
Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND quận Tân Phú, TP.HCM - Ảnh: HỮU HẠNH
Về trả lương, ông dẫn lại tại nghị quyết 27/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đã định hướng việc xây dựng hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo để thay thế hệ thống bảng lương hiện hành.
Trong đó xây dựng năm bảng lương theo vị trí việc làm. Gồm một bảng lương chức vụ, áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị (bao gồm cả đơn vị sự nghiệp công lập) từ trung ương đến cấp xã.
Một bảng lương chuyên môn - nghiệp vụ áp dụng đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo.
Ba bảng lương đối với lực lượng vũ trang, trong đó một bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an (theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm hoặc cấp hàm); một bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an; một bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an.
Để trả lương theo vị trí việc làm, điểm "mấu chốt" chính là phải xây dựng và hoàn thiện được vị trí việc làm. Tuy nhiên ông nêu đây là vấn đề rất khó, phức tạp. Thực tế thời gian qua, theo Bộ Nội vụ cho biết, các bộ, ngành, địa phương cơ bản đã phê duyệt đề án vị trí việc làm nhưng còn nặng về hình thức, chưa bảo đảm chất lượng.
Không ít nơi mới chỉ xác định theo hiện trạng như một đơn vị có bao nhiêu người rồi xác định ra vị trí việc làm. Đồng thời chưa xây dựng được danh mục vị trí việc làm, mô tả chi tiết và cụ thể công việc, khung năng lực của vị trí việc làm cũng như gắn với thời gian, kết quả thực hiện các công việc. Chính vì vậy chưa thực hiện được trả lương theo vị trí việc làm.

TS Nguyễn Tiến Dĩnh
Ông nêu lại việc thực hiện theo kết luận của 83/2024 của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ quyết định chưa thực hiện trả lương theo vị trí việc làm mà từ 1-7-2024 đã tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng (tăng 30%).
Bộ Chính trị cũng giao các cơ quan sơ kết, nghiên cứu, đề xuất thực hiện bảng lương mới theo vị trí việc làm phù hợp để trình trung ương xem xét sau năm 2026 khi Bộ Chính trị ban hành và triển khai thực hiện hệ thống danh mục vị trí việc làm trong hệ thống chính trị.
Tại dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, Bộ Nội vụ đề xuất bỏ quản lý cán bộ, công chức theo ngạch mà chuyển sang quản lý theo vị trí việc làm, như vậy theo ông Dĩnh, việc trả lương sẽ phải thực hiện theo vị trí việc làm.
Cụ thể khi bỏ ngạch công chức sẽ không còn chuyên viên cao cấp và tương đương, chuyên viên chính và tương đương, chuyên viên và tương đương, cán sự và tương đương, nhân viên và ngạch khác theo quy định của Chính phủ. Thay vào đó là vị trí việc làm là chức vụ, chức danh, công việc của một cán bộ, công chức gắn với chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị... Đồng thời khi trả lương theo vị trí việc làm sẽ bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương như hiện nay.
"Lâu nay chúng ta đang quản lý công chức theo kiểu chức nghiệp, tức là sau khi một người được tuyển vào công chức sẽ nhận khoản lương dựa trên lương cơ sở nhân với hệ số lương, rồi sau bình quân ba năm lại lên một bậc. Nếu được bố trí giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo thì công chức được thêm hệ số lương trách nhiệm...
Điều này dẫn đến câu chuyện "sống lâu lên lão làng" - cán bộ công chức càng làm lâu, do tuần tự nâng lương nhiều dẫn đến hệ số lương và bậc lương càng cao hay một việc nhiều người làm, chồng chéo...
Nhưng khi trả lương theo vị trí việc làm thì việc này sẽ không còn nữa. Vị trí việc làm nào, kết quả thực hiện công việc ra sao thì được hưởng lương đó theo công việc và hiệu quả, trách nhiệm của công việc, không nhất thiết phải đi theo thứ bậc hay điểm xuất phát...", ông Dĩnh nêu rõ.
Xác định vị trí việc làm là rất cấp bách để xác định mức chi trả lương
Ông Dĩnh cũng nhấn mạnh việc trả lương theo vị trí việc làm và chức danh là cách làm khoa học, cả thế giới đang làm, song quan trọng nhất là cách thực hiện. Việc xác định vị trí việc làm chuẩn xác sẽ là cơ sở để định biên chuẩn.
Tức là phải dựa trên vị trí việc làm, các cơ quan chức năng mới xác định được cần bao nhiêu đầu mối làm việc trong một cơ quan, mỗi đầu mối cần bao nhiêu biên chế, bao nhiêu lãnh đạo, bao nhiêu chuyên viên... Đồng thời mỗi vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh cần tính toán hoàn thiện. Trên cơ sở đó để xác định mức lương cho từng vị trí, từng công việc.
"Xác định vị trí việc làm là rất cấp bách. Khi làm xong trước thì mới thực hiện chuyện khác được, trong đó có tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy cũng như nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức", ông Dĩnh nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận