05/02/2025 15:03 GMT+7

Chúng ta có thực sự 'dựng tai lên' để nghe?

Nghiên cứu mới cho thấy tai của người hiện đại gần như chỉ nằm yên một chỗ, song vào thời xa xưa, tổ tiên chúng ta từng 'dựng tai lên' để lắng nghe âm thanh.

Chúng ta có thực sự 'dựng tai lên' để nghe? - Ảnh 1.

Tai của người hiện đại gần như chỉ nằm yên một chỗ, khác với tổ tiên từng chuyển động tai để lắng nghe - Ảnh: PhotoAC

Hàng chục triệu năm trước, tổ tiên linh trưởng của chúng ta đã phản ứng với tiếng động tương tự các loài động vật có vú khác: dựng tai lên và khéo léo xoay chúng về hướng phát ra âm thanh. Trong khi đó, hầu hết tai của con người ngày nay đã suy thoái đến mức trở thành "đồ trang trí".

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tại Đại học Saarland (Đức), nhà sản xuất máy trợ thính WS Audiology và Đại học Missouri (Mỹ) cho biết các cơ từng được giao nhiệm vụ di chuyển tai ngoài (vành tai) của chúng ta vẫn đang cố gắng thực hiện nhiệm vụ lắng nghe này.

Theo trang ScienceAlert ngày 4-2, có 3 cơ lớn nối vành tai với hộp sọ và da đầu, đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển động của vành tai. Những cơ này, đặc biệt là cơ tai trên, tăng cường hoạt động trong các nhiệm vụ lắng nghe đòi hỏi phải tập trung.

"Điều này cho thấy những cơ này không chỉ hoạt động như một phản xạ mà còn có khả năng là một phần của cơ chế tập trung chú ý của não bộ, đặc biệt là trong môi trường cần tập trung để lắng nghe âm thanh", nhà khoa học thần kinh Andreas Schroer, làm việc tại Đại học Saarland, cho biết.

Chúng ta có thực sự 'dựng tai lên' để nghe? - Ảnh 2.

Các điện cực EMG được gắn quanh tai để ghi lại tín hiệu - Ảnh: Frontiers in Neuroscience

Nhóm nghiên cứu đã tuyển dụng 20 người Đức có thính lực bình thường và không có khiếm khuyết về thần kinh hay nhận thức tham gia nghiên cứu nhằm xác định chức năng các cơ tai của chúng ta sau khi đã suy thoái hàng chục triệu năm.

Những người này được gắn điện cực vào hai bên đầu để ghi lại tín hiệu điện cơ (EMG) - có thể dự đoán chính xác nguồn âm thanh mà một cá nhân đang tập trung nghe - trong khi họ nghe các đoạn trích của sách nói và bị làm phân tâm bởi một podcast được phát cùng lúc.

Những người tham gia được yêu cầu đánh giá mức độ lắng nghe của họ trong các điều kiện khác nhau, trả lời các câu hỏi về chủ đề sách nói nhằm xác minh việc họ thực sự chú ý nghe. Trong khi đó, các tín hiệu điện cơ từ cơ tai trên bên trái, bên phải và cơ tai sau cũng như cơ nhai của hàm đều được ghi lại để phân tích.

Giống như một chú chó có thể xoay tai về hướng tiếng mở cửa tủ lạnh, các tín hiệu thu được trong nghiên cứu chỉ ra rằng các cơ tai sau của con người đang căng ra để xoay tai nhằm thu các tín hiệu âm thanh quan trọng ở phía sau khi môi trường đầy tiếng ồn. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho biết các chuyển động tai này là rất nhỏ, đến mức có lẽ không mang lại lợi ích đáng kể nào.

Các nhà khoa học tin rằng tổ tiên của chúng ta đã mất đi khả năng điều khiển đôi tai vào khoảng 25 triệu năm trước, gắn chặt đôi tai tại chỗ và buộc họ phải quay cả cái đầu để có thể nghe tốt hơn.

Nghiên cứu chỉ ra rằng dù các cơ chịu trách nhiệm cho chuyển động của tai chúng ta đã suy thoái theo thời gian, song hệ thần kinh vẫn còn đó, vẫn cố gắng thực hiện nhiệm vụ trong vô vọng khi chúng ta cố gắng lắng nghe những âm thanh có ý nghĩa trong môi trường ồn ào hiện nay.

Bản thân vành tai cũng góp phần vào khả năng định vị âm thanh của con người. Do đó, nhóm nghiên cứu hy vọng có thể mở rộng các thí nghiệm để đánh giá ảnh hưởng của những chuyển động cơ đã thoái hóa này đối với người khiếm thính.

Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Frontiers in Neuroscience.

Chúng ta có thực sự 'dựng tai lên' để lắng nghe? - Ảnh 4.Xỏ lỗ tai, coi chừng 'nuôi' vi khuẩn

Từ hàng nghìn năm trước, con người đã biết xỏ lỗ tai để làm đẹp. Ai cũng nghĩ việc này là vô hại.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên