07/07/2018 08:27 GMT+7

Chiếc xe đạp hơn ba mươi năm bầu bạn với mẹ tôi

TRƯƠNG NHẤT VƯƠNG
TRƯƠNG NHẤT VƯƠNG

TTO - Chiếc xe đạp vẫn đứng lặng lẽ nơi góc nhà kiên nhẫn hơn ba năm rồi chờ mẹ tôi từng ngày, mong mẹ tôi khỏe lại để cùng nó dặm trường…

Chiếc xe đạp hơn ba mươi năm bầu bạn với mẹ tôi - Ảnh 1.

Hơn ba mươi hai năm cái xe đạp kẽo kẹt cùng mẹ tôi sớm tối ngày mưa cũng như ngày nắng - Ảnh: T.N.V

Kính tặng mẹ yêu,

Mẹ tôi là Hoàng Thị Lựu, mười tám đôi mươi, mẹ theo phong trào cùng bạn bè đi thanh niên xung phong, rồi về làm công nhân quốc phòng ở đội 12 Nông trường quốc doanh Phú Sơn, Thanh Sơn (Vĩnh Phú).

Ba tôi là bộ đội tập kết ra Bắc gặp mẹ sinh lần lượt năm thằng con trai. Năm 1978 cả gia đình tôi theo ba về Bình Định sinh sống. Mẹ tôi làm cấp dưỡng ở Bệnh viện Hoài Ân, đến năm 1983 thì nghỉ hưu.

Tích góp tem phiếu của mẹ và tem phiếu của các cô chú cùng cơ quan cho thêm mới mua đủ các bộ phận, lắp ráp lại được chiếc xe đạp nữ là phần thưởng cho mẹ sau mấy chục năm phấn đấu. Ba tôi làm công nhân ở Đài phát thanh huyện, với tính văn nghệ sĩ, ông thích văn thơ, làm trọng tài bóng đá, đánh cờ, uống rượu...

Đến năm 2001 thì ông mất! Một tay mẹ, một xe đạp nuôi năm thằng "ngũ quỷ" là chúng tôi nheo nhóc đang tuổi ăn tuổi học.

Cả huyện thời đó chỉ có một cái cửa hàng chất đốt, bán dầu hỏa qua tem phiếu. Mẹ đến đó mua lại từng lít dầu hỏa của mọi người gom vào từng can, cái đeo, cái cột quanh chiếc xe.

Rồi mẹ đạp đi hơn 20km xuống Bồng Sơn huyện Hoài Nhơn (Bình Định) bán. Đến tối mẹ trở về với một xe chất đầy xu hào, bắp cải, cà rốt, khoai lang tây… bỏ mối ở chợ huyện.

Hạnh phúc nhất là những hôm kho chất đốt nhập dầu. Dầu hỏa từ bồn máy kéo kéo đến được múc từng thùng đổ xuống bồn dưới đất. Dầu chảy lênh láng ra ngoài. Mẹ và anh em tôi đem hết các thau, chậu để hứng.

Dùng bọt biển thấm dầu, cứ căng đầy lại vắt. Mấy chú đứng múc dầu thương, lâu lâu lại cố ý đổ mạnh để dầu tạt ra ngoài cho mẹ con mót thêm được một tý. Dầu nhớt bết cả đầu, mặt mày nhem nhuốc vẫn cười vui vì đến chiều mẹ lại có mấy can dầu chở đi bán.

Những hôm vét bồn, mẹ cùng chúng tôi cứ thay nhau chui vào, chui ra cái bồn dầu hỏa giữa trưa nắng thấm thấm, vắt vắt. Nắng nóng bỏng rát, hơi dầu bốc lên làm mắt chúng tôi muốn lòi cả ra ngoài, nhưng chỉ khi đáy bồn không còn một giọt dầu nào mới chịu thôi.

Còn nhớ, có lần mẹ đi Bồng Sơn chở hàng đến tối mịt vẫn không thấy về. Chúng tôi nhớn nhác như bầy chim con lạc mẹ, hết chạy ra lại chạy vào vẫn không thấy bóng mẹ đâu. Đường thì xa xôi cách trở, giữa hai huyện phải đi qua một đoạn đường đồi núi hiu hắt gọi là Gò Vàng, trộm cướp hoành hành không ai dám đi lại vào ban đêm.

Trời cuối năm tối đen như mực, vậy mà mẹ cùng chiếc xe đạp vẫn đang ở chốn mịt mùng. Nhà thì không có phương tiện gì. Mấy anh em chỉ biết ôm nhau đứa lo, đứa khóc… Rồi có người về báo: Xe mẹ bị xẹp lốp. Mẹ nhắn nhờ ai có xe đi đón hộ.

Anh Tuấn phải chạy bộ hơn cây số, nhờ anh Mai con bà Chúng ở chợ Lục Bài có chiếc xe đòn dông chạy đi chở hàng giúp mẹ. Cuối cùng mẹ cũng được trở về an toàn. Năm anh em lại được chui rúc ngủ ngon lành trong hơi ấm của mẹ. Chiếc xe đạp hiền lành nằm nơi góc phòng với cái lốp xẹp một mình như biết tội vậy.

Cuộc mưu sinh của cả gia đình càng lúc càng khó. Miếng cơm manh áo càng đè nặng lên đôi vai gầy của mẹ và chiếc xe đạp ọp ẹp. Nhà nước bỏ chế độ bao cấp, nhà tôi phải chạy ăn từng bữa chứ không còn được cung cấp như trước…

Cơm độn mì lát thì chúng tôi ăn cơm, còn mẹ ăn mì. Mẹ ra chợ huyện ngồi bán. Mỗi ngày từ lúc 4h30 chiếc xe đạp cùng mẹ ì ạch ra chợ, đến tối mịt mới về. Bà con trong huyện thương mẹ nên hay mua ủng hộ.

Cứ vậy, hơn ba mươi hai năm cái xe đạp kẽo kẹt cùng mẹ tôi sớm tối ngày mưa cũng như ngày nắng. Hơn ba mươi hai năm mẹ và chiếc xe đạp chỉ nghỉ đúng một ngày mùng một tết. Mẹ và chiếc xe đạp chống lại cả những mùa mưa bão, những mùa giá rét căm căm.

Khi anh em chúng tôi còn vùi mình trong chăn ấm áp thì mẹ với cái áo mưa khoác ngoài và chiếc nón lá đẩy chiếc xe đi về phía nhọc nhằn. Hơn ba mươi hai năm để năm anh em tôilớn khôn có vợ, có con và chăm chăm lo vun vén hạnh phúc nhà mình. Mẹ và chiếc xe đạp vẫn là đôi bạn tri kỷ ngày ngày vẫn không rời xa.

Thời gian và tuổi tác nhiều lần đã muốn hạ đo ván mẹ, nhưng bà vẫn ngoan cường chống trả, vẫn cùng cái xe đạp ra chợ những hôm mẹ khỏe. Nhưng mọi người chỉ còn thấy bà Sáu Minh dắt chiếc xe cao hơn người chứ không còn cỡi được nữa…

Năm 2015, anh trai thứ hai của tôi bị tai nạn giao thông đột ngột qua đời. Bao nhiêu lần mẹ đau nằm một chỗ, rồi mẹ lại lầm lũi tự vực dậy nhưng ở tư thế gần như song song với mặt đất. Bao nhiêu đêm mẹ mất ngủ vì những cơn đau xương khớp hành hạ, chúng tôi cũng chỉ biết đứng nhìn mà ruột gan như bị đao kiếm đâm chém mà không biết phải làm gì.

Lễ, tết, hay những ngày nghỉ, anh em tôi lại kéo cả gia đình vợ con về thăm mẹ. Quây quần bên các con các cháu, mẹ vui ăn thêm được lưng bát cơm. Chúng tôi về vội và đi cũng vội. Chỉ thương người mẹ già đau yếu tiễn chúng tôi với đôi hàng lệ kiệt cùng…

Chỉ có chiếc xe đạp ở nhà với mẹ. Nó vẫn đứng đó cần mẫn thủy chung hiếu thảo như ngày nào. Trên thân thể nó cũng đầy dấu vết thời gian, lớp sơn màu xanh ngày xưa giờ chỉ còn loáng thoáng vài chỗ mờ nhạt.

Phần lớn đã bong tróc gần hết chỉ còn những ống sắt han gỉ màu xám xịt. Nơi tay cầm lái là hai ống nhựa đã mòn nhẵn, dấu vết cọ xát của bàn tay mẹ và chiếc xe ghì nắm dìu nhau đi qua bao tháng năm, bao chặng đường gian khổ.

Chiếc xe đạp vẫn đứng lặng lẽ nơi góc nhà kiên nhẫn hơn ba năm rồi chờ mẹ tôi từng ngày, mong mẹ tôi khỏe lại để cùng nó dặm trường…

Mời bạn tham gia viết bài 'Những ký ức đẹp'

Điều gì đã đọng lại trong bạn để trở thành ký ức không thể quên? Gợi nhớ ký ức không phải là khơi lại đống tro tàn. Ký ức đôi khi là hành trang, là chiêm nghiệm... để ta bước tiếp với đôi chân vững chãi. Có những ký ức rất đẹp, cũng có những ký ức khi hồi tưởng lại, ít nhiều trong chúng ta vẫn còn cảm thấy "nợ" người trong cuộc.

Nhằm ghi lại những câu chuyện của chính bạn hoặc của người khác nhưng gây nhiều xúc động trong bạn, Tuổi Trẻ Online kính mời bạn viết bài với chủ đề 'Những ký ức đẹp' cho chuyên mục Bạn đọc làm báo.

Bài viết không giới hạn về thể loại bao gồm: văn xuôi, văn vần, thơ, vè... dài tối đa 1.200 từ (có thể kèm clip, hình ảnh). Những bài viết khi đăng sẽ được trả nhuận bút.

Mọi thư từ, bài viết xin vui lòng gửi về: [email protected] hoặc [email protected]. Thông tin bạn đọc, tài khoản... xin ghi rõ dưới bài viết. Chân thành cảm ơn!

TUỔI TRẺ ONLINE

Mời bạn đọc viết bài chuyên mục "Những ký ức đẹp" Mời bạn đọc viết bài chuyên mục 'Những ký ức đẹp'

TTO - Câu chuyện nào đã đọng lại trong bạn để trở thành quá khứ không thể quên? Nhằm ghi lại những câu chuyện của chính bạn hoặc của người khác nhưng gây nhiều xúc động trong bạn, Tuổi Trẻ Online kính mời bạn viết bài với chủ đề 'Những ký ức đẹp'.

TTO - Câu chuyện nào đã đọng lại trong bạn để trở thành quá khứ không thể quên? Nhằm ghi lại những câu chuyện của chính bạn hoặc của người khác nhưng gây nhiều xúc động trong bạn, Tuổi Trẻ Online kính mời bạn viết bài với chủ đề 'Những ký ức đẹp'.

TRƯƠNG NHẤT VƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên