04/05/2025 20:35 GMT+7

Chủ tịch Quốc hội nói về 'kỳ họp lịch sử, quyết định các vấn đề lịch sử'

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh kỳ họp thứ 9 là kỳ họp có ý nghĩa lịch sử, quyết định những vấn đề mang tính lịch sử cho sự phát triển của đất nước.

Quốc hội - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn - Ảnh: GIA HÂN

Chiều 4-5, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì hội nghị giữa Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội với tổ trưởng Tổ đảng - trưởng đoàn, phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố về kỳ họp thứ 9.

Kiến tạo không gian phát triển mới cho các địa phương

Phát biểu tại đây, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, kỳ họp thứ 9 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm thể chế hóa kịp thời các chủ trương, kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là các nội dung vừa được thông qua tại Hội nghị Trung ương 11.

Trong đó, trọng tâm là việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp và các luật phục vụ cho việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Tháo gỡ triệt để những rào cản, khó khăn, vướng mắc về thể chế để tạo hành lang pháp lý, tạo nền tảng cho phát triển, khơi thông các điểm nghẽn, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tinh gọn bộ máy, kiến tạo không gian phát triển mới cho các địa phương.

Chủ tịch Quốc hội cho biết thời gian qua, Đảng ủy Quốc hội đã phối hợp với Đảng ủy Chính phủ chỉ đạo khẩn trương triển khai rất nhiều công việc quan trọng để chuẩn bị cho kỳ họp.

Báo cáo Bộ Chính trị về dự kiến nội dung, chương trình, cách thức tổ chức kỳ họp, các nội dung lớn, trọng tâm trình tại kỳ họp đều được xin ý kiến Bộ Chính trị.

Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội với Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ đã họp liên tịch để thống nhất về dự kiến chương trình kỳ họp và các nội dung báo cáo Quốc hội.

Các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan đã bám sát chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và tình hình thực tiễn, phối hợp chặt chẽ, làm việc ngày đêm để chuẩn bị tài liệu trình Quốc hội...

2 nhóm nội dung sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội

Về công tác lập hiến, lập pháp, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, nội dung sửa đổi Hiến pháp lần này tập trung vào sửa đổi, bổ sung 8/120 điều, với 2 nhóm nội dung:

Các quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội. Các quy định tại chương 9 của Hiến pháp năm 2013 để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Thời gian cho việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp phải bảo đảm hoàn thành trước ngày 30-6 để có hiệu lực từ ngày 1-7. Dự kiến sẽ dành khoảng 1 tháng (từ 6-5 đến hết 5-6) để lấy ý kiến nhân dân về các nội dung sửa đổi.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh các công đoạn phải tiến hành rất khẩn trương nhưng cũng phải rất cẩn trọng, kỹ lưỡng.

Liên quan đến việc thể chế hóa kết luận 150 của Bộ Chính trị về chỉ định, bổ nhiệm nhân sự đảm nhiệm các chức danh liên quan đến các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND; trưởng, phó đoàn đại biểu Quốc hội; trưởng các ban của HĐND và ủy viên UBND, ông Mẫn cho biết Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội thống nhất sẽ quy định chuyển tiếp tại điều 2 của dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Đối với việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp, ông cho biết Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 12 luật trực tiếp điều chỉnh các nội dung phục vụ sắp xếp tổ chức bộ máy và 1 nghị quyết về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh.

"Công việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính là nội dung đặc biệt quan trọng, có tính chất lịch sử đối với sự phát triển của đất nước. Chủ trương này được hầu hết người dân quan tâm, ủng hộ, đồng tình cao", ông Mẫn nhấn mạnh.

Ông đề nghị các đại biểu nghiên cứu kỹ lưỡng, thảo luận dân chủ, đóng góp ý kiến xây dựng để đạt chất lượng cao nhất.

Ông nhấn mạnh lại kỳ họp này là "lịch sử của lịch sử", nhiều vấn đề rất quan trọng cho sự phát triển của đất nước.

"Chưa bao giờ chúng ta làm cách mạng về tinh gọn bộ máy lớn như thế. Giai đoạn một chúng ta sáp nhập các cơ quan của Đảng, cơ quan của Quốc hội, cơ quan Chính phủ, ở các địa phương.

Nhưng giai đoạn hai này là giai đoạn cực kỳ khó khăn, không đơn giản, đòi hỏi chúng ta phải lãnh đạo cả về chính trị, tư tưởng, để thực hiện cuộc cách mạng thành công, thần tốc", ông Mẫn yêu cầu.

Chủ tịch Quốc hội nói về 'kỳ họp lịch sử, quyết định các vấn đề lịch sử' - Ảnh 3.Sẽ trình rút ngắn khoảng 3 tháng nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và nhiệm kỳ HĐND các cấp

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và nhất trí chủ trương báo cáo Quốc hội việc rút ngắn tầm 3 tháng nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và nhiệm kỳ HĐND các cấp.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên