-
Blog Khởi nghiệp: Câu chuyện gọi vốn cộng đồng (phần 1)
Gọi vốn cộng đồng đem lại nhiều lợi ích cho khởi nghiệp - Ảnh minh họa: BoxyRoom |
Thứ nhất, chiến dịch gọi vốn cộng đồng là cơ hội vô cùng quý giá để khảo sát thị trường. Ngoài việc khảo sát được mức độ đón nhận của thị trường như giải thích ở bài trước, doanh nghiệp còn thu về những dữ liệu nghiên cứu thị trường vô cùng quý giá khác.
Ví dụ, trong chiến dịch gọi vốn cộng đồng, các bạn có thể thử nghiệm 1-2 ngày với mức quyên góp thấp hơn bình thường, và quan sát xem số lượng người mua có tăng lên nhiều không? Điều này giúp đánh giá được mức giá nào là hợp lý nhất, người tiêu dùng phản ứng với giá như thế nào (price elasticity of demand)? Doanh nghiệp còn có thể thử nghiệm xem thị trường sẽ đón nhận những dòng sản phẩm khác nhau như thế nào. Như trong trường hợp công ty Misfit, khoảng giữa chiến dịch, công ty mình đưa ra Shine màu đen và bán với số lượng có hạn và bán với giá đắt hơn. Số Shines màu đen này bán hết trong vòng vài ngày, chứng tỏ khách hàng sẵn sàng chi tiền thêm để được lưa chọn màu, và mức giá có khả năng tăng lên vẫn có người mua.
Thứ hai, chiến dịch gọi vốn cộng đồng là cơ hội làm PR và marketing vô cùng quý giá. Mặc dù sản phẩm chưa có mặt trên thị trường nhưng báo chí, người tiêu dùng và thị trường đã bàn tán về sản phẩm và háo hức mong chờ những tính năng mới. Nói một cách khác, về mặt tiếp thị, nhờ gọi vốn cộng đồng mà quá trình tiếp cận thị trường được đi trước khoảng nửa năm, đến lúc sản phẩm Misfit được sản xuất, hệ thống bán lẻ (Apple stores toàn cầu) đã để dành sẵn chỗ trong hệ thống cửa hàng của họ để bán sản phẩm Shine.
Một lợi thế không nhỏ khác là sản phẩm khi ra đời đã có sẵn một lượng người hâm mộ (fan) đáng kể, là những người đã đóng tiền mua sản phẩm từ trước khi sản phẩm được thành hình. Những khách hàng này vốn dĩ là người yêu công nghệ, họ sẽ hết lòng ủng hộ sản phẩm trên mạng xã hội và khuyến khích những người dùng khác.
Ảnh minh họa: Entrepreneur.com |
Thứ ba, nhờ có gọi vốn cộng đồng, bài toán "dự đoán" (forecasting) sẽ bớt hóc búa hơn cho người nắm về tài chính. Thử thách lớn nhất cho người làm tài chính là làm sao biết đặt hàng bao nhiêu cho lô hàng đầu tiên? Nếu đặt nhà máy sản xuất quá ít, sản phẩm vừa mới ra đời mà đã không có hàng bán thì công ty sẽ vuột mất cơ hội quý giá bán vào các hệ thống bán lẻ, làm chậm đà phát triển của doanh nghiệp. Nếu đặt nhà máy sản xuất quá nhiều, vốn của doanh nghiệp sẽ bị kẹt vào hàng, mà trong hoàn cảnh của doanh nghiệp start-up khi nguồn vốn còn ít, tình huống này có thể dẫn đến mất thanh khoản, dẫn đến phá sản.
Trong trường hợp của Misfit, chương trình gọi vốn cộng đồng bán được 10.000 sản phẩm, nên mình cũng tự tin hơn để đặt lô hàng đầu tiên khá lớn, và nhờ vậy có nhiều lợi thế hơn về chi phí vì đặt lô hàng lớn. Những lô hàng sau thường dễ dự đoán hơn, do nhu cầu thị trường sẽ đi vào bình ổn.
Để khép lại bài viết này, mình khuyến khích các bạn hãy nhìn về bài toán gọi vốn cộng đồng nhiều hơn là một công cụ tài chính gây vốn. Hãy nhìn nó từ góc nhìn marketing, hãy xem đó là cơ hội quý giá để xây dựng phi đạo vững vàng cho sản phẩm, cho doanh nghiệp start-up của mình cất cánh.
Bài viết được chị Lê Diệp Kiều Trang, Giám đốc Tài Chính & Chiến Lược của Misfit Wearables, chia sẻ với Blog Khởi nghiệp. * Những chia sẻ hoặc thắc mắc liên quan đến các vấn đề Khởi nghiệp, bạn đọc có thể gửi về địa chỉ: [email protected]. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận