31/07/2021 17:22 GMT+7

Chủ nhà hàng Việt tại Mỹ không phục vụ người chưa tiêm vắc xin

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Francis Do chỉ cho phép người đã tiêm vắc xin COVID-19 vào dùng bữa tại nhà hàng của mình. 'Tôi phải bảo vệ mọi người, từ nhân viên cho tới cộng đồng. Mọi người cần phải sát cánh, nắm tay nhau chống lại đại dịch', ông nhấn mạnh.

Chủ nhà hàng Việt tại Mỹ không phục vụ người chưa tiêm vắc xin - Ảnh 1.

Một tấm biển trưng trước một nhà hàng ở New York - Ảnh: GETTY

"Sự phản bác những người không muốn tiêm vắc xin đang thúc đẩy một cách tiếp cận mới, đang trỗi dậy gần đây: Chúng tôi không buộc bạn tiêm, nhưng chúng tôi sẽ khiến cuộc sống của bạn khó khăn hơn nếu bạn tiếp tục từ chối tiêm phòng", báo US News hôm 30-7 mở đầu bài viết về trường hợp của Francis Do, chủ một nhà hàng Việt Nam tại Virginia (Mỹ).

Chủ nhà hàng này nằm trong số những người ở Mỹ ủng hộ chiến dịch tiêm chủng của chính phủ, vốn đang gặp khó khăn vì tâm lý do dự, không muốn tiêm vắc xin COVID-19.

Hiện nay số ca mắc COVID-19 ở Mỹ đang tăng trở lại, và chính phủ chưa hoàn tất mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng. Tuần trước, Tổng thống Biden thể hiện sự thất vọng đối với những người đang từ chối tiêm.

Nắm được thông tin này, Francis Do đưa ra một nội quy, trong đó thực khách có tiêm vắc xin mới được ngồi ăn nhà hàng của ông.

"Tôi phải bảo vệ mọi người, từ nhân viên cho tới cộng đồng. Mọi người cần phải sát cánh, nắm tay nhau chống lại đại dịch. Hãy chích vắc xin đi. Nếu bạn không tin thì hãy ở nhà. Bạn không cần phải ra ngoài ăn rồi khiến mọi người mắc bệnh", Do nói.

Tại Mỹ, người dân có ý thức rất cao về quyền tự do cá nhân. Đây là nguyên nhân dẫn tới các vụ xô xát bên ngoài đường phố hay trong siêu thị được báo chí phản ánh suốt từ đầu đại dịch đến nay. 

Các xô xát này chủ yếu xuất phát từ việc người này yêu cầu người kia đeo khẩu trang. Đến nay, cả Quốc hội Mỹ cũng tranh cãi về yêu cầu đeo khẩu trang, trong khi lãnh đạo y tế Mỹ cũng không cùng quan điểm với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về vấn đề khẩu trang.

Do vậy, việc Francis Do bị phản ứng khi đưa ra nội quy trên là điều dễ hiểu. Ông cho biết đã bị trách móc, bị gọi là "Hitler" (ngụ ý độc tài), và cáo buộc ông xâm phạm quyền tự do của người khác.

Nhưng theo Do, các phản ứng đến nay là "2-1" nghiêng về phía ủng hộ ông, và rằng "tự do không đồng nghĩa đặt người khác vào nguy cơ nhiễm bệnh".

Thực chất, quyết định của Do cũng nằm trong số làn sóng ngầm ép tiêm vắc xin ở Mỹ, trước bối cảnh nhiều người từ chối tiêm.

Các công ty tư nhân như Netflix, Google, hay Facebook, đều ban hành quy định cho nhân viên phải tiêm vắc xin trước khi quay lại công ty.

"Tiêm vắc xin là một trong những cách thức quan trọng nhất để giữ sức khỏe cho chúng ta và cộng đồng trong vài tháng tới", giám đốc điều hành Sundar Pichai của Google và Alphabet nói trong một email gửi nhân viên tuần này.

Hãng hàng không United Airlines trong khi đó yêu cầu nhân viên mới phải có xác nhận đã tiêm vắc xin, theo Washington Post. Vở nhạc kịch "Hamilton" của Broadway cũng yêu cầu mọi diễn viên và thành viên đoàn phải tiêm chủng.

Một số nhà hàng và quán rượu ở Mỹ cũng yêu cầu cung cấp bằng chứng đã tiêm phòng trước khi vào quán.

74% ca COVID-19 tại một thị trấn ở Massachusetts là người đã tiêm vắc xin đầy đủ 74% ca COVID-19 tại một thị trấn ở Massachusetts là người đã tiêm vắc xin đầy đủ

TTO - Báo cáo được CDC Mỹ công bố ngày 30-7 cho biết 74% ca mắc COVID-19 tại một thị trấn ở Massachusetts là người đã tiêm vắc xin đầy đủ. Giải trình tự gene mẫu bệnh phẩm người, CDC phát hiện 119 người mắc biến thể Delta.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên