04/05/2025 15:04 GMT+7

Chính phủ phấn đấu giảm ít nhất 20% công chức, viên chức sau sắp xếp bộ máy

Sau sắp xếp tổ chức bộ máy, hệ thống chính trị, nhất là khối hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, phấn đấu giảm tối thiểu 20% công chức, viên chức.

công chức - Ảnh 1.

Chuyên viên chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai tại TP.HCM tiếp người dân đến làm thủ tục về nhà đất - Ảnh: T.T.D.

Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về xử lý vấn đề phát sinh khi sắp xếp tổ chức bộ máy. 

Giảm 203 đơn vị sự nghiệp công lập

Theo báo cáo, Chính phủ đã ban hành 21/22 nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của 14 bộ, 2 cơ quan ngang bộ và 5 cơ quan thuộc Chính phủ, bảo đảm việc triển khai sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy được đồng bộ, kịp thời ngay sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết và đi vào hoạt động từ 1-3-2025.

Về tổ chức bộ máy các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, hiện nay Chính phủ, Thủ tướng đã lãnh đạo, chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan sắp xếp, tinh gọn đầu số tổ chức bên trong theo phương án đã báo cáo.

Kết quả hiện đã giảm 13/13 tổng cục và tổ chức tương đương (giảm 100%); giảm 519 cục và tổ chức tương đương (giảm 77,6%); giảm 219 vụ và tổ chức tương đương (giảm 54,1%); giảm 3.303 chi cục và tương đương chi cục (giảm 91,7%), và giảm 203 đơn vị sự nghiệp công lập.

Chính phủ đánh giá tổ chức bộ máy của Chính phủ khóa XIV (nhiệm kỳ 2021-2026), tổ chức bên trong các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ sau sắp xếp đã cơ bản thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Ban Chỉ đạo Trung ương và phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Việc này bảo đảm nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính gắn với giảm biên chế và cơ cấu, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Về sắp xếp các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, báo cáo nêu đến ngày 10-3-2025, các địa phương giảm 343 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh (giảm 29,1%), giảm 1.454 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện (giảm 17,5%).

Thực hiện nghị quyết 60 của Hội nghị Trung ương lần thứ 11 về thống nhất nội dung đề án sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập cấp xã và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp: cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương), cấp xã (xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố).

Đồng thời kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện từ ngày 1-7-2025 sau khi nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi) có hiệu lực thi hành, theo đó sẽ giảm 100% cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện sau ngày 1-7-2025.

Trước mắt giữ nguyên biên chế cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, xã

Đối với biên chế của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; biên chế của UBND cấp tỉnh, cấp huyện, theo Chính phủ cơ bản sẽ giữ nguyên sau sắp xếp, bảo đảm ổn định để đi vào hoạt động.

Việc tinh giản biên chế sẽ được thực hiện theo kết luận 40 năm 2022 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 - 2026.

Sau sắp xếp tổ chức bộ máy, hệ thống chính trị, nhất là khối hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, phấn đấu giảm tối thiểu 20% công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước để giảm biên chế theo phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy của bộ, ngành, địa phương.

Căn cứ nghị quyết 60 của Hội nghị Trung ương lần thứ 11, trước mắt giữ nguyên số lượng biên chế cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện và cấp xã hiện có để bố trí cho các đơn vị hành chính cấp xã mới sau sắp xếp.

Trong đó có đội ngũ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp huyện hiện nay được bố trí làm nòng cốt tại các đơn vị cấp xã mới. Đồng thời tiến hành rà soát, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, bảo đảm trong thời hạn 5 năm cơ bản theo đúng quy định.

Về số lượng cấp phó của các cơ quan, tổ chức khi sắp xếp tổ chức bộ máy có thể nhiều hơn số lượng tối đa theo uy định hiện hành để tạo điều kiện cho việc bố trí, sắp xếp, đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành hoạt động của các bộ, ngành, địa phương sau sắp xếp và sau 5 năm thực hiện bảo đảm số lượng cấp phó theo đúng quy định.

Chính phủ phấn đấu giảm ít nhất 20% công chức, viên chức sau sắp xếp bộ máy  - Ảnh 2.Đề xuất bỏ thi nâng ngạch công chức, cán bộ xã hiện tại có thể chuyển thành công chức

Dự luật đề xuất bỏ thi nâng ngạch công chức, thay vào đó là cơ chế bổ nhiệm vào ngạch tương ứng với yêu cầu vị trí việc làm được giao đảm nhiệm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên