
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu bế mạc - Ảnh: HỮU HẠNH
Sáng 18-4, tại kỳ họp thứ 22, HĐND TP.HCM khóa X đã cho ý kiến, tán thành phương án sắp xếp và tên 102 phường, xã mới của TP.HCM. Theo phương án được tán thành, TP.HCM sẽ có tên phường Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định.
Người dân đi đâu đều nhớ về Sài Gòn
Phát biểu bế mạc kỳ họp, bà Nguyễn Thị Lệ - chủ tịch HĐND TP.HCM - cho biết HĐND TP.HCM hoan nghênh ý tưởng đặt tên Sài Gòn tại một phường trung tâm TP.HCM, nơi tập trung nhiều công trình biểu tượng.
Bà Lệ cũng hoan nghênh sự quan tâm cử tri TP.HCM, đây là cách để bảo tồn tôn vinh tên gọi lịch sử, vốn là biểu tượng của thành phố (vì Sài Gòn xuất hiện từ thế kỷ 17 gắn liền với sự hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ), mang dấu ấn của thời kỳ người Việt mở cõi.
Tất cả các phường xã mới của TP.HCM đều được đặt tên chữ
"Đối với nhiều người Việt Nam, dù đi đâu, ở đâu đều nhớ Sài Gòn không chỉ là tên gọi", bà Lệ nói.
Theo bà Lệ, có một phường mang tên Sài Gòn không chỉ để nhắc, để nhớ, tôn vinh di sản lịch sử, mà còn là một điểm nhấn văn hóa thu hút du khách gần xa.
Đặc biệt, khi Sài Gòn được biết đến rộng rãi trên bản đồ du lịch quốc tế sẽ góp phần quan trọng xây dựng thương hiệu TP.HCM.
Đến nay, đa số ý kiến cử tri và nhân dân đều đồng tình ủng hộ, nhất là ý kiến bà con cử tri từng sống, gắn bó với vùng đất thân thương này.
"Đi đâu chơi đó? Đi Sài Gòn"

Đại biểu HĐND TP.HCM Vương Đức Hoàng Quân nói về các tên Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn - Ảnh: HỮU HẠNH
Nêu ý kiến về tên gọi các phường mới, đại biểu Vương Đức Hoàng Quân tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
Là người con của TP.HCM, ông mong muốn được giữ lại các địa danh thân thuộc, yêu thương với người dân TP.HCM. Trong đó có những địa danh thời gian qua đã không còn được sử dụng chính thống như Chợ Lớn, Sài Gòn.
Tuy nhiên, trong cuộc sống hằng ngày, khi nói chuyện với nhau, người dân vẫn nói "Đi đâu chơi đó? Đi Sài Gòn", "Đi thăm ai ở đâu?, Đi Chợ Lớn". Việc đưa những tên địa danh thân thương này vào các văn bản chính thống là cần thiết và đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của bà con.

Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê nêu ý kiến tại kỳ họp - Ảnh: HỮU HẠNH
Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê cũng đồng tình về phương án sắp xếp và đặt tên phường mà UBND TP.HCM đã trình. Ông Khuê cho rằng các tên phường tại đề án đều gợi lại tình cảm, ký ức của mọi con người vùng đất phương Nam này, trong đó có TP.HCM. Việc sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính mới luôn quan tâm giá trị lịch sử là đáng quý.
"Việc lấy các tên này đặt tên cho phường không phải là phủ quyết lịch sử mà đó là khái quát cao hơn, thể hiện khát vọng", ông Khuê nói.
Tên phường mới tăng sức hấp dẫn và tính cạnh tranh của du lịch TP.HCM

Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM Nguyễn Thị Ánh Hoa phát biểu - Ảnh: HỮU HẠNH
Đại biểu Nguyễn Thị Ánh Hoa - giám đốc Sở Du lịch TP.HCM - bày tỏ sự ủng hộ việc đặt tên phường theo đề án. Sở Du lịch TP.HCM đã khảo sát một số doanh nghiệp và chuyên gia lĩnh vực du lịch, đa số đều ủng hộ rất cao.
Các ý kiến cho rằng đây không chỉ là quyết định hành chính đúng đắn, mà còn là cơ hội lớn để ngành du lịch làm mới lại bản đồ du lịch trên nền tảng văn hóa, lịch sử.
"Những địa danh vừa gần gũi, vừa thân thuộc, vừa tạo sự gắn kết trong cộng đồng dân cư vừa tạo độ nhận diện cho ngành du lịch TP.HCM", bà Hoa nói.
Bên cạnh đó, những địa danh như Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định đã đi vào thơ ca, văn học, du khách sẽ có nhiều cảm xúc hơn.
Bà Hoa cho rằng với những tên gọi sẽ tăng sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh của du lịch TP.HCM. Ngành du lịch sẽ có không gian mới để sáng tạo các sản phẩm du lịch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận