11/11/2022 08:55 GMT+7

Chây ì thi hành án làm khổ dân

ÁI NHÂN
ÁI NHÂN

TTO - Dù bản án có hiệu lực pháp luật từ năm 2014 nhưng UBND quận 9 (cũ) đã không thực hiện phán quyết của tòa, khiến người dân phải lao đao tiếp tục khởi kiện.

Chây ì thi hành án làm khổ dân - Ảnh 1.

Ông Võ Văn Dũng cùng mẹ - bà Phụng - vất vả khi đeo đuổi vụ án hành chính - Ảnh: A.NHÂN

Đến khi tiếp tục có bản án có hiệu lực buộc chính quyền phải thi hành án cho dân thì đến lượt TP Thủ Đức chây ì không thi hành, khiến người dân phải thưa kiện, kêu cứu khắp nơi tám năm nay.

Vụ án này, báo Tuổi Trẻ đã từng phản ánh trong bài "Án có hiệu lực vẫn chưa thi hành" (Tuổi Trẻ ngày 8-11-2015). Có thể nói đây là vụ việc điển hình về sự gian nan của người dân khi khởi kiện, đòi thi hành án hành chính.

Thua kiện, ra quyết định mới "chống" án

Bà Huỳnh Thị Phụng (đã mất tháng 12-2020) là chủ khu đất 566 xa lộ Hà Nội, khu phố 1, phường Phước Long A, TP Thủ Đức, TP.HCM.

Năm 2012, UBND quận 9 ra quyết định thu hồi 1.350m2 đất của bà Phụng để làm dự án mở rộng xa lộ Hà Nội của UBND TP.HCM. Trong số đó có 353m2 đất do UBND quận 9 cho rằng đất lấn chiếm nên không đền bù. Bà Phụng khởi kiện ra TAND quận 9 yêu cầu UBND quận 9 bồi thường phần đất trên. Sơ thẩm, TAND quận 9 bác yêu cầu của bà Phụng. Tháng

10-2014, TAND TP xử phúc thẩm đã xác định diện tích đất trên không phải là đất lấn chiếm mà là đất phi nông nghiệp, đã được sử dụng ổn định từ năm 1975. 

Bản án ngày 21-10-2014 của TAND TP buộc UBND quận 9 phải điều chỉnh các quyết định trước đó để bồi thường bổ sung cho bà Phụng diện tích đất trên theo mục đích sử dụng là đất phi nông nghiệp. 

Tuy nhiên UBND quận 9 chưa chịu thi hành án vì cho rằng đang đề nghị Viện KSND tối cao, TAND tối cao xem xét giám đốc thẩm.

Báo Tuổi Trẻ đã phản ánh về việc UBND quận 9 lần lữa thi hành án vào tháng 11-2015. Sau đó, cuối tháng 12-2015 thì UBND quận 9 đã ra quyết định số 6 (do phó chủ tịch Nguyễn Văn Thành ký) bồi thường bổ sung cho bà Phụng nhưng lại áp giá đất nông nghiệp. 

Bà Phụng phải cầu cứu khắp các cơ quan để yêu cầu UBND quận 9 phải ra quyết định bồi thường đúng phán quyết bản án nhưng không có kết quả. Bà Phụng lại tiếp tục khởi kiện quyết định này của UBND quận 9.

Tháng 10-2017, TAND TP.HCM xử sơ thẩm theo quy định Luật tố tụng hành chính có hiệu lực từ ngày 1-1-2017 (kiện hành chính quyết định của UBND cấp huyện thì Tòa án cấp tỉnh xử sơ thẩm). 

Đáng ngạc nhiên là lần này tòa TP đã bác yêu cầu của bà Phụng trong khi trước đó cũng tòa này đã tuyên cho bà Phụng thắng. 

Đến tháng 6-2020, TAND cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm đã ra bản án (số 187) tuyên sửa án sơ thẩm của TAND TP.HCM, buộc UBND quận 9 bồi thường cho bà Phụng 353m2 đất loại đất phi nông nghiệp.

Lại điệp khúc "chờ giám đốc thẩm"

Đoạn trường khiếu kiện của bà Phụng cứ ngỡ đã kết thúc có hậu khi có bản án số 187 có hiệu lực thi hành ngay. Nhưng việc thi hành bản án vẫn còn dây dưa đến tận bây giờ.

Căn cứ bản án phúc thẩm, bà Phụng đã yêu cầu UBND quận 9 thi hành án. Tuy nhiên, UBND quận 9 trả lời cho bà Phụng rằng ngày 18-9-2020 UBND quận 9 đã gửi đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm bản án 187 lên chánh án TAND tối cao và viện trưởng Viện KSND tối cao. 

Đồng thời khẳng định sẽ xem xét giải quyết trường hợp của bà Phụng sau khi có ý kiến của Viện KSND tối cao và TAND tối cao. Cuối năm 2020, do tuổi cao và bệnh già bà Phụng đã qua đời, ông Dũng - con trai bà Phụng - thừa kế quyền và nghĩa vụ của bà Phụng.

Sau một thời gian yêu cầu thi hành án, tháng 5-2021 ông Nguyễn Hữu Anh Tứ, phó chủ tịch UBND TP Thủ Đức (do quận 9 đã sáp nhập vào), có văn bản thông báo đến cho ông Dũng. 

Theo đó, ông Tứ khẳng định: "Sau khi chánh án TAND tối cao, viện trưởng Viện KSND tối cao có ý kiến đối với đơn ngày 18-9-2020, UBND TP Thủ Đức sẽ xem xét, giải quyết theo quy định". "Đến lượt UBND TP Thủ Đức là lần thứ ba họ viện cớ đề nghị xem xét giám đốc thẩm bản án để chây ì việc thi hành án cho mẹ tôi. Tôi đã gửi đơn khiếu nại, cầu cứu đến rất nhiều cơ quan như thi hành án, tòa án, lãnh đạo TP.HCM... nhưng sự việc vẫn giậm châm tại chỗ", ông Dũng bức xúc nói.

Về phần Cục Thi hành án dân sự TP.HCM cũng đã có văn bản (năm 2020) yêu cầu UBND quận 9 phải thi hành án và phải thông báo kết quả cho Cục Thi hành án, TAND TP, Viện KSND TP và khẳng định: "Việc chậm hoặc không chấp hành bản án, quyết định của tòa án về vụ án hành chính thì tùy từng trường hợp sẽ bị xử lý trách nhiệm theo quy định tại chương III, nghị định 71/2016/NĐ-CP...".

Mới đây, TAND TP.HCM đã tiếp nhận đề nghị của ông Dũng để yêu cầu tòa án ra quyết định buộc thi hành bản án. 

Còn Văn phòng UBND TP.HCM cũng có văn bản thông báo cho ông Dũng là đã chuyển yêu cầu thi hành bản án cho TP Thủ Đức xem xét, giải quyết vì "vụ việc không thuộc thẩm quyền của chủ tịch UBND TP.HCM". "Không biết khi nào vụ án của mẹ tôi mới được thi hành. Tám năm qua không thể nói hết nỗi cơ cực của mẹ con tôi theo đuổi vụ án...", ông Dũng nói.

Đề nghị cấp thẩm quyền xử lý trách nhiệm chây ì thi hành án

Luật sư Hà Hải, phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng đặc thù đối với thi hành án hành chính là không áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án do đối tượng thi hành án là cơ quan chức năng nhà nước.

Cơ quan thi hành án chỉ có thể đôn đốc, nhắc nhở đối với cơ quan chức năng chứ không thực hiện cưỡng chế buộc thi hành án. Vì vậy, việc không ít bản án có hiệu lực nhưng cơ quan chức năng nhà nước chây ì, trì hoãn thi hành là thực trạng.

Đối với cơ quan, tổ chức, công chức, viên chức... chậm hoặc không chấp hành bản án thì sẽ bị xử lý trách nhiệm (kỷ luật, hành chính, hình sự tùy trường hợp) căn cứ quy định nghị định 71/2016/NĐ-CP.

Vì vậy, trường hợp trên ông Dũng có thể khiếu nại lên cơ quan thi hành án các cấp để thực hiện việc đôn đốc, nhắc nhở TP Thủ Đức về việc thi hành án.

Mặt khác, ông Dũng có thể phản ánh đến lãnh đạo UBND TP.HCM là cấp trên của UBND TP Thủ Đức để yêu cầu xem xét xử lý trách nhiệm của TP Thủ Đức vì chậm, không chấp hành bản án.

"Ai cũng biết theo quy định bản án đã có hiệu lực pháp luật thì phải thi hành ngay. Việc cơ quan chức năng nói chờ ý kiến của Tòa tối cao, Viện KSND tối cao xem xét đề nghị giám đốc thẩm là cố tình lấp liếm, trì hoãn thi hành án...".

Án có hiệu lực vẫn chưa thi hành Án có hiệu lực vẫn chưa thi hành

TT - Bản án phúc thẩm của TAND TP.HCM buộc UBND Q.9 phải điều chỉnh các quyết định để bồi thường bổ sung nhưng hơn một năm qua vẫn chưa được thi hành.

ÁI NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên