Ông Nguyễn Bá Thanh - Ảnh tư liệu Tuổi Trẻ |
Đây là cuốn sách vốn được bạn đọc trông đợi, nhất là sau khi ông Nguyễn Bá Thanh qua đời và nhà văn Thái Bá Lợi cho đăng phần đầu của cuốn sách trên Tuổi Trẻ Online (tháng 2-2015).
Tuổi Trẻ có cuộc trò chuyện với tác giả.
* Thưa nhà văn Thái Bá Lợi, dù ngay trên trang bìa cuốn sách đã ghi rõ đây là tiểu thuyết và tất nhiên tiểu thuyết không phải là đời thật, nhưng hầu như độc giả nào đọc xong Câu chuyện Đà Nẵng cũng không khỏi thắc mắc: đây là tiểu thuyết hay truyện ký?
- Câu hỏi này cũng đã có người đặt ra. Trước sau tôi vẫn khẳng định đó là một cuốn tiểu thuyết vì kết cấu của nó gần gũi với tiểu thuyết truyền thống, còn hơn cả các cuốn tiểu thuyết trước đó của tôi.
Chỉ có khác là tôi lấy bối cảnh thành phố Đà Nẵng, nhiều nhân vật là cảm hứng từ những con người thật, có phần quen thuộc với đời sống xã hội những năm qua.
Tôi cũng không đưa họ vào tiểu thuyết y nguyên như cuộc sống ngoài đời của họ. Cũng chỉ vài ba nhân vật làm người đọc liên tưởng đến những nguyên mẫu mà họ từng biết, phần lớn các nhân vật còn lại là sản phẩm của sáng tạo văn chương.
Cuốn tiểu thuyết này có nhiều tuyến nhân vật mà tôi đã chuẩn bị kỹ càng để giúp tôi chuyển tải những điều mình muốn tâm sự tới người đọc, chứ không phải chỉ những người lãnh đạo thành phố Đà Nẵng.
Tôi tự thấy trong Câu chuyện Đà Nẵng, hình tượng nghệ thuật được chăm chút hơn, ngôn ngữ làm tốt hơn các tiểu thuyết trước.
Sách do NXB Hội Nhà Văn ấn hành - Ảnh: MINH TỰ |
* Có thể hình dung ông đã rất khó khăn khi bắt tay viết cuốn tiểu thuyết này, bởi dù nhà văn có khẳng định đây là tiểu thuyết thì người đọc vẫn nghĩ rằng Câu chuyện Đà Nẵng là câu chuyện thật. Dù nhân vật Ba Danh là nhân vật của tiểu thuyết, nhưng người đọc vẫn mặc định đó chính là ông Nguyễn Bá Thanh.
- Đúng là bạn đọc nhận ra ngay nhân vật Ba Danh là nguyên mẫu ông Nguyễn Bá Thanh ngoài đời. Trong nhiều năm, tôi thường gặp ông Thanh để nghe ông nói chuyện đời, như cách nói của ông. Những chuyện ông kể đã ám ảnh tôi.
Con người đặc sắc này xứng đáng có chỗ đứng trong những trang văn tôi viết về Đà Nẵng, một đề tài ấp ủ từ lâu. Tôi đã có hơn 40 năm sống ở đây, nên thành phố này luôn thôi thúc tôi phải viết cái gì về nó.
Có thể ví tôi đã làm trước cái nền của bức tranh, kể cả khung tranh bằng các tuyến nhân vật nhiều lớp mà nguyên mẫu là bạn bè, những người thân quen, tôi đã suy ngẫm về họ một thời gian dài. Hình tượng chủ tịch Ba Danh chỉ là nét chấm phá cuối cùng để bức tranh hoàn thành.
* Dường như Câu chuyện Đà Nẵng không hư cấu nhiều lắm, như thể “có gì ghi lại nấy”. Có phải là vì câu chuyện Đà Nẵng và chuyện ông Bá Thanh sinh động đến mức không cần phải hư cấu thêm nhiều nữa?
- Hiện thực cuộc đời phong phú và sinh động hơn bất cứ cuốn sách nào. Nếu người đọc có cảm giác những điều viết trong sách là sự thật, lôi cuốn được họ là dấu hiệu nhà văn có được lòng tin của người đọc, chia sẻ được với họ điều đã viết ra.
Đúng là một thành phố như Đà Nẵng và những con người như ông Nguyễn Bá Thanh có quá nhiều chi tiết sinh động, tôi cũng chẳng phải hư cấu gì nhiều, chỉ chọn lọc, sắp xếp vào đúng bối cảnh của cuốn sách để chuyển tải đến người đọc những điều mà mình muốn gửi gắm.
* Cuốn sách của ông chỉ mới kể câu chuyện của Đà Nẵng trong giai đoạn từ sau năm 1975 đến 2000, khép lại khi chiếc cầu quay Sông Hàn vừa khánh thành và vụ án liên quan đến việc thi công chiếc cầu cũng vừa khởi tố. Người đọc vẫn có cảm giác rằng đây chỉ mới là tập 1 của Câu chuyện Đà Nẵng. Thưa nhà văn, ông có nghĩ là phải viết tiếp Câu chuyện Đà Nẵng không, nhất là giai đoạn tiếp sau đó với những diễn biến sôi động hơn?
- Trước ngày lâm bệnh, trong một lần gặp ở Hà Nội, ông Thanh có nói với tôi: “Nghe nói anh có viết gì về anh em tui phải không? Viết hay không là quyền của anh, nhưng tui nghĩ chưa nên xuất bản vào lúc này”.
Ông Thanh nói thế, nhưng tôi biết là mình cần phải khẩn trương làm tư liệu và bắt tay vào viết. Đến khi ông qua đời, tôi cũng mới chỉ viết được một phần. Tôi trích những đoạn ghi chép về ông đăng trên báo Tuổi Trẻ Online trong những ngày đám tang ông.
Tôi kết thúc bối cảnh tiểu thuyết của mình vào ngày 29-3-2000, kỷ niệm 25 năm giải phóng Đà Nẵng và khánh thành cầu Sông Hàn. Tôi nghĩ đây là thời kỳ thử thách dữ dội của sự phát triển Đà Nẵng, có thể theo hướng này, cũng có thể theo hướng khác.
Những người cộng sự của chủ tịch thành phố bị bắt, bản thân chủ tịch thành phố cũng có những cơ quan chức năng đề nghị xử lý.
Từ điểm nóng này sẽ bộc lộ tính cách của các nhân vật và người viết có thể gửi gắm tâm sự của mình với thời cuộc, với mảnh đất và con người ở đây.
Với tôi, dù có hàng ngàn trang tư liệu, hàng trăm câu chuyện hấp dẫn mà chưa tìm được cái tứ, cái chủ đề, hay nói nôm na là điều mình muốn nói với người đọc thì chẳng cần viết làm gì.
Tôi đồng cảm với nhiều bạn đọc là sau ngày 29-3-2000 Đà Nẵng có nhiều chuyện hấp dẫn, độc đáo, những thành tựu Đà Nẵng có được chủ yếu ở thời kỳ này. Nhưng viết tiếp về nó hay không thì như đã nói, tôi không thể hứa trước được.
Nhà văn Thái Bá Lợi cho biết: “Nhiều bạn đọc ở Đà Nẵng cảm nhận được sự chân thành của tôi với thành phố này. Họ nói cách tiếp cận nhân vật của tôi sòng phẳng, khách quan, bình đẳng. Nhà thơ Phan Hoàng Phương thì nói: “Đây là cuốn sách viết về những người kiệt sức vì điều đẹp đẽ”. Một số anh em là cộng sự gần gũi với ông Bá Thanh cho đến những ngày cuối cùng nói tôi đã chạm được một phần tâm sự sâu kín của ông ấy”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận