14/05/2025 06:20 GMT+7

Cannes mở màn với phim được vỗ tay 5 phút nhưng gây chia rẽ giới phê bình

Phim nhạc kịch Leave One Day (Partir Un Jour) của đạo diễn Amélie Bonnin trở thành 'phát súng' mở màn Liên hoan phim Cannes lần thứ 78.

Cannes mở màn với phim được vỗ tay 5 phút nhưng gây chia rẽ giới phê bình - Ảnh 1.

Hai diễn viên chính (Juliette Armanet, phải) và đều là những gương mặt quen thuộc với người Pháp nhưng vẫn còn xa lạ với khán giả thế giới - Ảnh: Liên hoan phim Cannes

Với câu chuyện về ký ức, gia đình và lựa chọn giữa quê hương và khát vọng cá nhân, Leave One Day mang đến không khí đậm đà chất Pháp cho ngày đầu tiên của Liên hoan phim Cannes

Đây là tác phẩm đầu tay của nữ đạo diễn người Pháp, chuyển thể từ phim ngắn cùng tên từng thắng giải César.

Dù nhận được tràng pháo tay kéo dài đến tận 5 phút từ hội trường của Cannes, phim vẫn nhận về những phản ứng trái chiều từ giới phê bình.

Phim theo chân Cécile (do nữ ca sĩ kiêm diễn viên Juliette Armanet thủ vai), một đầu bếp nổi tiếng đang chuẩn bị mở nhà hàng đầu tiên của mình ở Paris. 

Khi hay tin cha mình bị đau tim, cô buộc phải trở về vùng quê phía Bắc nơi cả gia đình cùng điều hành một quán ăn truyền thống. 

Chuyến hồi hương khiến cô phải đối mặt với những ký ức, mâu thuẫn cũ và xúc cảm chưa dứt với tình cũ. Câu chuyện được kể lại bằng hình thức nhạc kịch, với những ca khúc Pháp thập niên 1990 xen lẫn những bản nhạc gốc do chính Armanet thể hiện.

Nồng nàn chất Pháp nhưng chia rẽ giới phê bình tại Cannes

Peter Bradshaw của tờ The Guardian không ngần ngại gọi đây là "một con gà tây béo ngấy", ví von chỉ trích sự lạc điệu trong cả câu chuyện lẫn âm nhạc. Ông cho rằng các bài hát trong phim "thiếu linh hồn", không đủ cảm xúc để dẫn dắt câu chuyện. 

Bradshaw đặc biệt phê phán nhân vật chính, cho rằng dù là đầu bếp ngôi sao hay người con trong gia đình nấu các món bình dân thì Cécile vẫn không thuyết phục: "Cô ấy không thể khiến khán giả tin và quan trọng hơn cả là không đủ thú vị".

Trailer phim Leave One Day

Trái ngược với quan điểm gay gắt đó, cây bút Damon Wise của tờ Deadline lại nhìn nhận Leave One Day với cái nhìn cảm thông và đánh giá tích cực hơn. Ông gọi đây là một phim "khá đáng yêu, đầy chất hoài cổ" và có thể sẽ "gây bất ngờ trong lòng khán giả Pháp". 

Damon Wise cho rằng đạo diễn Bonnin đã tạo nên một câu chuyện cá nhân, không phô trương mà chân thành, với các yếu tố quen thuộc như mối quan hệ cha con, sự giằng xé giữa quê hương và khát vọng, cùng tình yêu cũ chưa nguôi.

Ben Croll (của tờ IndieWire) lại có cái nhìn khác, xem Leave One Day như một phim thường được gửi đi thi Sundance: một nhân vật thành thị quay về quê, đối mặt với những lựa chọn sống còn, được kể bằng ánh sáng tự nhiên, nhạc pop và chút hoài niệm của văn hóa đại chúng. 

Cannes - Ảnh 2.

Tuy không nổi bật về mặt nội dung, Leave One Day vẫn làm tốt vai trò là bản nhạc đánh thức hoài niệm của nhiều khán giả yêu phim/nhạc thuộc thế hệ Gen Y - Ảnh: Liên hoan phim Cannes

Dù cho rằng phim không đủ sức tạo "cú hích quốc tế", Croll thừa nhận tác phẩm có duyên, nhiều đoạn cảm động, và đặc biệt phù hợp với khán giả đồng điệu về mặt thế hệ - những người lớn lên với âm nhạc của Stromae hay Celine Dion thời D'eux.

Theo Croll, phim như một "chiếc băng cassette chứa hoài niệm", dễ tạo cảm xúc nhờ hiệu ứng nhận diện từ những giai điệu quen thuộc. 

Và dù khán giả quốc tế không hiểu lời, họ vẫn có thể cảm nhận được cảm xúc qua chất liệu hình ảnh được quay theo phong cách phim tiêu dùng Pháp thập niên 1990 - mang lại cảm giác "mất phương hướng trong thời gian" mà ai từng trở về quê sau nhiều năm xa cách cũng có thể đồng cảm.

Cannes - Ảnh 3.

Liên hoan phim Cannes hứa hẹn sẽ sôi động hơn từ ngày thứ hai khi những phim cạnh tranh cho giải Cành cọ vàng bắt đầu trình chiếu - Ảnh: Liên hoan phim Cannes

Tuy nhiên, cả ba nhà phê bình đều đồng thuận ở điểm: Leave One Day là lựa chọn mang đậm màu sắc địa phương cho đêm khai mạc Cannes. 

Không có sao quốc tế, không phải bom tấn nghệ thuật, phim đại diện cho hướng đi mới của Cannes - đề cao cá nhân, tiếng nói trẻ và bản sắc Pháp. Việc lựa chọn Bonnin, một đạo diễn mới nổi với ít tên tuổi, càng nhấn mạnh chiến lược này.

Dù bị chia rẽ trong giới phê bình, Leave One Day vẫn là một mở màn đáng nhớ: một tác phẩm dịu dàng, nhiều hoài niệm, vừa đủ dư vị ngọt ngào cho đêm khai mạc nhưng cũng đủ gây tranh luận để bắt đầu mùa lễ hội phim ảnh sôi động kéo dài 10 ngày tới.

Với những khán giả đang chờ đợi những phim tạo được cơn sốt, trở thành những tuyệt tác mới cho chặng đường đến Oscar thì có vẻ như chúng ta vẫn phải kiên nhẫn chờ đợi xem Liên hoan phim Cannes năm nay còn những mỹ vị gì đang chờ được chiêu đãi.

Cannes mở màn với phim được vỗ tay 5 phút nhưng gây chia rẽ giới phê bình - Ảnh 4.Thời đại cuồng dã qua cửa kiểm duyệt, người đẹp Thư Kỳ lần thứ 3 sải bước ở Cannes

Việc Thời đại cuồng dã góp mặt ở Liên hoan phim Cannes lần thứ 78 đánh dấu bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của Thư Kỳ, mở ra cơ hội để cô chạm tới ngôi vị Nữ diễn viên xuất sắc nhất.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên