Phóng to |
Hàng triệu người đang tiêu thụ cà phê trên thế giới không biết rằng đó là cà phê của Việt Nam |
Tuổi Trẻ lược ghi ý kiến của một số đại biểu.
TS Võ Mai (chủ tịch Hiệp hội Trái cây VN):
Cách nay bảy năm, Nhật có nhập trái thanh long VN nhưng sau đó ngưng không nhập nữa do trái thanh long có ruồi đục trái. Tôi đưa ra ví dụ này để thấy rằng chất lượng trái cây quyết định rất lớn đến việc bán mặt hàng này ra thị trường nước ngoài, nếu chúng ta xử lý tốt thì đâu chỉ xuất sang Nhật mà còn có các thị trường khác như Mỹ, châu Âu...
Tôi cho rằng muốn hàng nông sản VN có được chỗ đứng trên thị trường thế giới trước hết phải có biện pháp cải thiện chất lượng, tăng năng suất để hạ giá thành, các thương nhân cũng phải thiết kế bao bì mẫu mã cho đẹp và đầu tư mạnh vào khâu tiếp thị quảng cáo... Muốn cải thiện chất lượng và nâng cao năng suất, theo tôi, cần đầu tư từ khâu chọn giống, kỹ thuật trồng và chăm sóc, cho đến khâu bảo quản sau thu hoạch và chế biến, vận chuyển...
Có một thực tế là hiện nay khâu bảo quản sản phẩm sau thu hoạch của chúng ta rất kém, thất thoát lên tới 5-20%, cao nhất trong khu vực châu Á. Còn chuyện bảo quản sản phẩm hầu như không được đầu tư, nhiều vùng trái cây tập trung đều không có một kho lạnh để bảo quản, rồi vận chuyển cũng bằng xe thùng lạnh thay vì bằng xe lửa như các nước nên khó đảm bảo chất lượng trái cây...
Ông Nguyễn Trần Quang (chuyên viên tư vấn phát triển thương hiệu Trung Nguyên):
Mặc dù nhiều mặt hàng nông sản VN đang chiếm ưu thế trên thị trường thế giới, như hạt tiêu đứng đầu thế giới với 90% sản lượng sản xuất ra được xuất khẩu, cà phê đứng thứ hai với 95% sản lượng xuất khẩu... nhưng hầu hết đều xuất thô hoặc sơ chế nên giá trị không cao.
Điều nghịch lý là nhiều người tiêu dùng trên thế giới vẫn chưa biết nhiều về những nét đặc thù của sản phẩm nông sản VN vì 90% sản phẩm xuất khẩu đều tiêu thụ qua khâu trung gian, rồi được bán dưới thương hiệu nước ngoài.
Do đó theo tôi, vấn đề quan trọng là phải phát triển hệ thống phân phối, xây dựng được hình ảnh thương hiệu thông qua việc quảng bá tốt hơn cho sản phẩm nông sản VN nhằm tạo ra giá trị tăng thêm cho sản phẩm. Có làm được như vậy thì nông dân VN mới có thể làm giàu được.
Tôi có thể đưa ra nhiều ví dụ để cho thấy vấn đề xây dựng thương hiệu và quảng bá thương hiệu quyết định như thế nào đến sự thành công hay thất bại của một sản phẩm. Có thể kể ra đây loại rượu vang Pháp, mà khi nhắc đến mọi người đều biết đây là quốc gia có truyền thống lâu đời về sản xuất rượu vang và có những nhãn hiệu rượu vang nổi tiếng. Thế nhưng năm 2000 vừa qua, Úc đã qua mặt Pháp về xuất khẩu rượu vang.
Nguyên nhân là do nước Úc tập trung đầu tư mạnh vào các khâu từ khâu chọn giống, công nghệ chế biến, đến quảng bá thương hiệu. Trong khi đó các nhà làm rượu vang Pháp chỉ sản xuất theo lối truyền thống, nhỏ lẻ, ít đầu tư vào hoạt động tiếp thị, quảng bá thương hiệu.
Trở lại vấn đề xây dựng thương hiệu nông sản VN, theo tôi, một trong những bước đầu tiên là phải xác định được thế mạnh những nông sản mũi nhọn cho từng khu vực để tập trung nguồn lực xây dựng thế mạnh khu vực đó.
Tuy nhiên trước hết vẫn phải tập trung đầu tư nâng cao năng suất và chất lượng cây trái, cải thiện khâu bảo quản sản phẩm. Tổ chức phân phối rộng rãi tại những thị trường mục tiêu bằng cách nắm vững nhu cầu của thị trường, sản xuất theo nhu cầu của thị trường. Trên cơ sở đó kết hợp với các nhà phân phối, thương gia đem sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Văn Lạng (chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắc):
Tôi đã có dịp đến Brazil, nước sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, đi đến đâu cũng nghe người ta nói chúng ta là người đã làm cho giá cà phê xuống đến mức thấp nhất từ trước đến nay.
Cũng có người hỏi làm sao VN, trong đó có Đắc Lắc, lại phát triển cây cà phê nhanh như vậy. Tôi nêu ra đây để thấy rằng cà phê VN có một vị thế rất mạnh trên thế giới.
Nhưng rất tiếc, như chúng ta đều biết, hầu hết cà phê của chúng ta không xuất trực tiếp cho nhà rang xay mà qua các đầu mối trung gian, chúng ta cũng chỉ xuất cà phê nhân, cà phê thô... Do vậy, những nhà rang xay cà phê lớn của thế giới, hàng triệu người tiêu thụ cà phê trên thế giới không biết đến loại cà phê đang sử dụng đó là của VN.
Cũng vì lý do này, theo tính toán của tôi, mỗi năm VN đã bị mất hàng trăm triệu USD. Đến bao giờ chúng ta chưa xuất khẩu trực tiếp cho các hãng rang xay cà phê lớn, chưa tổ chức chế biến tôt, chưa xây dựng được những thương hiệu mạnh như cà phê Trung Nguyên, người nông dân của chúng ta vẫn tiếp tục chịu thiệt, lợi nhuận đổ vào túi những nhà chế biến cuối cùng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận