05/11/2003 10:33 GMT+7

Thành lập thêm một thành phố và hai tỉnh mới

ĐÀ TRANG
ĐÀ TRANG

TT (Hà Nội) - “Việc thành lập thêm một thành phố trực thuộc trung ương ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long và hai tỉnh mới ở khu vực Tây nguyên và Tây Bắc nước ta có ý nghĩa quan trọng tạo nên động lực mới về phát triển kinh tế - xã hội và đô thị ở vùng Tây Nam bộ, củng cố và tăng cường an ninh quốc phòng cho vùng Tây nguyên...

W2LCtBpW.jpgPhóng to
Bến Ninh Kiều- TP.Cần Thơ - Ảnh: T.T.D.

...Điều này cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng vùng biên giới Tây Bắc nước ta khi xây dựng công trình thủy điện Sơn La”. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đỗ Quang Trung đã nói như vậy khi trình Quốc hội phương án chia tách ba tỉnh: Cần Thơ, Đắc Lắc và Lai Châu hiện nay.

Lập thành phố Cần Thơ trực thuộc trung ương và tỉnh Hậu Giang

Theo phương án trình Quốc hội, thành phố Cần Thơ trực thuộc trung ương rộng gần 138.960ha, dân số 1.112.121 người, bao gồm: thành phố Cần Thơ hiện tại, huyện Ô Môn, huyện Thốt Nốt; thị trấn Cái Răng, một phần của huyện Châu Thành và một phần huyện Châu Thành A.

“Với diện tích tự nhiên gấp 9,7 lần và dân số gấp 3,3 lần so với thành phố Cần Thơ thuộc tỉnh hiện nay, thành phố Cần Thơ trực thuộc trung ương được đảm bảo đủ các điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng không gian đô thị, ổn định, bền vững trong tương lai đối với đô thị loại I” - Chính phủ nhận định.

Thế nhưng Ủy ban Pháp luật - cơ quan thẩm tra đề án chia tách tỉnh - lại nghĩ khác: với cơ cấu kinh tế, dân số, lao động... như vừa nêu, thành phố Cần Thơ (mới) vẫn còn thiếu điều kiện để trở thành đô thị theo như phân loại trong nghị định của Chính phủ.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Bắc dẫn chứng: chẳng hạn tỉ lệ lao động phi nông nghiệp ngay của đô thị loại IV cũng phải từ 70% trở lên, trong khi tỉ lệ này của Cần Thơ mới chỉ đạt 51,7%. Song xét về lâu dài, việc thành lập thành phố Cần Thơ trực thuộc trung ương hoàn toàn phù hợp.

Còn tỉnh Hậu Giang rộng hơn 160.772ha với 766.105 người, gồm: thị xã Vị Thanh, huyện Phụng Hiệp, huyện Long Mỹ, huyện Vị Thủy, một phần của hai huyện Châu Thành và Châu Thành A, tỉnh lỵ đặt tại thị xã Vị Thanh.

Chia Đắc Lắc thành Đắc Nông và Đắc Lắc (mới)

Lý giải cho sự cần thiết điều chỉnh địa giới tỉnh Đắc Lắc, Bộ trưởng Đỗ Quang Trung nói: đây là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất nước ta, là tỉnh miền núi nhưng số dân trên 2 triệu người, địa hình bị chia cắt bởi hệ thống sông suối chảy từ phía đông nam dãy Trường Sơn sang phía tây (Campuchia). Cơ sở hạ tầng còn thấp kém, đi lại khó khăn nên công tác quản lý, chỉ đạo gặp nhiều khó khăn, phức tạp.

Dự kiến tỉnh Đắc Lắc (mới) sẽ có diện tích tự nhiên 1.306.201ha, dân số 1.666.854 người, bao gồm một thành phố và 12 huyện: thành phố Buôn Ma Thuột (nơi đặt tỉnh lỵ), các huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Cư M’Gar, Krông Búk, Ea H’Leo, Krông Năng, M’Drăk, Ea Kar, Krông Pắc, Krông Bông, Krông Ana, huyện Lắk và một phần của hai huyện Krông Nô, Cư Jut.

Ủy ban Pháp luật đề nghị để tránh có sự tranh chấp về địa giới hành chính giữa các tỉnh mới được chia tách (từng xảy ra trong thực tế trước đây - PV), đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý, xây dựng, phát triển địa phương, việc phân vạch địa giới hành chính cần phải rõ ràng hơn, không nên qui định “một phần các xã...” (như trong tờ trình-PV) mà cần nêu rõ tên thôn, làng, bản ấp... thuộc các xã đó hoặc đường ranh giới tự nhiên về mặt địa lý.

(Báo cáo thẩm tra đề án chia tách tỉnh của Ủy ban Pháp luật)

Còn lại tỉnh Đắc Nông rộng 651.438 ha, 363.118 người, gồm sáu huyện: Đắc R’Lấp, Đắc Nông (tỉnh lỵ đặt tại thị trấn Gia Nghĩa của huyện này), Đắc Song, Đắc Mil, Krông Nô và Cư Jut (trừ các xã đã điều chỉnh cho tỉnh Đắc Lắc mới).

“Việc tách tỉnh Đắc Lắc thành hai tỉnh như trên là chưa hợp lý về qui mô giữa hai tỉnh. Ủy ban Pháp luật đề nghị cần được giải trình và báo cáo rõ thêm”- bà Nguyễn Thị Bắc nói.

“Kéo” huyện Than Uyên từ Lào Cai về Lai Châu?

Lai Châu chỉ xếp sau Đắc Lắc về diện tích tự nhiên, điều kiện địa hình cũng đang tạo nên không ít cách trở cho phát triển kinh tế - xã hội. Cho nên Chính phủ đề nghị chia tỉnh này thành hai tỉnh Lai Châu (mới) nằm phía bắc sông Đà và tỉnh Điện Biên nằm phía nam sông Đà. “Sự hình thành thị xã tỉnh lỵ mới ở vùng phía bắc sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế hàng hóa, kinh tế biên giới và khu vực”- bộ trưởng Đỗ Quang Trung nhấn mạnh.

Đặt tỉnh lỵ tại thị trấn Phong Thổ thuộc huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu (mới) gồm các huyện: Phong Thổ, Tam Đường, Mường Tè, Sìn Hồ, một phần của huyện Mường Lay và phường Lê Lợi của thị xã Lai Châu.

Bộ trưởng Trung phân tích: với những đơn vị hành chính vừa nêu, các huyện đều là biên giới và dân số còn thấp so với yêu cầu. Để tăng cường tiềm lực cho tỉnh này, Chính phủ xin Quốc hội cho “kéo” huyện Than Uyên thuộc tỉnh Lào Cai về tỉnh Lai Châu (mới). Lý do: trong lịch sử, Than Uyên cùng các huyện Sa Pa, Bát Sát của Lào Cai đã từng có thời kỳ là bộ phận của tỉnh Phong Thổ.

Nếu được như vậy, tỉnh Lai Châu (mới) sẽ rộng hơn 906.512ha, số dân 313.511 người và phần còn lại gần 955.410ha, 440.300 người của tỉnh Lai Châu hiện nay sẽ được chia cho tỉnh Điện Biên: bao gồm thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh lỵ), thị xã Lai Châu (trừ phường Lê Lợi), các huyện Mường Nhé, Điện Biên, Điện Biên Đông, Tuần Giáo, Tủa Chùa và Mường Lay (trừ một số xã đã được điều chỉnh sang Lai Châu).

ĐÀ TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên