lớn, trọng tâm triển khai hợp tác trên các lĩnh vực và nâng tầm hợp tác thực chất giữa hai nước theo hướng ngày càng chất lượng, hiệu quả, bền vững. Từ đó thúc đẩy tạo "điểm sáng" về hợp tác trình độ cao, nhất là trong các lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu.
Trung Quốc có thế mạnh như đường sắt khổ tiêu chuẩn, thương mại nông sản, khoa học công nghệ, giáo dục - đào tạo, kinh tế số, kinh tế xanh...
Cùng nhau ứng phó thách thức mang tính toàn cầu
Giáo sư Đào Nhất Đào, giám đốc Trung tâm nghiên cứu đặc khu kinh tế thuộc Đại học Thâm Quyến (Trung Quốc), bày tỏ ấn tượng với sự phát triển của Việt Nam mà bà đã trực tiếp chứng kiến trong những năm qua.
Bà khẳng định trong bối cảnh thương mại và chính trị thế giới diễn biến phức tạp, chuyến thăm của ông Tập Cận Bình thể hiện trách nhiệm của hai nhà nước trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.
"Điều này cho thấy hai bên sẽ tiếp tục duy trì, phát huy truyền thống tốt đẹp bao gồm giao lưu cấp cao, tiếp tục củng cố tin cậy chính trị, thúc đẩy thực hiện hiệu quả nhận thức chung cấp cao và các thỏa thuận đã ký kết.
Bên cạnh đó, tìm kiếm con đường khả thi để hai bên tăng cường điều phối, phối hợp trong các diễn đàn đa phương, tìm kiếm phương thức hợp tác bao trùm, cùng có lợi.
Từ đó cùng nhau ứng phó thách thức mang tính toàn cầu, cùng nhau thúc đẩy xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai mang ý nghĩa chiến lược đạt tiến triển thiết thực" - giáo sư Đào Nhất Đào nhấn mạnh với Tuổi Trẻ.
Xúc tiến vay vốn Trung Quốc làm đường sắt: Làm kỹ để tránh ảnh hưởng đến quan hệ hai nước

Chuyến tàu liên vận quốc tế đầu tiên của năm Giáp Thìn 2024 từ Sóng Thần (Bình Dương) đến Trịnh Châu (Trung Quốc) - Ảnh: ĐỨC PHÚ
Mới đây, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài chính trong tháng 4 này phải trình việc thành lập Hội đồng Thẩm định nhà nước dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, để tiến hành thẩm định cùng quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, đáp ứng tiến độ khởi công dự án vào tháng 12 năm nay.
Dự án dự kiến sử dụng vốn vay ưu đãi của Trung Quốc, và Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao dự thảo công thư đề nghị phía Trung Quốc hỗ trợ vốn vay ưu đãi thực hiện dự án.
Trước đó, theo quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh dài hơn 460km, với tổng vốn đầu tư hơn 200.000 tỉ đồng (tương đương 8 tỉ USD). Điểm đầu dự án tại cửa khẩu Lào Cai kết nối với đường sắt Trung Quốc và điểm cuối tại ga Cái Lân, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Tuyến đường sắt này sẽ có tốc độ thiết kế 160 km/h trên đoạn chính tuyến ga Lào Cai - ga cảng Lạch Huyện, tốc độ thiết kế 80 km/h cho đoạn qua Lào Cai và các đoạn tuyến nhánh, tốc độ thiết kế 120 km/h đối với đoạn đi qua Hà Nội.
Đường sắt này chạy qua địa phận các tỉnh thành Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh. Toàn tuyến dự kiến có 38 ga, trong đó 5 ga lập tàu gồm Lào Cai, Yên Thường, Nam Hải Phòng, Hạ Long và Cái Lân. Riêng ga Lào Cai còn đảm nhận thêm vai trò ga giao tiếp liên vận quốc tế, ga Hạ Long chỉ lập tàu khách, ga Cái Lân chỉ lập tàu hàng.
Theo PGS.TS Phan Thế Công (khoa kinh tế Trường đại học Thương mại), tuyến đường sắt này có thể giúp tăng cơ hội giao thương với thị trường tỉ dân. Cụ thể, việc vay vốn Trung Quốc làm dự án hạ tầng đã thực hiện trong nhiều năm qua; điều quan trọng là cần làm chặt các bước trong đàm phán, thẩm định, ký kết hợp đồng vay vốn để tránh ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai nước.
Trung Quốc là nước lớn, đồng thời là láng giềng, nên việc vay vốn làm các dự án hạ tầng kết nối với Trung Quốc như dự án đường sắt tốc độ cao Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có nhiều thuận lợi. Trung Quốc vừa là bạn, vừa là đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam hiện nay và trong tương lai.
Hơn nữa, việc vay vốn Trung Quốc để làm các dự án hạ tầng kết nối lớn như đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng sẽ tạo thuận lợi lưu thông hàng hóa giữa khu vực các tỉnh phía Bắc với cảng nước sâu Lạch Huyện; tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương có tuyến đường sắt chạy qua. Tuyến đường sắt này cũng mở đường cho nông sản Việt thâm nhập sâu hơn vào thị trường tỉ dân Trung Quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận