17/09/2003 08:01 GMT+7

Sẽ xác định theo địa bàn thí sinh học THPT để cộng điểm ưu tiên

THANH HÀ thực hiện
THANH HÀ thực hiện

TT - Những bất hợp lý trong chính sách ưu tiên khu vực theo hộ khẩu sẽ được giải quyết như thế nào? Đó là một trong những câu hỏi mà phóng viên Tuổi Trẻ đã đặt ra với ông Đỗ Duy Dự - thành viên ban chỉ đạo tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2003 và là người chấp bút biên soạn qui chế tuyển sinh ĐH, CĐ.

VRpqmT4n.jpgPhóng to

TS Đào Nguyên Vũ (Đắc Lắc) nộp các giấy tờ liên quan đến chính sách ưu tiên KV 1 vùng cao tại phòng đào tạo ĐH Mở-bán công TP

Ông Dự cho biết:

- Không chỉ có xấp xỉ 100 trường hợp ở ĐH Quốc gia TP.HCM mà một vài trường ĐH khác cũng có tình trạng này. Ở phía Bắc, riêng ĐH Luật Hà Nội có tới hơn 40 trường hợp, đều ở dạng hộ khẩu thuộc khu vực ưu tiên nhưng sinh sống và học THPT ở thành phố, đã có giấy báo trúng tuyển nhưng nếu không được hưởng điểm ưu tiên khu vực sẽ không đủ điểm trúng tuyển nữa.

Hôm nay (tức 16-9), chúng tôi đã có tờ trình với Thứ trưởng Trần Văn Nhung kiêm trưởng ban chỉ đạo tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2003 về hướng xử lý đối với những trường hợp này để chỉ đạo các trường thực hiện thống nhất.

Quan điểm của bộ là thực hiện theo đúng qui chế và ủng hộ các trường giải quyết thống nhất theo hướng: nếu đủ điều kiện hưởng tiêu chuẩn ưu tiên mới được tính. Phải thực hiện đúng qui chế mới đảm bảo công bằng và không tạo ra các tiền lệ trong tuyển sinh những năm sau.

* Thưa ông, nhiều thí sinh (TS) thắc mắc tại sao họ không được hướng dẫn đầy đủ trước khi dự thi và trong hồ sơ đăng ký dự thi không có mục nào ghi rõ nơi sinh sống hoặc học THPT mà chỉ yêu cầu TS khai hộ khẩu thướng trú?

- Qui chế tuyển sinh hiện hành qui định rất cụ thể: để được hưởng tiêu chuẩn ưu tiên khu vực, TS phải có đủ ba điều kiện: có hộ khẩu thường trú, đang sinh sống và đủ 36 tháng ở địa bàn đó.

Chỉ cần thiếu một trong ba yếu tố này, TS sẽ không đủ điều kiện hưởng điểm ưu tiên khu vực. Nếu chiếu theo đúng qui chế, các trường hợp có hộ khẩu ở khu vực này nhưng đã sống và học THPT ở khu vực khác sẽ không được hưởng điểm ưu tiên theo hộ khẩu thường trú.

Đây hoàn toàn không phải là qui định mới, nó đã được qui định từ năm 2001, đến năm nay chỉ cụ thể hóa điều kiện “đủ 3 năm” thành “đủ 36 tháng”. Điều này cho thấy các trường THPT, các sở GD-ĐT phải phổ biến cụ thể và bản thân các TS cần phải nắm vững qui chế tuyển sinh hơn nữa để xác định mình có đủ điều kiện hưởng điểm ưu tiên hay không.

Cán bộ thu hồ sơ tuyển sinh không thể hướng dẫn cho TS vì trong mẫu hồ sơ đăng ký dự thi chỉ yêu cầu TS khai hộ khẩu thường trú và năm tốt nghiệp THPT.

Về điểm này, chúng tôi cũng nhận thấy các mục khai trong hồ sơ đăng ký dự thi chưa bao quát hết các tình huống thực tế.

Từ năm 2004, chúng tôi sẽ xem xét để đưa thêm vào hồ sơ mục khai nơi học THPT cũng tức là nơi TS hiện đang cư trú để các trường ĐH có thể xác định ngay TS có phải là đối tượng ưu tiên khu vực hay không trước khi gửi giấy báo trúng tuyển, không để xảy ra tình trạng đáng tiếc như năm nay.

* Có nhiều ý kiến cho rằng cách xác định điểm ưu tiên khu vực như hiện nay chưa hợp lý ? Bộ GD-ĐT đã có hướng giải quyết như thế nào để qui định này chặt chẽ và thật sự công bằng hơn?

- Trên thực tế, không ít lần việc hưởng điểm ưu tiên khu vực theo hộ khẩu đã được đưa ra xem xét lại do có nhiều điểm bất hợp lý và không thật công bằng như mục đích đề ra.

Năm 2002 vừa qua tổ biên soạn qui chế tuyển sinh đã đề nghị và được lãnh đạo Vụ ĐH và sau ĐH chấp thuận đưa ra lấy ý kiến các đơn vị liên quan việc sửa đổi qui định hưởng điểm ưu tiên khu vực xét theo nơi học THPT.

Mặc dù được các trường ĐH tán thành, nhưng qui định này đã không được các sở GD-ĐT, một số bộ ngành, Hội đồng dân tộc của Quốc hội, Ủy ban Dân tộc miền núi ủng hộ nên đã không được sửa đổi.

Tất nhiên, trong điều kiện kinh tế - xã hội, sự phát triển giáo dục giữa các vùng miền còn rất chênh lệch như hiện nay, chúng ta vẫn phải thực hiện các chính sách ưu tiên khu vực để tạo cơ hội cho con em đồng bào dân tộc thiểu số, con em sống ở các địa bàn khó khăn có cơ hội học tập, góp phần đào tạo nhân lực cho các địa bàn này.

Nhưng đã đến lúc chúng ta phải xem xét lại cách xác định điều kiện hưởng điểm ưu tiên trong tuyển sinh ĐH, CĐ. Không có lý gì một Ts đã được hưởng điều kiện giáo dục thuận lợi hơn lại vẫn được cộng điểm ưu tiên.

Vì vậy, hợp lý, khoa học và công bằng, chính xác nhất là phải xác định điều kiện hưởng ưu tiên theo nơi TS đó học tập. Thực tế hiện nay cho thấy hộ khẩu thường trú không còn là căn cứ hợp lý.

Không chỉ có những trường hợp TS có hộ khẩu KV1 nhưng sống và học tập ở thành phố mà còn có rất nhiều trường hợp ngược lai, TS có hộ khẩu thành phố nhưng do yêu cầu công tác của cha mẹ, phải di chuyển nhiều nơi, học tập ở những nơi điều kiện khó khăn, nếu theo qui định hiện hành sẽ không được hưởng điểm ưu tiên.

Trước kỳ thi tuyển sinh năm 2004 tới, chúng tôi sẽ kiên quyết đặt ra vấn đề này một lần nữa, kiến nghị sửa đổi qui định điểm ưu tiên phải được tính theo địa bàn TS học THPT.

THANH HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên