10/01/2017 13:44 GMT+7

Chạnh lòng tết Việt ở nhà... 'người dưng'

PHẠM MINH HIỀN
PHẠM MINH HIỀN

TTO - Những ngày Tết là những ngày đầm ấm và hạnh phúc. Được về đoàn tụ với gia đình là điều hạnh phúc nhất. Tuy nhiên, không phải ai cũng có được may mắn đó.

Khu chợ tết ở thương xá của người Việt Phước Lộc Thọ (Asian Garden Mall) tại Nam California (Mỹ) mỗi năm luôn có mai vàng là nơi để bà con người Việt tìm về với cội nguồn - Ảnh: KHANG AN

Chín lần mai nở rộ cũng là 9 năm phải đón tết ở nhà người dưng, bạn đọc Phạm Minh Hiền cho rằng thật may mắn cho ai vẫn còn có gia đình, vẫn còn có cha mẹ, ông bà, anh chị và còn có một nơi để về đón Tết. 

Dưới đây là hồi ức về ngày Tết cổ truyền của dân tộc được bạn Phạm Minh Hiền gởi đến chuyên mục phản hồi tham gia diễn đàn đón Tết Nguyên đán trên Tuổi Trẻ Online:

"Những ngày Tết là những đầm ấm và hạnh phúc. Một năm làm việc có quá chuyện vui buồn, khó khăn, mệt nhọc... nhưng khi được về đoàn tụ với gia đình là điều hạnh phúc nhất.

Vui nhất vào các ngày 27 tháng Chạp trở đi, được cùng với mọi người trong nhà dọn dẹp, chùi rửa, lau dọn bàn thờ, trang hoàng lại nhà cửa... với tôi, đó là những ngày Tết ý nghĩa.

Hình ảnh ngày Tết luôn giữa mãi trong lòng, bên hông nhà có nồi bánh tét đang nấu. Phía sau bếp, má đang kho nồi thịt bằng nước dừa và má đang mở hủ dưa kiệu... để chuẩn bị cho mâm cơm trưa ba mươi.

Ngoài sân, cây mai đang nở vàng rực, toả mùi hương ngọt lịm. Vài con gà đang mổ thóc dưới góc mai, tiếng máy cu-le dưới kênh chạy ngang làm đàn gà giật mình, tủa ra chạy đủ hướng.

Đời người có hai thứ không thể nào quên, là âm thanh, là mùi hương. Những mùi hương và âm thanh ấy là cả tuổi thơ của một miền quê trong ký ức!

"Tết là phải về, Tết là được đoàn viên" - câu nói ấy nghe rất nhiều, nghe bất cứ nơi đâu vào những ngày này. Thế nhưng... tôi, lại không còn nơi để về. Chín lần mai nở rộ sau nhà bà chủ, là chín năm tôi có cái Tết ở nhà người dưng.

Cũng hòa vào gia đình nhà ông bà chủ, cũng tất bật dọn dẹp mọi thứ với mọi người để có không khí Tết. Sáng ba mươi năm ngoái, bà chủ biểu tôi ra chợ mua ba trái dưa, lựa trái cho thiệt đẹp.

Tôi thấy kỳ, nhà ông bà chủ chỉ có bàn thờ tổ, mọi năm chỉ trưng cập dưa trên bàn thờ, nhưng sao năm nay lại mua ba trái? Đến giờ cúng ông bà trưa ba mươi, bà chủ dọn riêng cho tôi một mâm cúng, bà nói: "Mâm này cô dành riêng cho bây để cúng ba má... ".

Tôi bất ngờ, bà chủ lại nói thêm: "Có gì đâu, bây không còn nơi để về thì ở đây cũng là nhà, bây lo cúng kiến để ấm lòng hương khói ba ngày Tết...".

Tết là vậy đó, thật may mắn cho ai vẫn còn có gia đình, vẫn còn có cha mẹ, ông bà, anh chị và còn có một nơi để về. Về mà ăn Tết với gia đình, đầm ấm ngày cuối năm, sung túc ngày đầu năm, tôi nghĩ... không riêng tôi ao ước đâu, đó là mong ước chung của ngày Tết cổ truyền.

Những mảnh đời mồ côi, bất hạnh chắc chắn không phải một mình tôi, đâu đó có rất nhiều trong xã hội, may mắn lắm ta mới có một chỗ ở, chỗ làm tốt bụng.

Thôi thì..., hãy coi nơi ấy là gia đình, là nhà, biết đâu ấm lòng người lang bạt!"

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Đón Tết Nguyên đán như thế nào là tiết kiệm, văn minh, đồng thời không mất đi lễ nghĩa, truyền thống của dân tộc, chuyên mục Cùng làm báo chờ đón những chia sẻ, câu chuyện, ý kiến của mọi người.

Mời bạn gởi ý kiến của mình trong phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email về địa chỉ: [email protected]. Cảm ơn bạn!

Với mình, bạn chọn xu hướng nào? Mời bạn điền vào ô thăm dò dưới đây:

[poll width="450px" height="250px"]256[/poll]

PHẠM MINH HIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên