20/09/2003 09:31 GMT+7

Cuộc ngã giá, ăn hoa hồng cao trên người bệnh

LÊ THANH HÀ<BR>
LÊ THANH HÀ

TT (TPHCM) - Dù có rất nhiều lý do được đưa ra để giải thích nguyên nhân giá thuốc tăng cao; dù đã có nhiều giải pháp đưa ra để kiểm soát và bình ổn giá thuốc (thanh tra, kiểm tra, chống độc quyền, niêm yết giá...), nhưng đến nay Bộ Y tế vẫn không thể kiểm soát được giá cả dược phẩm. Trong khi đó, những liên minh ngầm vẫn đang bắt tay nhau - có nơi còn bắt chặt hơn trước - tha hồ “làm mưa làm gió” trên sức khỏe người bệnh.

IP0rjlNF.jpgPhóng to
Ai biết được giá thật của mặt hàng thuốc tây là bao nhiêu?
TT (TPHCM) - Dù có rất nhiều lý do được đưa ra để giải thích nguyên nhân giá thuốc tăng cao; dù đã có nhiều giải pháp đưa ra để kiểm soát và bình ổn giá thuốc (thanh tra, kiểm tra, chống độc quyền, niêm yết giá...), nhưng đến nay Bộ Y tế vẫn không thể kiểm soát được giá cả dược phẩm. Trong khi đó, những liên minh ngầm vẫn đang bắt tay nhau - có nơi còn bắt chặt hơn trước - tha hồ “làm mưa làm gió” trên sức khỏe người bệnh.

Chung chi từ A đến Z!

Lâu nay, khu vực điều trị (gồm các bệnh viện (BV) nhà nước, tư nhân, phòng mạch...) được các công ty (CT) kinh doanh, phân phối dược phẩm xem là một thị trường cực kỳ lớn, ổn định và dễ kiếm lợi nhuận. Vì vậy, để thuốc vào được BV - nhất là thuốc có nhiều “đối thủ” cạnh tranh - thì tùy theo “đẳng cấp” CT, tùy mặt hàng... họ sẽ có chính sách chung chi hoa hồng khác nhau.

Đối với một số BV công, có một luật ngầm bất thành văn là phải chung chi hoa hồng cho cả một hệ thống liên minh từ bác sĩ (BS), khoa dược cho đến điều dưỡng, thủ kho cấp phát thuốc, tài vụ.

Theo các trình dược viên (TDV), khoa dược và BS là hai “thế lực” lớn ở BV, luôn “kết hợp” nhau để đẩy hoa hồng: BS không kê toa thì thuốc ở khoa dược cũng nằm đấy chờ... hết đát. Việc chiết khấu cho khoa dược thường được chặt khúc gọn 5-10%, thậm chí 15% trên tổng giá trị thuốc nhập vào.

t5SlVHL4.jpgPhóng to
Còn BS kê toa thì tùy mặt hàng, tùy CT mà mức chi hoa hồng được hưởng sẽ từ 20-50%. Để biết BS nào đã chỉ định điều trị bao nhiêu vỉ, chai, lọ thuốc... cho bệnh nhân nội trú trên bệnh án, TDV của các CT phải nhờ điều dưỡng các khoa điều trị thống kê giùm. Đương nhiên, các điều dưỡng viên cũng phải có thù lao cho công việc này.

Ngay cả thủ kho cấp phát thuốc, phòng tài vụ... các CT cũng phải “biết điều”. Nếu không, khi điều dưỡng lên nhận thuốc sẽ bị thoái thác là... hết thuốc và đề nghị lấy thuốc khác. Với tài vụ, nếu không “khéo” có khi đi rạc cẳng cũng chưa chắc lấy được tiền bán thuốc.

Theo đánh giá từ phía CT dược và TDV, số BS “thương mại” ngày càng nhiều ở các cơ sở điều trị. BV nào thấp thì cũng có khoảng 30-40% BS “thương mại”, có BV con số này lên tới 70-80% và tập trung nhiều ở những BV chuyên khoa, ngoại khoa.

Những BS “thương mại” này thường không quan tâm đến chất lượng, giá thuốc mà chỉ quan tâm... hoa hồng. Có BS nói thẳng: “Muốn kê toa hả? Được thôi, nhưng quyền lợi BS thế nào?”. Có BS ra giá thẳng: “Muốn kê toa, 50%. Được thì mang thuốc lại, không thì đừng đến!”.

Những mặt hàng thường phải chung chi nhiều là nhóm thuốc kháng sinh, thuốc chích, giảm đau, kháng viêm, thuốc bổ tổng hợp... Ở khu vực phòng khám ngoại trú của BV, để buộc được bệnh nhân mua đúng thuốc mà mình kê toa, BS phòng khám thường dặn bệnh nhân đến nhà thuốc của BV hoặc nhà thuốc nào đó để mua, đi nơi khác sẽ không có.

TDV sẽ đến những nhà thuốc này để thống kê toa và tính hoa hồng. Đã xảy ra tình trạng “bất hòa” giữa TDV và BS bởi việc chung chi hoa hồng không sòng phẳng. BS bảo tháng này kê được 500 toa, TDV nói chỉ bán được có 400 toa (do bệnh nhân đi mua thuốc nơi khác) và hoa hồng chỉ chi theo thực tế toa bán được, cuối cùng thì TDV này và mặt hàng này cũng phải xách gói ra khỏi BV. Việc ngã giá về tỉ lệ hoa hồng cho BS, chung chi cho các khâu liên quan thì tùy theo đẳng cấp của mặt hàng, vị trí của từng người mà có sự dao động theo tỉ lệ phù hợp.

Ở thị trường tự do, nhiều mặt hàng thuốc của châu Á có mức lãi trung bình 120%, có loại lên tới gần 400%, như Seidon 2mg của Hàn Quốc, giá vốn 31.000đ, bán ra 142.000đ, lãi 382%; Lexmin 300mg của Thái Lan vốn 85.000đ, bán ra 361.000đ, lãi tới 326%; hay Diabetmin 500mg của Malaysia vốn có 13.000đ, bán ra 66.000đ, lãi 390%...

Còn ở các BV, nhiều loại thuốc bán ra giữa giá vốn và giá bán cũng lãi từ 150-200%. Với các CT đa quốc gia tuy con số lãi được báo cáo là 15-30%, nhưng thực chất theo nhiều dược sĩ am hiểu thị trường thì không hẳn như vậy.

Đối với các phòng mạch, tình trạng phổ biến vừa kê toa vừa bán thuốc đã tạo điều kiện thuận lợi cho các CT dược và BS tha hồ “làm mưa làm gió” giá thuốc. Chỉ cần chi hoa hồng cao, thuốc gì cũng có thể bán được! Người bệnh chẳng bao giờ biết được mình đang uống thuốc gì, giá bao nhiêu vì tất cả đã được “phi tang” bao bì, vỉ nhãn.

Đặc biệt, có một số dược sĩ bắt tay với BS để “cắt lô” thuốc (giao trọn lô hàng cho một cơ sở sử dụng) nhằm mục đích hưởng hoa hồng đến 50%. Thuốc “cắt lô” thường là thuốc độc quyền có ở rất ít cơ sở điều trị, việc “cắt lô” này thường gặp ở các phòng khám đa khoa và BV tư nhân. Nhờ sự độc quyền này họ đã thu được những món lợi nhuận khổng lồ.

CT dược luôn có hẳn những chiến lược để chiếm lĩnh thị trường VN với những khoản chung chi rất “lịch sự, tế nhị” (tham quan, học tập, nghiên cứu dài hoặc ngắn hạn ở nước ngoài, hỗ trợ kinh phí nghiên cứu khoa học...).

Ngoài ra họ còn phải cố gắng đáp ứng mọi đòi hỏi, yêu cầu khác của các cơ sở điều trị. Một số BV cần gì cứ nhè các CT ra mà... kêu. Từ tivi, đầu máy, máy lạnh đến tiền tài trợ cho nghiên cứu khoa học, xin hỗ trợ quà tặng, xin chi phí tiệc trưa, tiệc tối cho cả 500-1.000 đại biểu về dự hội nghị, rồi tiền để in ấn tài liệu...

Thậm chí có BV còn làm hẳn công văn gửi sang các CT xin 1.000 - 2.000 USD để tổ chức hội thảo. Cả những cái linh tinh, nhỏ nhặt như tủ thuốc, kệ đẩy phát thuốc, tủ đầu gường bệnh... cũng xin! Những khoản chung chi nêu trên là những khoản gần như công khai, ai cũng biết. Còn có những khoản chi khác ở những “cấp bậc” khác, mà theo các CT là họ chỉ biết “sống để dạ, chết mang theo”. Tất cả những khoản này đều được các CT “tính đúng tính đủ” vào giá thành, buộc người bệnh gánh hết.

Liên minh “thổi” giá từ nước ngoài!

Không ít CT than phiền rằng họ bán thuốc rẻ thì không ai mua, mà bán mắc thì lại giành nhau... mua! Chuyện như đùa này lại có thật 100%. Họ dẫn chứng mua mặt hàng B từ phía CT nước ngoài với giá chỉ có 1USD/viên (v). Họ bán 1,1 USD/v (lời 0,1 USD, bằng 10%), không BV nào muốn mua.

Đơn giản là trên giấy trắng mực đen sổ sách kế toán không có khoản nào để rải thảm... hoa hồng.Vì vậy, rất nhiều CT kinh doanh, phân phối dược phẩm trong và ngoài nước đang liên minh với nhau, liên minh chặt chẽ với các cơ sở điều trị, với BS để nâng giá thuốc ngay từ nước ngoài.

Điều nguy hiểm nhất của người BS “thương mại”:

Vì đồng tiền họ đã quên mất việc chỉ định thuốc phải hợp lý, an toàn, phù hợp với hoàn cảnh kinh tế của bệnh nhân.

Những toa thuốc bất hợp lý, thậm chí phản chỉ định không chỉ gây tốn kém cho người bệnh mà còn có thể gây những phản ứng tức thời như sốc, dị ứng... cũng như gây những tác hại lâu dài trên cơ thể bệnh nhân.

Thủ đoạn họ thường làm là các CT kinh doanh, phân phối trong nước đề nghị nhà sản xuất hoặc phân phối ở nước ngoài nâng giá thuốc nhập khẩu vào VN. Ví dụ: với những loại thuốc VN chưa sản xuất được, thuế nhập khẩu là 0% thì giá thành trên hóa đơn chứng từ thay vì giá thực tế chỉ là 1USD/v, sẽ được hợp pháp hóa thành 2USD/v.

Như vậy, mặt hàng đó sẽ đường hoàng vào VN với giá nhập khẩu 2USD/v, bán ra 2,2USD/v. Doanh nghiệp ở VN làm tiếp động tác chuyển tiền cho phía nước ngoài 2USD/v. Phía công ty nước ngoài sẽ giữ lại 1USD (tiền thuốc, trong này đã có lợi nhuận), lấy thêm 0,2USD phí “giao dịch” và chuyển trở lại 0,8USD cho văn phòng đại diện của họ ở VN.

Văn phòng đại diện CT này sẽ tìm cách chuyển ngân lại cho phía CT TNHH hoặc CT phân phối tại VN 0,8USD. Số tiền này sẽ được đưa vào quĩ đen, trích ra một phần (khoảng 0,4-0,5USD) để rải thảm hoa hồng cho các cơ sở điều trị công, tư, khuyến mãi, thưởng doanh số cho các nhà thuốc, quảng cáo...

Và thực chất lãi của các CT lúc này không phải 0,2USD nữa mà là 0,6-0,7 USD. Có CT khoe số tiền đó họ để ngoài sổ sách cho nên có thể thoải mái sử dụng để chi cho các khoản không tên. Dù Nhà nước có kiểm tra giá cả, sổ sách, chứng từ, mức lãi thì cũng không làm được gì “vì chúng tôi buôn bán rất rõ ràng, hợp pháp”.

Phải nhìn nhận rằng từ tháng 3-2003, sau khi cơn sốt giá thuốc tăng cao, Bộ Y tế đã có nhiều cố gắng đưa ra các giải pháp để quản lý và bình ổn giá thuốc. Tuy nhiên, theo chúng tôi, các giải pháp vẫn còn mang tính hình thức, không toàn diện, không đánh thẳng được vào bản chất của vấn đề giá thuốc.

Trong quản lý giá thuốc, Bộ Y tế đã không đặt ra vấn đề ngăn chặn nạn độc quyền, ngăn chặn các BV kiếm lợi nhuận trên thuốc điều trị cho bệnh nhân, và nhất là phải ngăn chặn nạn chung chi hoa hồng. Vì đây cũng là những nguyên nhân cơ bản làm đội giá thành dược phẩm mà cuối cùng là người bệnh phải gánh chịu.

LÊ THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên