
Toàn cảnh buổi tiếp xúc cử tri - Ảnh: PHẠM TUẤN
Chiều 18-4, chủ tịch UBND TP Hà Nội và các đại biểu Quốc hội đã tiếp xúc cử tri 2 huyện Mê Linh và Sóc Sơn trước thềm kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV.
Tại hội nghị, các vấn đề sắp xếp bộ máy, dân sinh được nhiều cử tri quan tâm, đặt câu hỏi tới các đại biểu Quốc hội.
Lãnh đạo thành phố "chạy" không kịp các sở sau sắp xếp bộ máy
Trao đổi với cử tri, Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết trong thời gian qua, Hà Nội đã làm rất tốt giai đoạn 1 của nghị quyết 18 về tinh gọn bộ máy.
Ông Thanh cho biết qua theo dõi sau khi sắp xếp, sáp nhập lại các sở ngành, các công việc được xử lý nhanh hơn trước đây, đặc biệt sau khi Hà Nội có quy định luồng xanh đối với các dự án trọng điểm.
"Bây giờ lãnh đạo TP chạy không kịp với các sở nữa rồi, thực sự là có những việc chạy không kịp. Có những công việc yêu cầu 24 giờ là phải trả lời, đặc biệt những dự án trọng điểm, công việc trọng điểm của TP.
Rất nhiều dự án của các bộ ngành ở Hà Nội cũng xin văn bản đi theo luồng xanh của Hà Nội để được xử lý nhanh hơn", chủ tịch Hà Nội nói.
Ông Thanh cho biết thêm chiều nay, Ban Chỉ đạo TP cũng đang họp để chính thức chốt Hà Nội sẽ có bao nhiêu xã, tên gọi ra sao.
Sau khi thống nhất số lượng xã tại các quận, huyện, các địa phương sẽ tiến hành lấy ý kiến nhân dân và triển khai các vấn đề tài sản, con người được tổ chức như thế nào để báo cáo TP cân nhắc, quyết định.
Về chủ trương, vị lãnh đạo UBND TP Hà Nội cho biết xã mới sẽ không lớn quá, nhưng cũng không quá nhỏ.
"Câu chuyện chúng ta sẽ tính toán rất kỹ để bàn về số lượng xã, thuê cả chuyên gia, họp thường vụ nhiều lần, đây là con số rất nhạy cảm.
Tinh thần chung là với các xã mới các đơn vị sẽ chỉ định các lãnh đạo, không bầu bán gì cả. Bây giờ đại hội lại cứ phải bầu, quy trình ra HĐND gộp lại như thế nào, giờ chỉ định hết. Kể cả HĐND, kể cả UBND, cấp ủy, thường vụ, chủ tịch, bí thư. Cứ ổn định, sau đó mới bầu bán", chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội nghị - Ảnh: PHẠM TUẤN
Quyết tâm khởi công 2 tuyến metro trong năm 2025
Người đứng đầu UBND TP Hà Nội cũng bày tỏ sự biết ơn, đánh giá cao sự vào cuộc của chính quyền địa phương, nhân dân, doanh nghiệp dù trong bối cảnh sáp nhập, tinh gọn bộ máy nhưng vẫn giữ được nhịp, không bỏ bê công việc.
"Tâm tư có không, chắc chắn có, không thể nói không có tâm tư được, nhưng tinh thần chung chúng ta vẫn vì cái chung, vì Hà Nội, vì địa phương của mình, chúng ta vẫn làm việc và có trách nhiệm.
Tại sao tôi nói như vậy, bởi theo thống kê quý 1 Hà Nội tăng trưởng 7,35%, cao hơn trung bình chung cả nước và cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Đấy là sự cố gắng rất lớn, vì nếu chúng ta không làm, không tạo điều kiện, không triển khai thì làm sao có con số đấy được" - ông Thanh nói.
Về giải ngân đầu tư công, chủ tịch Hà Nội thông tin kế hoạch Trung ương giao trong năm 2025 87.000 tỉ, hiện đã giải ngân được hơn 9.000 tỉ, đạt 11%.
Ông Thanh đánh giá 11% trong quý 1 là con số đặc biệt, chứng tỏ các quận huyện vẫn làm việc, không có việc lừng chừng, buông xuôi.
Thông tin thêm với cử tri về các dự án trọng điểm, ông Thanh cho biết Hà Nội sẽ khởi công cầu Tứ Liên vào 19-5; cầu Trần Hưng Đạo, Ngọc Hồi sẽ khởi công lần lượt vào 19-8 và 2-9-2025.
"Trong năm nay chúng ta cũng cố gắng khởi công cho bằng được tuyến metro số 2 và metro số 5. Các tuyến còn lại sẽ thiết kế chi tiết tổng thể, làm sao để năm 2035 cơ bản phải thi công và hoàn thành các tuyến. Đây là nền tảng để chúng ta giải quyết các vấn đề ùn tắc, ô nhiễm và là cơ hội để phát triển", ông nói.
"Về chính quyền 2 cấp, hiện chúng ta có có 526 xã, TP sẽ tổ chức lại, hôm nay chắc sẽ là lần cuối để chốt lại bao nhiêu xã.
Thực hiện đúng theo đúng chỉ đạo của Tổng Bí thư, xã mới không lớn quá, nhưng cũng không quá nhỏ. Nhiều quá không quản nổi, ít quá thì sẽ xa, làm sao vừa mới khó. Câu chuyện này chúng ta sẽ tính toán rất kỹ, thuê cả chuyên gia, họp thường vụ nhiều lần, đây là con số rất nhạy cảm", chủ tịch Hà Nội nói thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận