18/04/2016 12:48 GMT+7

“Chọn mặt gửi vàng” cho nghiên cứu khoa học

QUỐC THANH thực hiện (quocthanh@tuoitre.com.vn)
QUỐC THANH thực hiện ([email protected])

TTO - “Mặt tiền” trang web của Sở Khoa học và công nghệ (KH&CN) TP.HCM vừa xuất hiện những dòng thông báo chào mời doanh nghiệp, trường, viện, trung tâm nghiên cứu, tổ chức hoạt động khoa học và công nghệ đưa ý tưởng, đề án...

Năm 2015, TP.HCM đã đưa 84 đơn vị, với hơn 150 sản phẩm công nghệ thiết bị tham gia giới thiệu, chào bán tại chợ thiết bị công nghệ (Techmart). Kết quả đã có 54,65 tỉ đồng tổng giá trị các hợp đồng/ghi nhớ hợp tác, chuyển giao công nghệ cùng giao dịch mua - bán trực tiếp các công nghệ thiết bị đưa đi trưng bày, giới thiệu - Ảnh: K.Minh
Năm 2015, TP.HCM đã đưa 84 đơn vị, với hơn 150 sản phẩm công nghệ thiết bị tham gia giới thiệu, chào bán tại chợ thiết bị công nghệ (Techmart). Kết quả đã có 54,65 tỉ đồng tổng giá trị các hợp đồng/ghi nhớ hợp tác, chuyển giao công nghệ cùng giao dịch mua - bán trực tiếp các công nghệ thiết bị đưa đi trưng bày, giới thiệu - Ảnh: K.Minh

Sở sẽ chọn lựa tham gia chương trình xây dựng năm sản phẩm mục tiêu mang thương hiệu TP.HCM.

Đây được xem là hình thức “chọn mặt gửi vàng” trong đầu tư cho KH&CN... Song, những điều cần bàn ở đây là đằng sau việc mời gọi này đã nói lên điều gì trong đổi mới cách làm và đầu tư cho KH&CN của TP.HCM?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS NGUYỄN VIỆT DŨNG - giám đốc Sở KH&CN TP.HCM - cho biết:

- Xuất phát từ mục tiêu “xây dựng được năm sản phẩm mục tiêu mang thương hiệu TP.HCM” (trong phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ KH&CN chủ yếu giai đoạn 2016 - 2020 đã được UBND TP phê duyệt), sở vừa đưa lên trang web mời gọi, thu hút các dự án, ý tưởng... để lựa chọn tham gia chương trình.

Nếu đọc lướt qua thông báo, chắc chắn nhiều người sẽ nghĩ rằng sự mời gọi này chẳng khác gì cách làm lâu nay về lựa chọn, đăng ký, đặt hàng các nhu cầu nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, cách thức mà chúng tôi đang làm lần này là một thay đổi lớn trong đầu tư cho KH&CN.

Lần này mong muốn đạt được là thu hút rộng rãi ý tưởng sáng tạo, dự án để lựa chọn những đề xuất, cách làm... hiệu quả, khả thi và tiềm năng nhất. Chúng tôi luôn kỳ vọng những ý tưởng, dự án phải xuất phát và gắn chặt với chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy liên kết chặt chẽ giữa trường - viện, doanh nghiệp và nhà nước...

Một điều có thể khẳng định là sẽ tập trung nguồn lực đầu tư đến nơi đến chốn cho những ý tưởng, dự án có khả năng tạo ra sản phẩm tiêu biểu, mang thương hiệu TP.HCM từ KH&CN và từ chính các hoạt động thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp...

Ông Nguyễn Việt Dũng - Ảnh: Quang Định
Ông Nguyễn Việt Dũng - Ảnh: Quang Định
Ngày nay nguồn lực cho phát triển kinh tế không chỉ là vấn đề tài nguyên đất đai, vốn liếng (tiền), mà cần tập trung khai thác vốn con người, tức khai thác trí tuệ, ý tưởng sáng tạo. Còn nếu ngồi hưởng những cái mà cha ông mình để lại, không nghĩ ra cái gì mới thì làm sao phát triển được

Dự án phải khả thi và sản phẩm phải đưa vào thị trường

* Bằng cách nào, thưa ông?

- Yêu cầu đối với những ý tưởng, dự án... là ứng viên của chương trình phải đề xuất thật cụ thể trong năm năm tới sẽ nghiên cứu đưa ra sản phẩm gì, công nghệ gì mang tính mục tiêu tiêu biểu, có thị trường và có tiềm năng mang lại hiệu quả kinh tế, hiệu quả kinh tế - xã hội cao.

Nói chung, tất cả đều phải thiết kế, thể hiện bằng một dự án hẳn hoi, sẽ được đánh giá, định lượng... một cách hết sức chi tiết trước khi quyết định lựa chọn ý tưởng, đề án tham gia chương trình.

Ví dụ phải thuyết minh cụ thể các bước nghiên cứu như thế nào, thiết kế ra sao, chế thử sản phẩm, hoàn thiện công nghệ, đánh giá tiềm năng thị trường, giải pháp đưa vào kinh doanh...

Chúng tôi xác định đây là chương trình dài hơi, lựa chọn những dự án, ý tưởng khả thi và quy mô thật sự, có thể hoàn chỉnh đến sản phẩm cuối cùng và đưa vào thị trường kinh doanh. Đồng thời mỗi dự án, ý tưởng có thể là sự kết hợp của nhiều doanh nghiệp, nhiều trường, viện, chứ không chỉ là đơn lẻ.

Về kinh phí đầu tư chắc chắn sẽ được tập trung và là những đầu tư lớn. Tuy nhiên, ở đây phải có sự tham gia của doanh nghiệp, cùng bỏ tiền đầu tư để thực hiện các dự án, ý tưởng.

Ví dụ đề án cần 100 tỉ đồng nhưng doanh nghiệp mới có 50 tỉ đồng, nên chương trình sẽ xem xét đầu tư 50 tỉ đồng còn lại; thậm chí những đề án, ý tưởng khả thi cần vốn cao hơn mức này gấp nhiều lần, Sở KH&CN TP cũng sẽ trình UBND TP xem xét.

Đương nhiên, các đề án, ý tưởng phải qua một quy trình thẩm định, phản biện hết sức chặt chẽ. Việc giải ngân sẽ được thực hiện theo lộ trình và tương ứng với kết quả mang lại của từng phân kỳ thực hiện.

Đây là một trong những điểm thay đổi so với trước đây và chúng tôi kỳ vọng cách làm này cũng sẽ hạn chế được tình trạng đầu tư manh mún, khá dàn trải; đồng thời vừa có sản phẩm đưa ra được thị trường, vừa được đầu tư đến nơi đến chốn.

Nhìn lại năm năm (2011-2015), TP đã đầu tư đến 600 đề tài nghiên cứu, với kinh phí 451 tỉ đồng, tính ra trung bình mức đầu tư cho mỗi đề tài là không lớn. Mặt khác, trong số 600 đề tài này, chỉ có 35% đề tài có ứng dụng thực tiễn tốt.

* Nhưng liệu nguồn lực TP.HCM có đủ để đeo đuổi, cùng đồng hành với doanh nghiệp, các nhóm nghiên cứu... đến nơi đến chốn?

- Đương nhiên, chúng tôi sẽ liệu cơm gắp mắm. Tùy vào nguồn lực được TP bố trí mà chúng tôi cân đối để chọn số dự án, ý tưởng tốt nhất, khả thi nhất tương ứng với số kinh phí có được.

Có thể sẽ có nhiều ý tưởng, dự án ứng cử cho chương trình, song như mục tiêu chúng tôi kỳ vọng, đưa vào yêu cầu phấn đấu trong năm năm tới là có được năm sản phẩm mục tiêu tiêu biểu của KH&CN, mang thương hiệu TP.

Đầu tư cả cho khu vực tư nhân

* Ngân sách nhà nước phải bỏ ra một khoản tiền lớn đầu tư vào cho mục tiêu nói trên và với cách làm như vừa nêu - “chọn mặt gửi vàng”, có vướng mắc gì về cơ chế chi tiêu ngân sách và sự e ngại trách nhiệm trong sử dụng ngân sách nhà nước trước yêu cầu phải đảm bảo hiệu quả, không được lãng phí?

- Nhận thức về điểm này của mỗi người có khác nhau, cho nên cần làm rõ góc độ nhận thức vấn đề này ngay từ đầu. Cần thấy rõ để một sản phẩm ra đời phải đi qua những giai đoạn nào.

Thường có ba giai đoạn phát triển của sản phẩm: thứ nhất là giai đoạn nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện sản phẩm; kế đến là giai đoạn mở rộng kinh doanh, đưa sản phẩm ra thị trường; cuối cùng là giai đoạn đi vào ổn định.

Trong ba giai đoạn vừa nêu thì tài chính cho từng giai đoạn nên thực hiện như thế nào? Có thể phân ra như sau: ở giai đoạn đầu tư nghiên cứu, phát triển gồm vốn của bản thân mỗi người nghiên cứu (hoặc doanh nghiệp) và ngân sách của nhà nước chi cho thúc đẩy hoạt động KH&CN hỗ trợ.

Đến giai đoạn sản phẩm ra thị trường, tìm kiếm con đường phát triển nhanh (giai đoạn thứ hai) thì tài chính cho giai đoạn này mới gọi là đầu tư mạo hiểm, tư nhân làm, nhà nước không nên can thiệp quá sâu vào giai đoạn này.

Tất nhiên, nhà nước có thể có những chính sách để thúc đẩy cho thị trường đầu tư mạo hiểm phát triển. Nhưng đây là câu chuyện khác.

Điều quan trọng là làm sao thu hút được các dự án, ý tưởng sáng tạo khả thi và theo đuổi đến cùng. Cả năm năm qua nghiên cứu khoa học chi được hơn 450 tỉ đồng, trong khi chỉ một chiếc cầu vượt cũng đã chi cỡ đó.

Tất nhiên có thực tế là tiền chi cho nghiên cứu khoa học không nhiều nhưng có nơi lại xài lãng phí, không hiệu quả. Điều đó cũng do tư duy, nhà nước không nên ôm, mà nên xác định mình muốn gì và có nguồn lực bao nhiêu, chọn những người làm tốt nhất trong xã hội, có thể là tư nhân, để giao cho họ làm.

Trong đề án tái cấu trúc ngành KH&CN được Chính phủ phê duyệt đã nói rất rõ quan điểm như thế, đầu tư cho cả khu vực tư nhân, chứ không chỉ đầu tư cho khu vực nhà nước.

* Sở KH&CN TP có nhận được những cam kết chính trị nào cho ý tưởng, cách đầu tư cho KH&CN như sở đang làm?

- Việc UBND TP ký ban hành các chương trình, mục tiêu cho KH&CN chính là cam kết. Đồng thời các nhà lãnh đạo TP đều có chủ trương, đã nói rất nhiều và yêu cầu là phải đổi mới sáng tạo, thúc đẩy khởi nghiệp, thay đổi cơ chế quản lý và tài chính cho KH&CN, phải đầu tư tập trung và có hiệu quả...

Suy cho cùng, tất cả sự vận động phải từ xã hội là chính và trên thực tế cộng đồng khởi nghiệp đã có từ lâu, nhiều năm nay rồi, và nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đang tìm đường phát triển bứt phá. Tôi cho rằng đấy chính là những cam kết chính trị mạnh mẽ nhất.

Ảnh: NVCC
Ảnh: NVCC

* PGS.TS Huỳnh Quyền (phó trưởng ban KH&CN ĐH Quốc gia TP.HCM):

Đây là một cách làm mới

Cách làm này cho thấy TP.HCM luôn đi đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ KH&CN. Tập trung nguồn lực đầu tư đi đến sản phẩm cuối cùng đã được hướng dẫn trong thông tư 27, và TP.HCM làm được điều này là một đột phá cho các nhà khoa học và ngay cả doanh nghiệp có ý tưởng có thể làm nghiên cứu và phát triển cho ra sản phẩm cuối cùng.

Tuy nhiên, có xây dựng được các sản phẩm mục tiêu của TP.HCM hay không phụ thuộc vào cách thực hiện với quy trình, phương pháp, cơ chế quản lý giám sát và tài chính đảm bảo sử dụng đến giai đoạn cuối.

Trước đây, chúng ta đã có hình thức đặt hàng nghiên cứu và Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) đã đề xuất lên theo đặt hàng nhiều đề tài, có những đề tài nghiên cứu lên tới 1, 2 tỉ nhưng không thành công, không ra được sản phẩm.

Trong nghiên cứu khoa học luôn có thành công và thất bại, tỉ lệ thành công chỉ từ 10 - 15%, như vậy với những dự án nghiên cứu được đầu tư tài chính lớn, nếu không thành công thì giải quyết thế nào? Nếu ý tưởng hay, phương pháp thực hiện đúng nhưng kết quả lại không đạt thì phải giải quyết ra sao?

Cần phải được tính trước vì sản phẩm của chương trình này sẽ là những sản phẩm thương mại có trình độ khoa học cao. Hiện tại, chúng ta đang trong giai đoạn hội nhập sâu với quốc tế, do vậy sản phẩm hàng hóa trên thị trường sẽ mang tính cạnh tranh cao.

Hiện nay Bộ KH&CN phối hợp với Bộ Tài chính dần dần tháo gỡ cơ chế tài chính trong nghiên cứu khoa học là điều đáng mừng. Tuy nhiên, một trong những yếu tố quan trọng mà có thể thành công trong việc hình thành các sản phẩm KH&CN thực thụ đưa vào thực tiễn là công tác tuyển chọn đề tài.

Phải có những tiêu chí tuyển chọn rõ ràng, hội đồng phải có chuyên gia thực thụ về chuyên môn cũng như các chuyên gia khác có thể đánh giá khía cạnh kinh tế, công tác quản lý giám sát trong quá trình thực hiện để dừng kịp thời nếu thấy nghiên cứu không ra kết quả, công tác đánh giá kết quả...

Ảnh: N.V.
Ảnh: N.V.

* PGS.TS Nguyễn Anh Thi (giám đốc Khu công nghệ phần mềm ĐH Quốc gia TP.HCM):

TP phải biết rõ mình muốn cái gì

Đây là một cách làm tốt vì lâu nay đầu tư cho khoa học ở ta rất manh mún. Để một kết quả nghiên cứu khoa học ra đến thị trường cần có thời gian dài và cần đầu tư liên tục. Mặt khác, muốn sản phẩm ra đến thị trường phải có sự đồng hành của doanh nghiệp vì nhà khoa học chỉ có thể làm nghiên cứu và đào tạo.

Có một vài ông thầy làm ăn giỏi, thành công trong việc bán sản phẩm của ông ấy ra thị trường, nhưng số người như thế rất ít vì ông thầy không phải là người làm ăn. Tuy nhiên, để chương trình thành công, ngoài việc có doanh nghiệp cùng tham gia đến cùng, dự án phải được phân đoạn và có đánh giá từng giai đoạn để giảm rủi ro.

Rủi ro không đạt được mục tiêu ban đầu là điều có thể xảy ra, do đó cần phân ra các giai đoạn của dự án và có đánh giá kết thúc mỗi giai đoạn cũng như giải ngân theo từng giai đoạn và doanh nghiệp tham gia dự án cũng phải đóng góp bằng tiền tươi thóc thật chứ không nên để trách nhiệm tài chính cho riêng TP gánh vác.

Trước đây, chúng ta chưa có khung pháp lý rõ ràng cho chuyện này nhưng từ năm 2015 với Luật KH&CN và các nghị định, thông tư hướng dẫn, đã có đủ hành lang pháp lý để đẩy mạnh KH&CN phát triển phục vụ kinh tế - xã hội và TP.HCM đã nắm bắt được cơ hội này.

Tuy nhiên, TP phải biết rõ là mình muốn cái gì và nhất quán trong đầu tư dài hạn, không đơn thuần chạy theo đề xuất từ dưới lên.

H.NHUNG ghi

QUỐC THANH thực hiện ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên