
Hàng ngàn học sinh hào hứng dự Ngày hội Tự tin vào lớp 10 tại Trường THPT Hùng Vương (Q.5, TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN
Ngày hội do ấn phẩm Mực Tím (báo Tuổi Trẻ) phối hợp với Hội đồng Đội - Thành Đoàn TP.HCM tổ chức, với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.
Cân nhắc nhiều yếu tố
Theo cô Đỗ Thị Việt Phương, phó hiệu trưởng Trường THPT Võ Trường Toản, điều đầu tiên học sinh cần làm khi chọn nguyện vọng là tự đánh giá năng lực học tập của mình thông qua kết quả các môn toán, ngữ văn và ngoại ngữ.
Dựa vào điểm trung bình, học sinh có thể phân loại các trường thành ba nhóm: tốp đầu (khoảng 8 điểm trở lên), tốp giữa (khoảng 7 điểm) và tốp sau (khoảng 6 điểm trở xuống). Việc phân loại này giúp học sinh xác định rõ mức độ phù hợp, từ đó tăng khả năng trúng tuyển.
Ngoài năng lực, học sinh cũng nên cân nhắc các yếu tố khác như vị trí địa lý. Chọn trường gần nhà sẽ thuận tiện cho việc đi lại, đảm bảo sức khỏe và tinh thần ổn định. Đồng thời, học sinh cần tìm hiểu kỹ tổ hợp môn mà các trường dự kiến triển khai theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, để đảm bảo phù hợp với định hướng nghề nghiệp và sở thích cá nhân.
Ông Đỗ Trí Nhân, chuyên viên Phòng khảo thí và kiểm định chất lượng Sở GD-ĐT TP.HCM, nêu thêm một tiêu chí quan trọng là uy tín của trường. Một môi trường học tập tốt, nghiêm túc sẽ là nền tảng vững chắc cho quá trình học THPT và định hướng đại học sau này.
Tỉ lệ tốt nghiệp THPT của trường trong những năm gần đây cũng là một yếu tố phản ánh chất lượng cần được cân nhắc.
Ông Nhân cũng hướng dẫn một cách tính đơn giản để học sinh tự ước lượng khả năng trúng tuyển: lấy điểm trung bình học kỳ và điểm thi học kỳ của từng môn toán, văn, ngoại ngữ, cộng lại rồi chia đôi. Sau đó cộng tổng điểm của ba điểm này để so sánh với điểm chuẩn của các trường THPT công lập trong năm trước.
Cũng theo ông Nhân, việc chọn nguyện vọng 2 và 3 cũng nên tuân theo nguyên tắc điểm chuẩn thấp dần so với nguyện vọng trước. Nguyện vọng 2 nên thấp hơn nguyện vọng 1 từ 0,5 - 1 điểm, và nguyện vọng 3 thấp hơn nguyện vọng 2 từ 0,5 - 1 điểm. Cách này giúp đảm bảo khả năng trúng tuyển cao nhất.

Đoàn học sinh Trường THCS & THPT Phạm Ngũ Lão tham gia ngày hội tại Trường THPT Võ Trường Toản (Q.12) - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Không trúng tuyển công lập: vẫn còn nhiều lựa chọn
Trong trường hợp không trúng tuyển vào lớp 10 công lập, học sinh vẫn có nhiều hướng đi khác để tiếp tục việc học.
Ông Đào Phi Trường, chuyên viên Phòng giáo dục thường xuyên - nghề nghiệp và đại học, Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết một lựa chọn đáng cân nhắc là học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp như trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.
Các cơ sở này không tổ chức thi tuyển mà xét tuyển hồ sơ, cho phép học sinh vừa học nghề vừa học văn hóa theo chương trình 7 môn hoặc 4 môn, tùy vào từng đơn vị. Lộ trình này rút ngắn thời gian, linh hoạt, và có thể tiếp tục học liên thông lên cao đẳng nếu có nhu cầu.
Ngoài ra, học sinh cũng có thể chọn học tại các trường THPT tư thục. Các trường này cũng sẽ xét tuyển dựa trên kết quả học tập của học sinh thay vì thi tuyển. Tuy nhiên, mỗi trường tư thục có tổ hợp môn học, chương trình đào tạo và hoạt động giáo dục khác nhau.
Vì vậy, học sinh và phụ huynh cần chủ động tìm hiểu thông tin trên website trường để nắm rõ chỉ tiêu, nội dung chương trình và định hướng đào tạo.
Đặc biệt, theo ông Trường, học sinh cần định hướng nghề nghiệp ngay từ lớp 9. Việc lựa chọn tổ hợp môn trong chương trình THPT không nên tùy hứng, mà cần xuất phát từ ngành nghề học sinh dự kiến theo đuổi ở bậc đại học hoặc trong tương lai.
Các trường hiện nay đều có tổ chức tư vấn hướng nghiệp và mời phụ huynh cùng tham gia, nhằm hỗ trợ học sinh lựa chọn đúng đắn và phù hợp nhất.
Chuẩn bị vững vàng tâm lý
ThS Trần Thị Thanh Trà, giảng viên tâm lý học, Trường đại học Mở TP.HCM, cho rằng học sinh cần xây dựng một kế hoạch học tập rõ ràng, phù hợp với năng lực bản thân và bám sát mục tiêu.
Việc chia nhỏ nội dung ôn tập theo từng ngày, từng tuần sẽ giúp giảm bớt cảm giác quá tải và giúp học sinh thấy việc học trở nên khả thi hơn.
Bên cạnh đó, cô nhấn mạnh việc giữ gìn sức khỏe thể chất và tinh thần trong mùa ôn thi là rất quan trọng. Học sinh không nên vì áp lực mà thức quá khuya, bỏ bữa hoặc cắt giảm thời gian nghỉ ngơi. Một cơ thể khỏe mạnh, tinh thần tích cực mới là nền tảng để làm bài thi hiệu quả.
Cuối cùng, cô nhắn gửi học sinh rằng: thay vì lo sợ "nếu rớt thì sao?", hãy tự hỏi "mình đã chuẩn bị tốt nhất có thể chưa?". Nếu đã học đều, có chiến lược ôn tập rõ ràng và duy trì thói quen sinh hoạt điều độ, thì đó chính là điều quan trọng nhất.
"Đừng ngần ngại chia sẻ cảm xúc, áp lực với cha mẹ, thầy cô hay bạn bè, bởi sự đồng hành và lắng nghe sẽ giúp các em vững vàng hơn trước kỳ thi quan trọng này", cô Trà nói.
Làm sao để biết được sức học của mình thế nào?
Tại ngày hội diễn ra ở Q.5, TP.HCM, một học sinh Trường THCS Bình Trị Đông (Q. Bình Tân) thắc mắc rằng em học rất tốt môn văn nhưng hai môn còn lại gồm toán và ngoại ngữ thì học chưa tốt. Vậy từ nay đến khi thi tuyển sinh lớp 10 em nên đánh mạnh vào môn văn hay em học các môn toán và ngoại ngữ?
Tư vấn cho học sinh, cô Nguyễn Xuân Mai, phó Phòng khảo thí và kiểm định chất lượng Sở GD-ĐT TP.HCM, khuyên thí sinh rằng nếu em đã thấy học môn văn rất tốt và tự tin vào môn văn rồi, những môn học khác trong ba môn thi (gồm toán, văn, ngoại ngữ) em chưa học tốt thì em cần chăm chút, dành thời gian nhiều hơn (toán, ngoại ngữ).
Bởi vì ba môn thi đều có thang điểm hệ số 1 như nhau, không môn nào được nhân hệ số trong tuyển sinh lớp 10 nên học sinh cần phải học cân bằng các môn để kiếm điểm các môn nhiều nhất có thể.
Trước những thắc mắc của học sinh về việc làm sao biết sức học của mình để lựa chọn trường thi phù hợp, cô Nguyễn Xuân Mai chia sẻ rằng các em học sinh cần theo dõi sức học của bản thân dựa vào kết quả của cả quá trình học từ lớp 6 đến lớp 9 ở trường cả ba môn thi: toán, văn, ngoại ngữ.
Bên cạnh đó, các em cũng cần phải dựa trên bài thi ở trường THCS các môn thi trong năm học này và biết trừ hao bởi đề thi của trường thường dễ hơn so với đề thi thật.
"Riêng điểm chuẩn thi lớp 10 năm nay tăng hay giảm sẽ phụ thuộc vào sức học, sức làm bài của tất cả học sinh trên toàn thành phố. Nếu tất cả học sinh đều làm bài tốt thì điểm chuẩn vào lớp 10 sẽ tăng và nếu học sinh làm bài không tốt thì điểm chuẩn sẽ giảm so với năm trước.
Bởi vì tuyển sinh lớp 10 là tuyển từ điểm cao xuống thấp đến khi lấy hết chỉ tiêu nên học sinh không nên lo lắng điểm chuẩn cao hay thấp, mà điều các em cần quan tâm là có phương pháp ôn tập và tự học thật tốt, thật bình tĩnh học tập", cô Mai phân tích.
Dự báo ngành nghề sẽ "hot" trong 10 năm tới
Nhiều học sinh cho biết việc chọn lựa tổ hợp vào lớp 10 sau khi các em đậu vào lớp 10 rất quan trọng nên các em muốn biết những ngành nghề nào sẽ "hot" trong 10 năm tới và những ngành đó có những tổ hợp như thế nào.
ThS Chung Quốc Phong, trưởng phòng tuyển sinh Trường đại học Ngoại ngữ và Tin học TP.HCM, cho biết theo dự báo nguồn nhân lực trong khoảng 5 năm tới và 5 năm tiếp theo, có khoảng 10 lĩnh vực được quan tâm.
Đầu tiên là lĩnh vực đang "hot" nhất hiện nay là công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo. Thứ 2 là khoa học dữ liệu và phân tích dữ liệu. Thứ 3 là kỹ thuật và công nghệ bán dẫn. Thứ 4 là thương mại điện tử và kinh tế số. Thứ 5 là năng lượng tái tạo và kỹ thuật môi trường.
Thứ 6 là y tế - công nghệ sinh học. Thứ 7 là tài chính - công nghệ tài chính. Thứ 8 là giáo dục trực tuyến và công nghệ giáo dục. Thứ 9 là công nghiệp sáng tạo và giải trí số. Thứ 10 là dịch vụ tâm lý và phát triển cá nhân.
Đây là 10 lĩnh vực sẽ phát triển trong giai đoạn 5 năm và 5 năm tiếp theo.
Cũng theo thầy Phong, các ngành nghề "hot" còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố, ví dụ như bối cảnh kinh tế, xã hội, những đầu tư quốc tế… Khi có những thay đổi này thì sẽ có những ngành nghề phát triển thêm.

Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận