Chính quyền TP.HCM cũng xây dựng những chính sách hỗ trợ tốt nhất có thể cho những người dân bị ảnh hưởng từ đề án di dời nhà trên và ven sông, kênh rạch. Trong đó có cả những trường hợp nhà đất chưa được cấp chủ quyền, mua bán giấy tay (từ 1-7-2014 đến trước ngày 1-8-2024).
Những ngôi nhà tựa thành cầu, bờ kênh
Chạng vạng tối những ngày cuối năm, băng qua những dãy nhà nửa trên bờ nửa dưới kênh ở đường Nguyễn Duy, chúng tôi tìm đến những hộ dân sống bên bờ kênh Đôi. Con kênh đào dài 8,5km này từ lâu bị chê là một trong những dòng kênh ô nhiễm bậc nhất TP.HCM. Nhưng chính dòng kênh này là khơi nguồn cuộc sống của nhiều người.
Dừng chân ở cầu sắt Hiệp Ân 2 trên đường Nguyễn Duy, chúng tôi leo thang sắt xuống một xóm nhỏ nằm dưới chân cầu, có khoảng 6 căn nhà với hàng chục người dân sinh sống. Những ngôi nhà sàn tựa vào bờ kênh, thành cầu, xóm nhỏ đã tồn tại hàng chục năm nay. Ở đây, nói chuyện với nhau khó mà nghe được bởi tiếng ầm ầm từ cây cầu sắt inh ỏi cả đêm lẫn ngày.
Vợ chồng chị Trần Thành Ý Vân (48 tuổi) đã hơn 20 năm sống trong căn nhà dưới chân cầu này. Chị kể nơi này trước đây chỉ có mẫu đất nhỏ bên kênh với 2 - 3 căn nhà.
Sau này, thêm người đến dựng nhà sàn trên kênh sống tạm, dần hình thành một xóm nhỏ. Những căn nhà đều rất chật hẹp, có căn chỉ khoảng 6m2 nhưng có đến 6 - 7 người ở.
Ai cũng quá quen với mùi hôi thối, ruồi muỗi vo ve và tiếng ồn từ cầu Hiệp Ân 2 từ năm này qua tháng nọ. Xe chạy liên tục trên cầu, tiếng sắt va vào nhau... chỉ chờ đến khuya, khi dòng xe thưa dần, cuộc sống bên dưới cầu mới yên bình hơn đôi chút.
Người dân ở đây lao động bằng chân tay, thu nhập ít ỏi nên đời sống vô cùng khó khăn. Cuộc sống tạm bợ này lại kéo dài đến hàng chục năm. Họ cùng tựa vào dòng kênh mà sống. Chỉ là họ thương những đứa con "phải theo cha mẹ mà chịu khổ".
Người dân kênh Đôi khi giải tỏa: Vừa mừng vừa lo
Nhiều tháng qua, đại diện chính quyền địa phương đến thông tin giải tỏa nhà trên và ven sông, kênh rạch, xóm nhỏ thuộc diện phải di dời. Sau khi các hộ dân di dời, TP.HCM sẽ nạo vét, xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường cho con kênh. Tuy có chút lo lắng nhưng chị Vân hy vọng là điều kiện để gia đình chị tìm chỗ ở mới tốt hơn cho các con, cùng mong con kênh sẽ được cải tạo lại, "để người ta thôi chê bai con kênh này nữa".
Ở tuổi 63, bà Nguyễn Thị Thu (người dân trong xóm trọ) lại một lần nữa lo lắng về nơi ăn, chốn ở. Nhưng hầu hết nhà trong xóm đều là nhà sàn dựng tạm trên kênh, không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận. Bà kể sau ly hôn (1996), bà cùng hai con rời quê đến TP.HCM mưu sinh, đã mua lại căn nhà sàn dưới chân cầu Hiệp Ân 2 với giá hơn 1 lượng vàng.
Đứng ở bệ cửa sổ chỉ tay về phía dòng kênh, người phụ nữ nhớ lại những đêm trăng lên cao, nước kênh dâng ngập đến đầu gối. Có thời phải đi mua từng xô nước từ nơi khác về rửa sàn. "Nhưng ở đâu rồi quen đó", cứ vậy bà Thu cùng các con đã trải qua 30 năm bên dòng kênh Đôi.
Căn nhà giờ đây đã được nâng sàn lên cao, thoát được cảnh ngập nước nhưng tiếng ồn trên đầu thì ngày càng nặng hơn. Căn nhà sàn giờ đây là chỗ ở của 8 người, bà Thu làm thêm căn gác lửng nhỏ, kê thêm chiếc bếp, mua ti vi và bàn học cho các cháu.
Những đứa trẻ ở đây đã quen với việc học bài trong tiếng ồn, xem ti vi luôn mở mức lớn. Lâu lâu có con tàu chạy qua, nước đen dưới kênh bắn tung tóe lên sàn. Nhìn qua các khe giữa sàn gỗ, chốc chốc thấy vài bao rác trôi qua. Bà Thu từng dự tính chuyện chuyển đi nơi khác nhưng rồi một sự cố sập nhà hàng xóm khiến bà phải cấp tốc sửa chữa lại nhà mình.
Căn nhà sàn bị sập là của gia đình ông Lê Quang Nghĩa (51 tuổi), cách nhà bà Thu khoảng năm bước chân. Thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, 7 người trong gia đình ông Nghĩa ở nhà phòng dịch, đông người và chất quá nhiều gạo từ thiện, cột gỗ bị yếu, cả căn nhà đổ nhào xuống kênh. Người cũng rơi xuống sông, may không ai bị gì", bà Thu kể.
Căn nhà sàn ấy vỏn vẹn 6m2 được ông Nghĩa mua lại cách đây mấy chục năm, không đủ điều kiện để cấp giấy tờ nay cải tạo căn nhà cho gia đình bà Hoa (70 tuổi) thuê lại với 1,5 triệu đồng/tháng.
Trước thông tin các căn nhà sắp bị giải tỏa, người thì lo mất trắng căn nhà, người lại lo chỗ ở mới, người thì lo không có nhà trọ giá thấp để thuê. Nhưng biết làm sao được, họ cũng hiểu đây là nhà lấn chiếm kênh, phải di dời để cải tạo môi trường. Họ chỉ mong rằng TP.HCM có chính sách hỗ trợ để gia đình có thêm một ít chi phí tái lập lại cuộc sống.
Đáng chú ý, quận 8 đề nghị bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các căn nhà mua bán sang tay trong giai đoạn từ 1-7-2014 đến trước ngày 1-8-2024 và chưa thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất với điều kiện không có tranh chấp, có xác nhận của chính quyền địa phương về hiện trạng đất.
Bồi thường theo giá thị trường
TP.HCM đang xây dựng đề án di dời toàn bộ nhà trên và ven sông, kênh rạch. Trong cuộc họp ban chỉ đạo và tổ công tác xây dựng đề án, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đặt mục tiêu quyết tâm đến năm 2030 phải cơ bản di dời, bố trí tái định cư toàn bộ, khoảng 46.452 căn hộ trên và ven sông, kênh rạch. Việc này nhằm khai thông dòng chảy, cải thiện vệ sinh môi trường, thực hiện chỉnh trang đô thị, khai thác quỹ đất phát triển kinh tế.
Quan điểm của TP.HCM là xây dựng chính sách bồi thường, hỗ trợ theo hướng đối với nhà, đất đủ điều kiện sẽ bồi thường theo giá thị trường và vận dụng tối đa chính sách hỗ trợ theo quy định để thực hiện di dời.
UBND quận 8 cũng đang hoàn thiện đề án đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội và chính sách bồi thường phục vụ cho công tác di dời đối với nhà trên và ven sông, kênh rạch. Trước đó, UBND quận 8 cũng đã đề xuất 22 mức hỗ trợ để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dự án.
Quận 8 cũng đề xuất hỗ trợ với đất ở chưa có giấy chứng nhận, nay bị thu hồi đất đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận nhưng phải thực hiện nghĩa vụ tài chính trừ tiền sử dụng đất. Tuy nhiên khi áp dụng Luật Đất đai mới, thì việc trừ nghĩa vụ tài chính sẽ làm giảm giá trị bồi thường so với trước đây. Do đó quận 8 kiến nghị hỗ trợ thêm mức chênh lệch.
Những chính sách này cũng nhằm giải quyết những lo lắng của người dân bị ảnh hưởng bởi dự án và cũng nhằm thực hiện yêu cầu khi người dân bị thu hồi đất thì phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận