
Tiến sĩ Nguyễn Thành Anh, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục tại TP. HCM (bìa phải) và bà Mai Ngọc Liên, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển giáo dục Phương Nam (bìa trái) tặng quà lưu niệm cho 5 tác giả sách Kỹ năng ứng phó bạo lực học đường - Ảnh: DUYÊN PHAN
Buổi giao lưu và ra mắt sách do báo Tuổi Trẻ phối hợp Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển giáo dục Phương Nam tổ chức.
Chương trình diễn ra với hai nội dung: giao lưu với các khách mời về bạo lực học đường và ra mắt sách "Kỹ năng ứng phó bạo lực học đường".
Các khách mời bao gồm:
- Tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM.
- Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hải Uyên, chuyên viên tham vấn tâm lý, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM.
- Chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An, nghiên cứu sinh ngành tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.
- Nhà báo Hoàng Hương, phóng viên Ban giáo dục, báo Tuổi Trẻ.
Phải có kỹ năng nhận biết bị bạo lực học đường

Các chuyên gia tư vấn tâm lý và nhà báo tham gia giao lưu, chia sẻ với học sinh tại buổi giao lưu chia sẻ sáng 31-3
Trả lời câu hỏi của TS tâm lý Tô Nhi A "Làm sao biết mình bị bạo lực học đường?", hàng loạt cánh tay học sinh Trường tiểu học Trần Hưng Đạo đã giơ lên.
Có em trả lời bị đánh, em thì cho biết "bị ngắt tai", em thì cho biết "bị bóp cổ", "bị body shaming" (chê bai, nhạo báng ngoại hình)…
Qua tương tác của học sinh, TS Nhi A nhận xét các học sinh của trường có hiểu biết nhất định về bạo lực học đường dù mới ở lứa tuổi nhỏ.
Trong hàng loạt tương tác với học sinh, bà Nhi A cũng giúp học sinh tìm hiểu rõ lý do vì sao "bị bắt nạt".
Có học sinh trả lời vì "em yếu đuối", vì "vay tiền", vì "béo", vì "từng đánh người khác nên giờ bị đánh"…
Tuy nhiên, các chuyên gia tâm lý tại sự kiện cho biết thêm bạo lực học đường hiện không chỉ là "những đụng tay đụng chân" ở trong trường trong lớp mà còn có bạo lực mạng, bạo lực tâm lý…
Bị bạo lực học đường phải làm gì?

Học sinh đặt câu hỏi với khách mời tại chương trình
Khi bị bắt nạt, bị bạo lực học đường, học sinh, phụ huynh phải "xử lý" như thế nào? TS Tô Nhi A khuyên khi bị bắt nạt, bị bạo lực học đường, các em phải "biết cách tự bảo vệ an toàn cho bản thân".
Có nhiều cách để bảo vệ an toàn cho bản thân như "chạy đi, tự vệ, tìm đường bỏ đi chỗ khác…". Nếu tình huống tiếp tục diễn ra sau đó, học sinh phải chia sẻ với những người tin cậy để xử lý, như chia sẻ diễn biến với bố mẹ và cùng bố mẹ tìm những biện pháp tiếp theo để chấm dứt bạo lực học đường.
Tương tự, ThS tâm lý Nguyễn Hải Uyên khuyên học sinh cần có thái độ rõ ràng với những hành vi bạo lực học đường của bất kỳ ai đối với bản thân các em.
"Các em cần chia sẻ với những người tin cậy. Bên cạnh những người tin cậy như cha mẹ, thầy cô thì có một tổng đài bảo vệ các em là 111", cô Uyên lưu ý học sinh.
Đối với các hành vi bị bạo lực mạng, bị bắt nạt trên các nền tảng mạng xã hội, học sinh, phụ huynh phải làm gì? Nghiên cứu sinh ngành tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM Đào Lê Tâm An cho học sinh trả lời những câu hỏi loại trừ như "chửi lại" bạn trên mạng xã hội, báo với cha mẹ…
Nhiều em đã chọn "báo với cha mẹ" về hành vi bắt nạt trên mạng.

Nhà báo Hoàng Hương giao lưu và chia sẻ với học sinh tại sự kiện
Trong bối cảnh cuộc sống học đường hiện nay, TS Tô Nhi A khuyên phụ huynh hãy dành thời gian để tương tác với các con thường xuyên, hằng ngày, để học sinh không bị rơi vào cảnh bị bạo lực học đường và nếu rơi vào cảnh bạo lực học đường thì cha mẹ cũng là nơi tin cậy để học sinh chia sẻ và có hướng để chấm dứt bạo lực học đường.
"Trong suốt 25 năm làm nghề, tôi nhận thấy phụ huynh chúng ta dành cho con rất ít thời gian và dành thời gian chưa đúng. Điều quan trọng là con cần ít thời gian của cha mẹ nhưng cha mẹ phải cho con thời gian đều đặn, hằng ngày, ngày nào cũng phải có (10 phút mỗi ngày) để đồng hành cùng các con về tinh thần, cùng con giải quyết những sự việc xảy ra trong cuộc sống", bà Nhi A khuyên.
Chỉ dẫn kỹ năng ứng phó bạo lực học đường

Nhà báo Hà Thạch Hãn tặng hoa cảm ơn cô Lê Thanh Hương - hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1, TP.HCM)
Tại sự kiện, bà Mai Ngọc Liên - phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển giáo dục Phương Nam - cho biết với mục đích nâng cao nhận thức và cung cấp các giải pháp đối phó hiệu quả với bạo lực học đường, công ty đã phối hợp báo Tuổi Trẻ biên soạn hai cuốn cẩm nang "Kỹ năng ứng phó bạo lực học đường" dành cho học sinh cấp tiểu học và cấp trung học.
"Những cuốn sách này không chỉ đơn thuần là một tài liệu tham khảo mà còn là một người bạn đồng hành, một cẩm nang hữu ích dành cho các em học sinh, các thầy cô giáo và các bậc phụ huynh".

Bà Mai Ngọc Liên, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển giáo dục Phương Nam, phát biểu tại sự kiện
Theo nhà báo Hà Thạch Hãn, việc cùng với Công ty Phương Nam xuất bản cuốn sách "Kỹ năng ứng phó bạo lực học đường" nhằm thể hiện cam kết mạnh mẽ của báo Tuổi Trẻ trong việc đồng hành cùng bạn đọc trong việc xây dựng môi trường học đường an toàn, lành mạnh cho các em học sinh.
"Bộ sách này, với đội ngũ tác giả vừa là những nhà báo viết về giáo dục vừa là những chuyên gia tâm lý hàng đầu, nhằm hướng dẫn các em học sinh phương pháp ứng xử để các em có thể tự bảo vệ mình trước những hành vi bạo lực, đồng thời biết cách hỗ trợ bạn bè khi gặp phải tình huống tương tự", ông Hãn nhấn mạnh.

Học sinh Trường tiểu học Trần Hưng Đạo xem sách "Kỹ năng ứng phó bạo lực học đường"
Bất ngờ với câu trả lời của học sinh
Tại buổi giao lưu, nhà báo Hoàng Hương, đồng tác giả 2 cuốn sách "Kỹ năng ứng phó bạo lực học đường" dành cho học sinh tiểu học và trung học, đã đặt ra cho các em học sinh câu hỏi như sau: "Các vụ bạo lực học đường thường có 2 phe, một phe là nạn nhân của bạo lực học đường, một phe đi đánh bạn. Theo em phe nào đúng?".
Hàng loạt cánh tay đã giơ lên nhưng thật bất ngờ tất cả câu trả lời của học sinh đều có một đáp án: "Không bên nào đúng cả. Chúng em không thích bạo lực học đường".
Câu trả lời của các em học sinh đã nhận được sự tán thưởng nồng nhiệt của nhiều chuyên gia, nhà giáo và các bậc phụ huynh tại sự kiện.
Sách "Kỹ năng ứng phó bạo lực học đường" hiện được phát hành tại công ty cổ phần và thiết bị trường học các tỉnh, thành phố trên cả nước. Độc giả cũng có thể mua sách trực tuyến tại đây.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận