
Bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn giao lưu trên sân khấu Trò chuyện cùng thời gian - Ảnh: HOÀNG LÊ
Bác sĩ, chiến sĩ, nghệ sĩ Nguyễn Hồng Sơn trở thành nhân vật đầu tiên năm mới 2025 của chương trình Trò chuyện cùng thời gian.
Trong suốt hơn 60 phút, ông chia sẻ nhiều câu chuyện về những lát cắt trong cuộc đời và gửi lời cảm ơn đến mảnh đất, con người Sài Gòn - TP.HCM dang rộng vòng tay để ông có thể học tập, làm việc, cống hiến.
Trò chuyện cùng thời gian ghi hình vào tối 21-2 tại nhà hát Đài truyền hình TP.HCM và được phát sóng lúc 21h45 ngày 27-2 trên HTV9, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam.
Trăn trở của bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn
Thiếu tướng, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Hồng Sơn nguyên là giám đốc Bệnh viện Quân y 175.
Ngoài công việc chuyên môn, ông còn là một nhạc sĩ sáng tác nên rất nhiều ca khúc gửi gắm những tâm tư, tình cảm và những thăng trầm của cuộc đời gắn bó với ngành y của mình.
Chiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn đánh trống bài Ngày mai anh lên đường - Video: HOÀNG LÊ
Trong chương trình, ông chia sẻ những câu chuyện rất chân tình, gần gũi cho thấy chặng đường 40 năm cống hiến gặp nhiều khó khăn nhưng cũng vinh quang.
Đó là sự góp sức của Bệnh viện Quân y 175 trong hành trình phát triển y tế Trường Sa, là những kỷ niệm đau thương không thể nào quên trong tháng chống giặc COVID-19, là câu chuyện về chiến sĩ mũ nồi xanh làm nhiệm vụ quốc tế tại châu Phi.

Nhóm MTV trình diễn bài hát Chiến sĩ mũ nồi xanh - Ảnh: HOÀNG LÊ
Có những lúc ông đã lặng người không nói nên lời vì xúc động khi chia sẻ hành trình gian nan của toàn dân chống giặc COVID-19.
"Tết năm 2022 có những cuộc đoàn tụ lạ. Có gia đình đoàn tụ thành viên đầy đủ, có gia đình thiếu 1, 2 người.
Nhưng có đoàn tụ bằng tro cốt, chỉ có thể thắp một nén hương. Chúng tôi dùng kinh nghiệm giải quyết thảm họa và đã làm hết sức, ứng phó tình huống khó khăn", ông nói.
Bác sĩ trầm ngâm kể về những dự định: "Tôi còn nhiều điều trăn trở. COVID-19 làm chúng ta chậm lại.
Tôi ấp ủ xây dựng hệ thống cấp cứu ngoại viện, bác sĩ gia đình và dưỡng lão cho bà con TP.HCM. Tôi muốn làm nhiều thứ nhưng đôi khi lực bất tòng tâm. Mình làm được gì thì cố gắng hết sức".
Bất ngờ Sơn "trống"
Đan xen những câu chuyện về cuộc đời là những bài hát Vẫn mãi màu áo trắng, Có những tuổi 20 như thế, Huệ đỏ, Sức sống Trường Sa, Chiến sĩ mũ nồi xanh, Cho con tới Brooklyn qua phần trình diễn của ca sĩ Trang Nhung, Phương Anh, Vũ Thắng Lợi, Nguyễn Phi Hùng, nhóm MTV, Nhã Thy - Candy Ngọc Hà.

Ca sĩ Trang Nhung biểu diễn bài hát Vẫn mãi màu áo trắng - Ảnh: HOÀNG LÊ
Điểm chung các ca khúc này là do bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn sáng tác. Đặc biệt, khán giả còn biết đến biệt danh Sơn "trống" do ca sĩ Vũ Thắng Lợi bật mí.
Và dĩ nhiên Sơn "trống" đã thể hiện tài lẻ của mình qua bài hát Ngày mai anh lên đường đầy ngẫu hứng.
Ở những chia sẻ cuối, ông gửi gắm đến thế hệ trẻ: "Chúng ta được sinh ra trong cuộc đời, có trí tuệ, sức khỏe đã là hạnh phúc, đừng để lãng phí điều đó. Các bạn phải có ước mơ, khát vọng và biến nó thành hiện thực.
Khi dấn thân vào ngành y phải chấp nhận thua thiệt. Bác sĩ không phải là người đặc biệt nhưng nghề y là nghề đặc biệt. Theo nghề phải giữ lời thề tinh khiết trong trắng ấy. Chúng ta còn lửa là còn cháy, còn dâng hiến".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận