31/03/2025 14:00 GMT+7

Chuyển đổi số tại Huế: Viết tiếp chương mới

Song hành cùng tiến trình chuyển đổi số quốc gia, Huế đang đứng trước nhiều cơ hội để thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển bền vững và hiện đại hóa thành phố trong kỷ nguyên số.

Chuyển đổi số - Ảnh 1.

Các dịch vụ đô thị thông minh góp phần nâng cao chất lượng, đổi mới phương thức quản lý và tăng mức độ hài lòng của người dân

Bắt nhịp nhanh với chuyển đổi số

Những năm gần đây, Huế đã tích cực chuyển đổi số, nổi bật là sự thành công của Trung tâm Giám sát và Điều hành đô thị thông minh (IOC) thường được ví như "bộ não số" của thành phố.

Với hơn 650 "mắt thần" camera an ninh và 27 giải pháp AI, trung tâm IOC góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường và phòng, chống thiên tai, bão lụt cho thành phố một cách hiệu quả.

Bên cạnh đó, nền tảng Hue-S, một sản phẩm nổi bật của IOC cũng đã thu hút hơn 850.000 tài khoản đăng ký sử dụng, trở thành cầu nối quan trọng giữa chính quyền và người dân.

Qua Hue-S, hơn 58.000 phản ánh từ người dân đã được tiếp nhận và xử lý với tỉ lệ giải quyết đạt 97,5%, rút ngắn thời gian xử lý từ 60-70%, thậm chí có trường hợp lên đến 90%, tiết kiệm đáng kể chi phí hành chính.

Mở rộng hợp tác công - tư

Với tầm nhìn đến năm 2030, Huế hướng tới trở thành đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam, là trung tâm lớn và đặc sắc của Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu.

Đến năm 2045, thành phố đặt mục tiêu vươn lên thành trung tâm văn hóa, du lịch, giáo dục - đào tạo và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á.

Trong bối cảnh này, sự chung tay của các doanh nghiệp công nghệ trở nên cần thiết, không chỉ để bổ sung nguồn lực mà còn mang đến những giải pháp sáng tạo, góp phần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số của thành phố.

Một ví dụ điển hình là sự hợp tác gần đây giữa thành phố Huế và Grab Việt Nam, không chỉ đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hành trình chuyển đổi số mà còn mở ra những cơ hội hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền địa phương và doanh nghiệp công nghệ, nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững và hiện đại hóa đô thị Huế.

Chuyển đổi số tại Huế: Viết tiếp chương mới - Ảnh 2.

Grab Việt Nam và thành phố Huế ký Biên bản thỏa thuận hợp tác vào cuối tháng 2-2025

Được biết, hợp tác giữa Huế và Grab trải rộng trên nhiều lĩnh vực, nhằm mang lại lợi ích cho cả cộng đồng địa phương và du khách. Đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, hãng sẽ hỗ trợ các đối tác thương nhân tiếp cận nền tảng số, sử dụng công cụ trực tuyến để nâng cao hiệu quả kinh doanh, giúp họ thích nghi với xu hướng kinh tế số ngày càng phát triển.

Cùng với đó, chuyển đổi số trong giao thông vận tải được đẩy mạnh, từ việc số hóa hoạt động của các đơn vị kinh doanh vận tải ô tô, tài xế xe mô tô hai bánh, đến kế hoạch triển khai Grab Xích Lô - một nét văn hóa đặc trưng của Huế - nhằm mang lại trải nghiệm khám phá tiện lợi và độc đáo hơn cho du khách.

Trong lĩnh vực du lịch, hãng tận dụng thế mạnh công nghệ để quảng bá di sản, văn hóa và ẩm thực Huế cả trong và ngoài ứng dụng Grab, đồng thời phối hợp với các công ty lữ hành thiết kế các Gói hành trình Huế hấp dẫn.

Cuối cùng, việc tăng cường kỹ năng số cho cộng đồng cũng là một trọng tâm, thông qua đào tạo kỹ năng số và ngoại ngữ cho tài xế, tiểu thương, kết hợp với các trường đại học tại Huế để phổ biến kiến thức về kinh tế số cho sinh viên, đồng thời khuyến khích các sáng kiến đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực kinh tế và du lịch.

Chia sẻ về thỏa thuận hợp tác này, ông Alejandro Osorio - giám đốc điều hành Grab Việt Nam - cho biết: "Grab cam kết chia sẻ chuyên môn và kiến thức của mình, đặc biệt là về đổi mới công nghệ, để góp phần thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng trong hành trình chuyển đổi số tại Huế".

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên