![]() |
"Đại bản doanh" của "đại gia dược phẩm" Zuellig Pharma VN tại Khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân, TP.HCM - Ảnh: N.C.T. |
Có lẽ việc sử dụng thuốc trong bệnh viện và độc quyền dược phẩm là hai vấn đề nóng bỏng nhất làm giá thuốc tăng trong thời gian qua. Vì vậy gần nửa ngày làm việc đầu tiên (13-4) tại hội nghị tổng kết công tác dược năm 2003 và triển khai công tác năm 2004 đã tập trung cho hai vấn đề này.
“Đánh” mạnh vào tệ hoa hồng cho bác sĩ
Nhận định “bác sĩ kê đơn có vai trò rất lớn trong tăng giá thuốc”, nên giám đốc Domesco Đồng Tháp Huỳnh Trung Chánh cho rằng: “Cần có thêm những chế tài mạnh mẽ chống tệ hoa hồng cho bác sĩ kê đơn, bởi trong số bảy giải pháp cấp bách để bình ổn giá thuốc của Bộ Y tế, có rất ít qui định điều chỉnh tệ nạn này”.
Còn đại diện Sở Y tế Hà Tĩnh Trần Văn Sỹ rất lo lắng vấn đề trình dược viên. Theo ông Sỹ, nhiều khi trình dược viên về tỉnh giới thiệu thuốc mà Sở Y tế... không biết, nhiều loại thuốc đã bị họ quảng cáo quá phạm vi cho phép so với hồ sơ ở Cục Quản lý dược. “Cần có chế tài mạnh hơn với hoạt động của trình dược viên; bác sĩ có trách nhiệm rất lớn trong việc nâng giá thuốc và đây chính là biểu hiện của y đức”- ông Sỹ nói.
Cũng theo ông Trần Văn Sỹ, trong các qui chế mới cần bắt buộc bác sĩ lưu đơn thuốc sau khi kê, nếu không sẽ không đánh giá được chất lượng kê đơn và sử dụng thuốc. Trong tình trạng hiện nay các bác sĩ đang kê quá nhiều thuốc cho người bệnh, nhất là kháng sinh và các loại thuốc bổ. Ở các nước trung bình mỗi đơn thuốc có 1,4 loại kháng sinh, nhưng đơn của chúng ta thì phải vài loại kháng sinh, có khi một đơn thuốc kê nhiều kháng sinh… cùng tác dụng. “Đây là kết quả của việc trình dược viên len lỏi vào bệnh viện. Chúng tôi đã chống nhưng bế tắc, cần Bộ Y tế ra tay”- ông Sỹ than thở.
Năm 2003, bình quân tiền thuốc/đầu người ở VN đã tăng thêm 1,6 USD so với 2002 (lên 7,6 USD/đầu người/năm). Trên toàn quốc đã có 41 cơ sở đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất thuốc tốt, sản xuất trong nước phát triển mạnh với doanh thu ước đạt gần 4.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, năm 2003 cũng là năm sóng gió nhất từ trước đến nay với ngành dược: trong vòng một năm xuất hiện ba cơn sốt giá thuốc, với tổng số khoảng 1.300 loại thuốc lên giá. Về nguyên nhân, Bộ Y tế cho rằng: do các qui định về nhập khẩu và cung ứng thuốc của... Bộ Y tế; chưa quản lý được số lượng thực tế nhập khẩu vào thị trường VN; chưa qui định trách nhiệm của các nhà ủy thác nhập khẩu; do tình trạng độc quyền và các dicdăc trong cung ứng, sử dụng thuốc tại cơ sở khám chữa bệnh, trong khi chưa có chế tài xử phạt mạnh mẽ: khung hình phạt tối đa về niêm yết giá chỉ... 200.000 đồng. Tại hội nghị, Bộ Y tế công bố đã hoàn tất ba đề án và ba dự thảo thông tư quan trọng về xuất nhập khẩu thuốc - mỹ phẩm (bổ sung cho thông tư 06 bị coi là góp phần làm tăng giá thuốc); nhập khẩu song song và sản xuất theo hợp đồng. |
Thực hiện nhiều biện pháp mạnh ngay từ... tuần này
Rất nhiều qui định mới giới thiệu lần này được đánh giá là “tiến bộ, đổi mới”. Để chống độc quyền, cục phó Cục Quản lý dược Nguyễn Văn Tựu khẳng định: khi công ty cung ứng áp đặt giá cao hoặc không cung cấp đủ thuốc, sẽ tạo điều kiện cho các công ty nhập khẩu thuốc trực tiếp từ các nhà sản xuất, không cần thông qua công ty đăng ký thuốc như qui định hiện nay; mở rộng cấp phép cho bảy số đăng ký đối với mỗi dạng bào chế, hàm lượng (riêng thuốc chuyên khoa, đặc trị cho phép 10 số đăng ký ở mỗi dạng bào chế và hàm lượng).
Bộ Y tế cũng rất “cởi mở” trong việc cho phép nhập khẩu song song: trong trường hợp nhà sản xuất, phân phối không cung ứng đủ thuốc, bán giá cao, tăng giá bất thường là lập tức cho phép nhập khẩu song song. Các điều kiện chỉ là mức giá bán lẻ thuốc nhập khẩu song song thấp hơn giá bán lẻ đang bị áp đặt tại VN (không yêu cầu thấp hơn 20% như dự thảo trước), mỗi lô thuốc nhập khẩu song song phải được kiểm tra về chất lượng. Nguồn tin hành lang hội nghị cho biết Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến đang rất... mạnh tay trong quản lý giá thuốc. Ngay trong tuần này, bà Chiến sẽ ký vài chỉ thị, 10-20 ngày sau sẽ cho thanh tra đi xem xét và nơi nào làm sai sẽ bị phạt nghiêm khắc. Còn lại, đến tháng sáu phải hoàn tất văn bản và đi vào triển khai ngay sau đó.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Tựu đã nhiều lần thừa nhận: “Ở góc độ quản lý nhà nước về dược, chúng tôi cũng phải chịu trách nhiệm về vấn đề giá thuốc tăng”. Còn Thứ trưởng Lê Ngọc Trọng thì nói rằng: “Chúng ta phải chịu trách nhiệm trước nhân dân về bình ổn giá thuốc”.
Kết thúc buổi làm việc hôm qua, rất nhiều người muốn góp ý kiến nhưng chưa đến lượt vì... hết giờ, sẽ phải góp ý bằng văn bản. Nhiều người muốn góp ý dự thảo thông tư sản xuất thuốc theo hợp đồng hình như hợp lý cho nhà quản lý (để dễ quản lý) hơn là cho doanh nghiệp thực hiện; qui định Cục Quản lý dược trả lời doanh nghiệp sau 20 ngày và thành lập hội đồng có cả thanh tra, Vụ Pháp chế, Vụ điều trị... để xét duyệt đơn hàng nhập khẩu là không hợp lý; nhiều qui định trong các văn bản đã “chọi” nhau: lúc yêu cầu bệnh viện chấn chỉnh hoạt động nhà thuốc bệnh viện, khi lại cấm loại hình này… Chúng tôi xin gửi những ý kiến chưa kịp đóng góp này lên Bộ Y tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận