
Bố và con gái - Ảnh: NVCC
"Ông Lang có nhớ lúc bọn mình đánh giáp lá cà ở cánh đồng Sấp Bông không? Nghĩ lại hồi ấy thấy mình khỏe, tuổi thanh niên trai tráng khỏe thật".
Câu nói của ông lọt vào tai tôi chỉ có thế, bởi tôi mải chạy theo hàng xóm đi chơi, chiếc Huân chương Kháng chiến hạng nhì của ông treo trên tường loang loáng.
Chuyện hai bác của tôi
Ông tôi sinh năm 1925, từng tham gia kháng chiến chống Pháp ở Điện Biên. Trước khi ra chiến trận ông bà đã kịp có hai người con là bác Khoát và bác Hoạt. Kháng chiến chống Pháp trở về, ông bà sinh thêm năm người con trong đó có mẹ tôi, các dì và cậu út.
Kháng chiến chống Mỹ, hai bác tôi đi bộ đội. Bác Khoát là chiến sĩ lái xe mặt trận phía tây. Mẹ tôi vẫn giữ thư bác gửi về cho đứa em gái mà bác yêu quý nhất. Chiến tranh kết thúc, thật may mắn bác trở về lành lặn. Cả một đời lính lái xe của bác, lúc trở về mang theo cái vô lăng và chiếc gương chiếu hậu tháo ra từ chiếc ô tô cũ để làm kỷ niệm.
Bác Khoát lấy bác Vinh - người con gái hẹn thề ở ngay xóm bên. Chị Minh ra đời cuối năm 1975, đánh dấu mốc cho một cuộc trở về, hòa bình lập lại.
Bác Hoạt kém bác Khoát hai tuổi. Hồi bác Khoát là lính lái xe thì bác Hoạt là lính bộ binh ở mặt trận Tây Nguyên. Những ngày cuối tháng 4-1975 hòa bình cận kề trước mắt, vậy mà sau trận đánh Buôn Ma Thuột hôm ấy bác Hoạt trở về, trí nhớ chẳng còn như xưa.
Mẹ tôi kể hồi trước bác Hoạt vui tính lắm, thỉnh thoảng còn biết đánh đàn, làm thơ. Nhưng bác chưa có người yêu, mới 18 tuổi xung phong đi bộ đội, khi trở về lại trở thành thương binh hạng nặng hưởng trợ cấp toàn phần của Nhà nước. Bác Thu là bạn thân của mẹ tôi, vì cảm mến tính tình hiền lành của bác Hoạt mà nhất định lấy anh bệnh binh ấy.
Hai bác sinh được mỗi chị Hiền, bác Hoạt quý chị Hiền lắm, đi đâu cũng cõng trên lưng. Nhưng vết thương trong đầu bác ngày một trở nặng, bác hay khóc lóc gọi tên đồng đội rồi tưởng tượng mình đang ở chiến trận. Lúc nào bị như thế bác lại lấy gậy làm súng, miệng hô vang: Xung phong! Cả nhà đưa bác đi trại thương binh ở mãi tận Hà Nam.
Mẹ tôi hay kể cho tôi về những chuyện ngày xưa của bác, cuối câu chuyện bao giờ mẹ cũng thở dài: "Chiến tranh đã cướp mất đi bác Hoạt và trả về cho gia đình mình một con người thật khác, không phải là bác Hoạt nữa rồi".
Thoáng chốc đã hết một đời, bác Hoạt vừa ra đi năm ngoái sau cơn bạo bệnh từ những vết thương cũ trong cơ thể tái phát chưa lành. Mộ bác nằm cùng các liệt sĩ trên nghĩa trang quê hương tôi.
Và chuyện của bố tôi
Bố tôi, người tôi muốn kể sau cùng, cũng là một thương binh hạng 3/4. Một nửa bàn tay của bố đã nằm lại nơi chiến trường, nơi chiếc hầm địa đạo chạy dài quanh co uốn lượn.
Hồi còn ngồi trên ghế nhà trường tôi yêu thích môn lịch sử nhưng bố tôi bảo chẳng thú vị bằng lịch sử bố kể cho tôi nghe. Trận Tết Mậu Thân 1968, bố tôi là anh pháo binh thuộc trung đoàn 6, quân khu Trị Thiên. Nhưng trận đánh đó diễn ra ác liệt, cả tiểu đội chỉ còn mình bố sống sót.
Bố ngất lịm trên cánh đồng đất Huế, lúc tỉnh ra, tìm đường về căn cứ trên người chỉ còn mỗi chiếc quần đùi. Bom đạn nổ rung trời, cánh đồng đất nâu màu bàng bạc. Thật may mắn chiến tranh chỉ lấy đi một nửa bàn tay của bố tôi, bố vẫn trở về quê hương xây dựng cuộc sống hòa bình.
Sau này mỗi lần nắm bàn tay của bố, tôi hay trêu: "Bố không có đường chỉ tay, thầy bói không xem được số phận". Bố lại cười: "Chiến tranh, được sống, chiến đấu và trở về đã là một may mắn, cần chi xem cuộc đời nữa đâu con gái".
Có phải vì thế mà bố tôi luôn trân quý cuộc sống này, bố thường tìm đến niềm vui thay vì để nỗi buồn chen lấn. Bố chỉ buồn khi nghĩ về đồng đội của mình đã ngã xuống năm xưa.
Tôi vẫn nghe câu chuyện chiến tranh bố kể mỗi ngày như một niềm say mê để ghi nhớ thay bố tôi, một thời ký ức đạn bom bố đã từng trải qua. Gia đình tôi cũng như rất nhiều gia đình khác trên khắp quê hương Việt Nam đều có song song hai mảnh thời gian đan xen là quá khứ và hiện tại.
Quá khứ để nhắc về một thời các chiến sĩ đã từng chiến đấu và hy sinh để bảo vệ mỗi tấc đất trên quê hương Việt Nam, có như thế ta mới sống tốt cho hiện tại để hướng tới tương lai tươi sáng hơn vì một nền hòa bình, độc lập, tự do và hạnh phúc.
Cảm ơn bạn đọc gửi bài dự thi Kể chuyện hòa bình
Nhân kỷ niệm 50 năm hòa bình, cuộc thi viết Kể chuyện hòa bình (báo Tuổi Trẻ tổ chức, Tập đoàn Cao su Việt Nam đồng hành) để bạn đọc gửi đến những câu chuyện xúc động, khó phai của từng gia đình, từng con người cũng như tâm tư về ngày thống nhất 30-4-1975, về 50 năm hòa bình.
Cuộc thi dành cho tất cả người Việt Nam trong và ngoài nước, không giới hạn độ tuổi, nghề nghiệp.
Kể chuyện hòa bình nhận bài viết tối đa 1.200 chữ bằng tiếng Việt, khuyến khích kèm theo ảnh, video minh họa gửi đến email [email protected]. Chỉ nhận bài qua email, không nhận qua đường bưu điện để tránh thất lạc.
Bài dự thi chất lượng sẽ được lựa chọn đăng trên các sản phẩm của Tuổi Trẻ, được nhận nhuận bút và các bài qua vòng sơ khảo sẽ được in thành sách (sách không trả nhuận bút - không bán). Bài dự thi phải chưa từng tham gia bất kỳ cuộc thi viết nào khác và chưa từng được đăng trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội.
Tác giả gửi bài chịu trách nhiệm về bản quyền của bài viết, ảnh và video dự thi, không nhận ảnh video minh họa lấy từ trên mạng xã hội không có bản quyền. Tác giả phải ghi địa chỉ, điện thoại, email, số tài khoản, số căn cước công dân để ban tổ chức liên lạc, gửi nhuận bút hoặc giải thưởng.

Tính đến hết ngày 2-4, cuộc thi viết Kể chuyện hòa bình đã nhận được hơn 300 bài dự thi của bạn đọc.
Lễ trao giải và ra mắt sách Kể chuyện hòa bình
Ban giám khảo gồm các nhà báo, nhà văn hóa tên tuổi cùng đại diện báo Tuổi Trẻ sẽ xét duyệt chấm giải từ các bài đã qua sơ khảo và chọn trao thưởng cho những bài dự thi chất lượng.
Lễ trao giải, ra mắt sách Kể chuyện hòa bình và đặc san báo Tuổi Trẻ 30-4 dự kiến tổ chức tại Đường sách TP.HCM vào cuối tháng 4-2025. Quyết định của ban tổ chức là quyết định cuối cùng.
Giải thưởng Kể chuyện hòa bình
- 1 giải nhất: 15 triệu đồng + giấy chứng nhận, sách, đặc san Tuổi Trẻ.
- 2 giải nhì: 7 triệu đồng mỗi giải + giấy chứng nhận, sách, đặc san Tuổi Trẻ.
- 3 giải ba: 5 triệu đồng mỗi giải + giấy chứng nhận, sách, đặc san Tuổi Trẻ.
- 10 giải khuyến khích: 2 triệu đồng mỗi giải + giấy chứng nhận, sách, đặc san Tuổi Trẻ.
- 10 giải bạn đọc bình chọn: 1 triệu đồng mỗi giải + giấy chứng nhận, sách, đặc san Tuổi Trẻ.
Số điểm bình chọn được tính dựa trên tương tác với bài viết, trong đó 1 sao = 15 điểm, 1 tim = 3 điểm, 1 like = 2 điểm.
Các giải thưởng còn được kèm giấy chứng nhận, sách, đặc san Tuổi Trẻ 30-4.
Ban tổ chức
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận