12/11/2003 06:30 GMT+7

Cuộc thi "Danh nhân đất Việt": Bất ngờ con số 92.643

THI NGÔN
THI NGÔN

TT - Ngày 15-9-2003 - ngày cuối cùng nhận bài tham dự cuộc thi “Danh nhân đất Việt” theo quy định ban đầu - là một ngày đáng nhớ. Ban tư tưởng - văn hóa Thành đoàn TP.HCM chật ních người, điện thoại đổ liên tục, bạn trẻ khắp nơi gọi về hỏi có thể gia hạn thêm vài ngày không vì “các chi đoàn ở xa quá không kịp gửi trong ngày” hay “ngoại em mới biết đây nên nhờ hỏi có còn kịp dự thi không”...

gi6s6dfP.jpgPhóng to
Dựng lại một hoạt cảnh xưa trong hội thi "Quận 1 xưa và nay" - Ảnh: Thi Ngôn
TT - Ngày 15-9-2003 - ngày cuối cùng nhận bài tham dự cuộc thi “Danh nhân đất Việt” theo quy định ban đầu - là một ngày đáng nhớ. Ban tư tưởng - văn hóa Thành đoàn TP.HCM chật ních người, điện thoại đổ liên tục, bạn trẻ khắp nơi gọi về hỏi có thể gia hạn thêm vài ngày không vì “các chi đoàn ở xa quá không kịp gửi trong ngày” hay “ngoại em mới biết đây nên nhờ hỏi có còn kịp dự thi không”...

Không khí rất “tình thương mến thương” và vì “phong trào mà” nên Ban Tổ chức đã quyết định gia hạn thêm hai tuần. Vậy mà đến ngày 15-10-2003 vẫn còn nhiều bài rải rác gửi về. Thể lệ ghi rõ người dự thi từ 14-35 tuổi nhưng thực tế đã thu hút rất nhiều thí sinh tuổi 40, 50, thậm chí trên 60 tuổi, có học sinh mới lớp 6 cũng gửi bài đọ sức.

“Tưởng cuộc thi lịch sử sẽ không hấp dẫn mấy, nào ngờ... Thành phần đa dạng: công nhân viên, nhà văn, nhà thơ, sinh viên, học sinh, thợ may, buôn bán, nội trợ...” - anh Phan Thành Hổ, phó Ban tư tưởng - văn hóa Thành đoàn TP.HCM, vui vẻ cho biết. Nhiều tỉnh thành đoàn đã phát động cuộc thi tại địa phương, câu hỏi gửi xuống tận chi đoàn, chi hội tạo thành phong trào tìm hiểu lịch sử sôi nổi.

Anh Phan Thanh Hậu (Quảng Nam) đã đóng bài thi thành một cẩm nang quy mô với 82 trang, trong đó có 20 bài minh họa cho 20 câu hỏi trắc nghiệm; anh Trần Văn Chiến (Tây Ninh) kỳ công trình bày bằng mực tím 68 trang cho cả hai phần thi... Rất nhiều bài được chăm chút kỹ lưỡng, nhiều hình ảnh về Bác Hồ, các danh nhân, di tích lịch sử liên quan... được sưu tầm công phu.

Cũng có bài chỉ vỏn vẹn 140 chữ, gọn lỏn một mặt giấy học trò của anh thợ tiện Trần Tôn Hoàng (Cam Ranh); làm bài luận kiểu... vè của học sinh Phạm Khắc Đôn: “Ngoại thành Bình Chánh quê em, nhật báo Tuổi Trẻ em xem mỗi ngày, Thành đoàn tổ chức thi tài, Danh nhân đất Việt viết bài gửi đi..., trước lo phụ giúp mẹ cha, sau ra xã hội chúng ta thành tài...”; hay chỉ là “bài trơ” (không có bài luận) của sinh viên khiếm thính Đoàn Phạm Khiêm (TP.HCM), của tập thể học sinh làng Sảng I (xã Tả Sìn Thàng, Tủa Châu, Lai Châu)...

Có một... “cuộc chiến” cũng bắt đầu từ đấy. Câu hỏi mở ra một diễn đàn lớn. “Giỏi sử có giúp ta sống được trong cuộc đời bề bộn thông tin và cái mới này?” - bạn Nguyễn Thành Nhân (CLB Lý luận trẻ NVH Thanh niên) chất vấn. “Tự hào về nền văn hóa, con người VN sẽ có một hoài bão, khát vọng lớn hơn, ý chí thực hiện mạnh mẽ hơn”, “để có thể cống hiến, sẵn sàng làm mọi việc vì đồng bào, vì Tổ quốc”; “Tìm hiểu lịch sử là học cái đạo lý của ông cha, để tự hào mình là con Lạc cháu Hồng, giúp ta sáng suốt và dũng cảm nhìn lại mình, nhận ra những yếu kém, khiếm khuyết để sửa đổi” (Nguyễn Văn Học - TP.HCM, bán vé số)... Mỗi bài viết đều có cách viện dẫn riêng của mình và đều đáng được trân trọng.

Tính đến hết ngày 30-9-2003 (hạn chót nộp bài thi) - sau hơn hai tháng phát động, Thành đoàn TP.HCM đã nhận được 92.643 bài từ ấp, xã, thị trấn của hầu hết các tỉnh thành trong cả nước gửi về dự thi.

Các vị giám khảo ai cũng nhăn trán trong phần góp ý. Nhiều phàn nàn thật lòng khiến những ai quan tâm đến lịch sử dân tộc cũng phải suy nghĩ: “Lịch sử được giảng dạy từ cấp tiểu học đến đại học hiện nay rất cứng nhắc, khô khan, người học tiếp thu thụ động”, “sách lịch sử trình bày thiếu tính hấp dẫn”, “lịch sử hiển hiện trong cuộc sống hôm nay phần nhiều là trên những trang sách giáo khoa với những dòng chữ khô khốc vô hồn”...

Tuy vậy, cuộc thi nhận được vô vàn sáng kiến: từ vĩ mô như “đẩy mạnh việc xây dựng các cụm bảo tàng, tôn tạo các khu di tích lịch sử (Từ Thanh Phong - Bình Định), dựng phim lịch sử hoành tráng (Hồ Hùng Phi - Bình Phước), đến tầm tầm như “kết hợp những buổi sinh hoạt ngoại khóa, gặp gỡ, nói chuyện chuyên đề với các nhân vật lịch sử, câu đố vui, tham quan, du lịch, du khảo về nguồn, thăm viện bảo tàng” (Nguyễn Thành Nhân, TP.HCM) hay kiểu mộc mạc, chân chất “các cuộc thi hoa hậu cần có những phần thi về lịch sử dân tộc để những người đẹp VN tìm hiểu sâu sắc về lịch sử nước nhà” (bà nội trợ thích lịch sử Đào Thị Nguyệt - Hóc Môn, TP.HCM), những trò chơi mô phỏng lịch sử, giải ô chữ của những bạn sinh viên năng động...

Đoạn kết một cuộc thi quả là có hậu. Một câu hỏi lớn cũng được chính các thí sinh đặt ra cho nhau: “Có phải là đại họa không khi một công dân VN sống trên đất nước VN mà lại không tường tận lịch sử nước nhà” - bức xúc này của thí sinh Nguyễn Văn Thế (buôn bán, TP.HCM).

THI NGÔN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên