![Chủ nghĩa ngoại lệ Mỹ mang màu sắc Trump - Ảnh 1. Chủ nghĩa ngoại lệ Mỹ mang màu sắc Trump - Ảnh 1.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/9/edit-4764960069772633604108694841352146400786427n-read-only-17390581383251240744973.jpeg)
Tổng thống Trump đang muốn nước Mỹ được tôn trọng trở lại nhưng nguồn lực của Washington đã không còn như trước - Ảnh: REUTERS
Những phát ngôn của Tổng thống Trump về việc tiếp quản Dải Gaza, lấy lại kênh đào Panama hay sáp nhập Canada và đảo Greenland thuộc Đan Mạch đã làm dấy lên cuộc tranh luận: liệu chủ nghĩa bành trướng của Mỹ đã quay trở lại dưới một hình thức mới?
Đòn bẩy đàm phán
Trong một cuộc họp kín với giới doanh nghiệp Canada ngày 7-2, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã thừa nhận nguy cơ Tổng thống Trump muốn sáp nhập nước láng giềng phía bắc là thật.
Lý do, theo ông Trudeau, xuất phát từ những nguồn lực mà Canada có, bao gồm cả tài nguyên thiên nhiên và cả vị trí địa lý.
Tổng thống Trump trước đó đã đe dọa áp thuế quan bổ sung lên Canada và Mexico, đồng thời tuyên bố Ottawa có thể tránh được việc áp thuế nếu trở thành một bang của Mỹ.
Hai quốc gia láng giềng sau đó phải nhượng bộ, tăng cường an ninh biên giới để đổi lấy việc Mỹ hoãn áp thuế trong ít nhất một tháng.
Nhiều người tin rằng lời đe dọa áp thuế quan và cả gợi ý sáp nhập Canada là một động thái nhằm thúc đẩy mục đích xa hơn là đàm phán lại Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ gồm Mỹ, Canada và Mexico theo chiều hướng có lợi, công bằng hơn cho Washington.
Nhưng với Panama hay Dải Gaza và đảo Greenland, các tuyên bố của ông Trump cho thấy ông sẵn sàng đụng đến vấn đề chủ quyền lãnh thổ của nước khác, miễn nó đem lại lợi ích và sự tôn trọng đối với nước Mỹ.
Trong cuộc họp báo được tổ chức sau cuộc gặp với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng hôm 4-2, Tổng thống Trump cho biết người dân Palestine ở Dải Gaza nên được tái định cư ở nơi khác và rằng "Mỹ sẽ tiếp quản Dải Gaza".
Trước đó, ông đã cử con trai cả của mình, Donald Trump Jr., tới Greenland vào tháng trước, và Ngoại trưởng Marco Rubio tới Panama vào tháng này.
Tổng thống Trump, người tuyên bố trong bài diễn văn nhậm chức rằng ông sẽ kiềm chế sự can thiệp quân sự ra nước ngoài, dường như đang công khai tiết lộ tham vọng mở rộng biên giới ảnh hưởng của Mỹ bằng cách sử dụng sức mạnh kinh tế và ngoại giao mà không cần chiến tranh.
Kế hoạch đó lại phù hợp với mục tiêu "MAGA" (Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại), làm cho nước Mỹ được tôn trọng và học thuyết "Nước Mỹ trên hết".
Biến thể mới của chủ nghĩa ngoại lệ
Giáo sư Jeffrey Sachs, một nhà phân tích chính sách công tại Đại học Columbia, nhận định chính sách "Nước Mỹ trên hết" của ông Trump chính là một biến thể mới của chủ nghĩa ngoại lệ, với điểm khác biệt so với truyền thống là cách tiếp cận mang tính bảo hộ, định kiến với chủ nghĩa đa phương và bài ngoại hơn.
Nói thêm về chủ nghĩa ngoại lệ Mỹ, nó được hiểu theo nghĩa rộng nhất là việc người Mỹ luôn coi đất nước họ là biểu tượng của "sự xuất chúng, ngoại lệ", rằng mô hình của Mỹ là mô hình tiêu biểu mà các nước khác cần noi theo.
Woodrow Wilson, vị tổng thống thứ 28 của nước Mỹ và là người đã thay đổi vị thế của xứ cờ hoa trên thế giới khi cử hàng triệu binh sĩ đến châu Âu tham gia Thế chiến thứ 1, là một minh chứng tiêu biểu cho chủ nghĩa ngoại lệ Mỹ.
Sau Thế chiến thứ 2, tổng thống Harry Truman và những người khác đã tạo ra một khuôn khổ các liên minh lâu dài cùng các thể chế đa phương được gọi là "Pax Americana".
Đương kim Tổng thống Trump cũng là một người có tư tưởng nước Mỹ ngoại lệ như cố tổng thống Wilson, khi ông muốn nước Mỹ được tôn trọng trở lại nhưng giữa hai người có sự khác biệt lớn.
Trong khi ông Wilson là một người theo chủ nghĩa lý tưởng tự do, muốn tạo ra các thể chế đa phương và làm cho thế giới an toàn với các nền dân chủ mà Hội Quốc Liên là một ví dụ, ông Trump là một người theo chủ nghĩa hiện thực, tập trung vào định nghĩa hẹp về lợi ích quốc gia của Mỹ và không xem nền dân chủ như một nguồn sức mạnh mềm của quốc gia.
Giáo sư Joseph S. Nye Jr, một trong những nhà khoa học chính trị Mỹ có uy tín và được kính trọng nhất, nhận định Pax Americana đã lỗi thời và nước Mỹ đang có ít ưu thế hơn trong một thế giới phức tạp hơn.
Đó là một thực tế chính quyền Trump cần nhìn nhận, bởi Mỹ không còn là nước chiếm vị thế vượt trội trên tất cả lĩnh vực.
Công cụ để đạt mục đích cuối cùng
Với các phát ngôn về Dải Gaza, đảo Greenland hay Canada, người ta nhận thấy ADN kinh doanh của ông Trump đang được vận dụng khi ông trở lại Nhà Trắng.
Việc ông tiếp tục đưa ra những nhận xét về chủ quyền, lãnh thổ của nước khác dường như là bởi ông thích như vậy và muốn làm hài lòng những người ủng hộ mình cũng như đạt lợi thế trên bàn đàm phán.
Chẳng hạn, với Panama là việc loại bỏ ảnh hưởng của Trung Quốc hoặc miễn, giảm phí cho tàu bè Mỹ đi qua. Với đảo Greenland, đó là việc đổi lấy các nhượng bộ của Đan Mạch cùng những điều kiện tốt hơn để Mỹ khai thác tài nguyên.
Trong khi đã loại trừ khả năng sử dụng quân sự, người ta tin rằng những "cuộc chiến" mà ông Trump đã và sắp sửa khơi mào sắp tới sẽ diễn ra trên một số ít lĩnh vực mà Mỹ còn là ngoại lệ, như công nghệ, thương mại.
Và các phát ngôn về lãnh thổ, chủ quyền của ông nên được hiểu như một công cụ để đạt được mục đích cuối cùng hơn là mục tiêu mà nước Mỹ đang nhắm tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận