Lê Thị Việt Hà, Nguyễn Thanh Sơn và Ngô Kim Hồng (từ trái sang phải) từng tham gia chống dịch tại TP.HCM năm 2021 - Ảnh: DƯƠNG LIỄU
Bạn Ngô Kim Hồng, Lê Thị Việt Hà và Nguyễn Thanh Sơn (sinh năm 2001, sinh viên Trường cao đẳng Y tế Bạch Mai) là 3 sinh viên trong hàng nghìn sinh viên lên đường tham gia chống dịch tại TP.HCM hồi tháng 8 và trở về vào tháng 10-2021.
Gặp gỡ với Tuổi Trẻ Online những ngày tháng 7, sau gần 1 năm trở về từ tâm dịch, những câu chuyện của các bạn trẻ vẫn tràn đầy nhiệt huyết.
Lên đường vào tâm dịch với tâm thế ngổn ngang
Lúc ấy, khi dịch tại TP.HCM diễn biến căng thẳng, số người tử vong do COVID-19 gia tăng. Nhận được lời kêu gọi, những bạn trẻ tràn đầy nhiệt huyết chẳng ngại ngần ký lên đơn tình nguyện để cùng người dân miền Nam chống dịch.
Cô gái trẻ Ngô Kim Hồng nhớ lại: "Lúc đó, sinh viên của trường chỉ có 1 đêm để chuẩn bị. Bố mẹ và gia đình rất lo lắng, không muốn mình tham gia. Mình phải thuyết phục và lẳng lặng chuẩn bị đồ đạc. Thấy con gái muốn đi và thầy cô cũng động viên gia đình, bố mẹ mới đồng ý.
Khi chuẩn bị bay vào TP.HCM, mình suy nghĩ nhiều lắm. Tâm trạng đúng là ngổn ngang. Vừa lo lắng dịch bệnh phức tạp, vừa lo lần đầu tiên xa nhà, lại lo không biết mình có giúp được gì không?".
Giống như Hồng, Nguyễn Thanh Sơn cũng gặp phải phản đối từ gia đình. Sơn nói: "Buổi sáng khi mình xách vali ra khỏi nhà để vào TP.HCM, mẹ mình còn không tiễn. Mình biết bố mẹ không muốn mình đi, nhưng tất cả mọi người cùng tham gia hỗ trợ, mình cũng muốn góp một phần nhỏ của mình với tất cả đội ngũ y bác sĩ".
Đến hai ngày sau, Sơn mới dám gọi điện về nhà báo tin cho bố mẹ nơi ăn ở, sinh hoạt và công việc phải làm. "Lúc này, bố mẹ và người thân cũng dần dần yên tâm, thi thoảng gọi điện động viên", Sơn nói.
Những tình nguyện viên lên đường bắt đầu ngày làm việc tham gia hỗ trợ chống dịch tại TP.HCM - Ảnh: NVCC
Từ xa lạ thành quen thân
Sau khi vào TP.HCM, công việc của các sinh viên trường y chủ yếu là đến các trạm y tế hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 trong cộng đồng, điều tra dịch tễ, truy vết F0.
Lê Thị Việt Hà kể lại: "Có ngày nhóm 4 người lấy cả 1.000 mẫu xét nghiệm. Đứng muốn gãy chân, nhưng ai cũng cố gắng hoàn thành tốt công việc".
Khi được hỏi về những vất vả trong quá trình hỗ trợ chống dịch ở TP.HCM, các bạn sinh viên nói: "Không vất vả lắm. Mấy ngày đầu chưa quen nên ăn uống hơi khó khăn. Công việc ban đầu cũng hơi mệt chút, nhưng dần dần quen thì mỗi ngày đi làm là một ngày vui".
Còn về kỷ niệm với TP.HCM? Lúc này, như được dịp "trở về quá khứ", ai cũng hồ hởi: "Nhiều kỷ niệm lắm, nhất là tình người, người dân quý mến tụi mình lắm, các cô cho đồ ăn suốt".
Hà nhớ lại những ngày đi lấy mẫu cộng đồng, đến nơi cô tổ trưởng tổ dân phố đã cho người dân đến xếp hàng để chuẩn bị lấy mẫu xét nghiệm. "Một chút cô lại hỏi "các con có khát không?", "các con có đói không?", rồi các cô đi mua nước, mua đồ ăn cho.
Có cô "đồng hương" ở Hà Nội sống trong khu đó, biết mình là sinh viên vào nên quý lắm. Ngày nào đi qua cô cũng gọi, đưa nước dừa cho uống. Mỗi lần nhận những món quà như vậy, mình lại thầm cảm ơn và dặn mình phải cố gắng hơn nữa", Hà nói.
Cô tổ trưởng dân phố tạo dáng "xì tin" cùng các tình nguyện viên - Ảnh: NVCC
Những cô gái chỉ vừa mới đôi mươi, đang ngồi trên ghế nhà trường đã tham gia vào "cuộc chiến" cam go. Kim Hồng đã có lần ngất xỉu trong khi làm việc. "Hôm đó trời nắng lắm, mình phải mặc đồ bảo hộ nữa nên đang lấy mẫu thì mình ngất. Trong lúc còn chút ý thức, mình nghe thấy mọi người gọi nhau pha nước, đưa mình vào trong phòng. Lúc tỉnh dậy thấy một bàn nước, nào là nước chanh, nước gừng… Tự giận mình yếu ớt để mọi người phải lo lắng.
Hồi đó, cạnh trạm y tế phường có một cây sa kê, mới đầu mình không biết đó là cây gì. Cô tổ trưởng tổ dân phố nói cho nghe, rồi chỉ cho cách làm bánh từ quả sa kê. Từ hôm đó, mấy ngày cô lại ra tìm xem quả nào rụng, cho mình để mang về. Mỗi kỷ niệm đó mình đều rất trân trọng và cảm ơn những yêu thương mà mọi người đã dành cho chúng mình", Hồng cười nói.
Nên duyên từ tâm dịch
Trong 2 tháng chống dịch ở TP.HCM, Kim Hồng đã tình cờ gặp được "một nửa" của mình. Hồng ngượng ngùng nói: "Anh ấy là người ở Hà Nội, trong chuyến công tác đi TP.HCM thì bị "kẹt" lại vì dịch. Tình cờ, mình lại lưu trú ở khu chung cư anh ấy ở (cùng anh chị họ - PV). Mình cũng phải lấy mẫu xét nghiệm ở khu chung cư, rồi sau vài lần "chọc mũi" thì chúng mình làm quen với nhau. Sau đó thì giữ liên lạc, tìm hiểu rồi yêu nhau. Bạn bè hay trêu: "Đó, đi chống dịch còn mang được người yêu về nữa"".
Cảm thấy mình được ghi nhận
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, mỗi sinh viên đều nhận được những tấm giấy khen do quận, huyện, phường trao tặng. Việt Hà chia sẻ bố mẹ cô treo tấm giấy khen ở nơi dễ nhìn thấy nhất. "Mình tự hào vì đã góp phần nhỏ bé của mình vào cuộc chiến "lịch sử" ấy. Mình được nhận 6 tấm giấy khen, mình luôn gìn giữ như những kỷ niệm đẹp của tuổi trẻ".
Tấm huy hiệu bạn Nguyễn Thanh Sơn được trao tặng ở TP.HCM - Ảnh: NVCC
Còn Kim Hồng và Thanh Sơn vẫn giữ thư cảm ơn của TP.HCM gửi. Sơn nói: "Mình cảm thấy được trân trọng và ghi nhận. Mình vẫn giữ hết những kỷ vật mang về, từng tấm huy hiệu mọi người tặng. Nó là món quà tinh thần lớn nhất đối với mình".
Cùng Tuổi Trẻ gửi lời tri ân
Năm 2021, hàng chục nghìn bác sĩ, điều dưỡng, sinh viên y khoa các trường đại học, chiến sĩ quân y… từ mọi miền đã tới các tỉnh thành phía Nam, trong đó có TP.HCM, để cùng các địa phương chống dịch COVID-19. Trong đồ bảo hộ bít bùng, khẩu trang kín mít, nhiều bệnh nhân không biết mặt người ngày đêm điều trị, chăm sóc mình.
Rất nhiều cảm xúc, lưu luyến, nhiều lời cảm ơn chưa kịp nói khi người bệnh xuất viện, khi các bác sĩ, điều dưỡng... rời đi lúc đại dịch bớt căng thẳng.
Tuổi Trẻ Online mời bạn gửi lời tri ân những thiên thần áo trắng, chia sẻ các kỷ niệm, cảm xúc, kỷ vật còn lưu giữ trong những ngày bạn hoặc người thân điều trị COVID-19. Bài viết, hình ảnh xin gửi về: [email protected].
Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận