02/09/2003 15:33 GMT+7

Chúa đảo Đào Hoa

YẾN TRINH
YẾN TRINH

TT (Đồng Tháp) - Ngày ấy, khi người ta đang có chủ trương khai hoang thì ông lại tiên phong trồng và bảo vệ rừng. Khi người ta ào ào đổ ra thành thị thì ông lại lôi công nhân về với đồng bưng... Ông tự nhận mình là “điên”! Cũng nhờ “điên” mà giờ đây giữa cánh đồng đất “chết”, một trung tâm văn hóa thu nhỏ của Đồng Tháp Mười, một ốc đảo xinh đẹp, hiện đại, một khu du lịch mùa nước nổi đang mọc lên...

mHc5s9kZ.jpgPhóng to

Ông Ba Bé bên cây tràm Úc - một loại cây được chiết xuất làm mỹ phẩm

TT (Đồng Tháp) - Ngày ấy, khi người ta đang có chủ trương khai hoang thì ông lại tiên phong trồng và bảo vệ rừng. Khi người ta ào ào đổ ra thành thị thì ông lại lôi công nhân về với đồng bưng... Ông tự nhận mình là “điên”! Cũng nhờ “điên” mà giờ đây giữa cánh đồng đất “chết”, một trung tâm văn hóa thu nhỏ của Đồng Tháp Mười, một ốc đảo xinh đẹp, hiện đại, một khu du lịch mùa nước nổi đang mọc lên...

Ngược dòng và Đào Hoa đảo

Từng ở đợ chăn trâu, đi bộ đội rồi làm giảng viên Đại học Y dược TP.HCM, dược sĩ Nguyễn Văn Bé vẫn mê lắm vùng đất Tây Nam bộ - nơi đã sinh ra ông.

Năm 1983, ông quảy balô về làm giám đốc Xí nghiệp dầu tràm Mộc Hóa. Xí nghiệp có nhiệm vụ vừa chiết dầu tràm làm kinh tế vừa phải khai hoang rừng tràm. Song song đó, xí nghiệp nghiên cứu dược liệu để chữa các bệnh ung thư.

Nhiều năm đơn vị được bạn bè trong và ngoài nước khen ngợi làm ăn hiệu quả. Đùng một cái, Ba Bé thôi không chặt tràm nữa trong khi ai cũng bảo “chặt đi!”. Ông chịu tội là đi ngược lại với chủ trương của Nhà nước.

Xuất phát từ ý nghĩ “khai phá đất hoang để phát triển kinh tế đất nước là một điều cần thiết, nhưng sự mở mang thường đi cùng với sự hủy hoại môi sinh...”, ông giữ và trồng lại từng cây tràm. Từ đó, những cánh rừng tràm xanh lại gọi chim chóc bay về, động vật hoang dã cũng còn nơi cư trú.

Ngay lúc ấy, UBND tỉnh Long An yêu cầu trả đất vì xí nghiệp đã không khai thác đúng như chủ trương. Ông Ba Bé phải vác đơn kêu các ngành chức năng... và đến tháng 1-2001, Trung tâm Nghiên cứu - bảo tồn & phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười được thành lập.

Trung tâm có tổng diện tích 1.041ha, trong đó 600ha rừng tràm, hơn 200 thảm thực vật; đến mùa có hàng triệu con chim bay về, nhiều loại có tên trong Sách đỏ như giang sen, điên điển... Bên cạnh đó, trung tâm lưu giữ hầu hết các loại cá, ong mật, hoẵng, rắn, rùa, trăn... Ngoài khu rừng bảo tồn, nơi đây còn có khu nghiên cứu, trồng, chế biến dược liệu...

Giải thích về cái tên Đào Hoa đảo, ông Ba Bé cười xòa: “Gọi vậy cho đẹp, cho hay để lấn đi cái cảm giác hoang sơ, khó khăn buổi đầu”.Thật vậy, khu bảo tồn bị cô lập với bên ngoài bởi hệ thống kênh. Đặc biệt, hòn đảo ấy không hề có bóng dáng một cành đào. Có chăng chỉ là những lùm hoa mua tim tím, những đài sen ngan ngát đang vươn mình khỏi đầm lầy.

Điều đặc biệt, đường vào khu trung tâm lúc nào cũng râm mát dưới bóng giàn hoàng anh, chanh dây, đậu biếc... Từ kênh nhìn lên, đảo hiện ra thật lộng lẫy với những bông hoa vương giả nhất của xứ khỉ ho cò gáy này.

Cạnh đó, khu khách sạn, nhà hàng với kiến trúc sang trọng do chính ông giám đốc vẽ và công nhân ở đảo xây nên. Có thể nói đây là công trình mới nhất, đảo đang bắt đầu làm du lịch!

Ông Ba Bé cho biết VN có lợi thế về rừng tràm đứng hàng nhất nhì thế giới. Vả lại, hằng năm ĐBSCL đều có mùa nước nổi là đặc trưng không đâu có được. “Tại sao chúng ta không biến khó khăn thành cơ hội!?”. Du lịch mùa nước nổi chủ yếu mang tính giới thiệu phong cảnh đặc biệt của VN với bè bạn thế giới. Tháng chín này khu du lịch chính thức hoạt động.

Du khách sẽ được bơi xuồng đi giữa rừng tràm ngắm những đàn chim bay chít đầu, thám hiểm “đường mòn kháng chiến”, thăm vườn “hoa thơm cỏ lạ”, vào rừng săn mật ong... Ông Ba còn đang làm qui chế du lịch mà theo ông là có lợi cho người nông dân.

Tham quan khu du lịch, du khách không phải mua vé mà chỉ mua lá sen, lá chuối, vừa để chống chất thải không phân hủy như bao nilông, vừa có việc làm cho trẻ con vùng nước nổi.

Ông giám đốc chân đất

Khó ai đoán ra người hằng ngày mặc quần xà lỏn, đi chân đất, lái bo bo ào ào ngoài kênh kia là ông giám đốc “đi nước ngoài như đi chợ”. Không nói tới chuyện xuất ngoại, ở đây ông là ông nội, ông ngoại của gần 20 đứa cháu. Đó là con của những công nhân mà ông cưu mang, đứng ra cưới gả.

Hiện trung tâm có 120 công nhân, đa số không trình độ, không nghề nghiệp, mồ côi... Có người thất cơ lỡ vận như anh Tư Trò. Nợ nần chồng chất, anh Tư đã mang chai thuốc rầy ra bờ ruộng toan tự vẫn. Ông đã khuyên nhủ, đem cả gia đình dâu rể về làm công nhân. Ông còn đứng ra làm giấy lãnh nợ, giúp họ giữ tiền và gửi về quê trả dần.

Lại có công nhân người S'Tiêng từng làm lâm tặc, có thiếu phụ Khơme ôm con tìm đến, có anh chàng nghiện quyết ra đảo để cai thuốc... Những cuộc đời ấy đều được ông thu nhận.

Ông gọi những công nhân ở đây bằng “con”, để ý mua cho họ từng cái tủ, cái bàn... Không là quan hệ giữa chủ và người làm công, ông ngồi cùng một bàn, ăn cùng một mâm với công nhân. Ông cho rằng “có hai cái mà con người không nên phân biệt đối xử, đó là ăn uống và chữa bệnh, bởi vì họ đều là con người”. Sự giản dị và gần gũi như ruột thịt của ông đã cảm hóa cả những con người có quá khứ đen tối.

Thật vậy, họ đã sống lành như đất. Cứ sáng đi làm, chiều chơi thể thao, tối lại lên lớp học phổ cập, nghe giám đốc nói chuyện hay chơi đờn ca tài tử...

Thành công nhất của ông giám đốc chân đất này là dạy được người “dốt” làm kỹ thuật, mà còn là kỹ thuật cao. Có ai ngờ những con người còn đi học phổ cập tiểu học ấy lại làm được những loại thuốc xuất đi nước ngoài. Đến nay trung tâm đã bào chế trên 20 loại thuốc xuất khẩu.

Ông gọi chung chung việc mình làm là “kỹ nghệ giáo dục”. Mỗi ngày ông dành nửa giờ dạy thực hành cho mỗi khâu. Cách dạy của ông có thể nói là hiện đại với phương châm “trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một làm”. Sẵn máy quay, máy chụp, trung tâm làm hẳn phim khoa giáo để giờ học thực tế và sinh động.

Có những môn học ông lại dạy bằng mô hình. Công nhân nào chưa biết chữ, mỗi tối ông giám đốc lại đích thân dạy họ đọc, viết từng chữ cái. Hầu hết công nhân của trung tâm đã được phổ cập tiểu học. Ông đang tính chuyện cho họ vào lớp 6.

Nhiều người dân nơi đây thường nói rằng đã mang ơn ông từ cái ngày ông vác balô vào đào kênh, lập đảo, xây Trường tiểu học Hương Tràm. Rồi ông phải đi xin cho trẻ được miễn học phí, được phát tập sách hằng năm. Ông lại tìm đầu ra cho cây đay, cây tràm giúp dân địa phương. Ngày nay, khi người ta ít làm bao bố, cây đay mất thị trường, ông lại tác động xin mở một nhà máy bột giấy đay.

Những ngày này trung tâm đang xúc đất xây thêm khu thể thao và hồ bơi. Ông giám đốc còn mua một đống mốp làm phao để kết hợp với các trường tiểu học phổ cập bơi lội cho các em vì mùa nước nổi sắp về. Nơi đây cũng đang xây dựng một trạm y tế.

Ông Ba cũng đang chuẩn bị xây khu tháp mười tầng với mong muốn khu tháp trở thành biểu tượng cho Đồng Tháp Mười. Theo đó, tất cả những tinh hoa văn hóa, văn học nghệ thuật cùng những sinh hoạt xã hội đặc trưng sẽ được tái hiện như một Đồng Tháp Mười thu nhỏ.

Ông giám đốc chân đất, ông “chúa” của đảo đất phèn ấy vẫn còn nhiều dự định ở tuổi 53. Cả cuộc đời dường như ông không giữ gì cho riêng mình, cả cái huy hiệu “Vì sức khỏe nhân dân” người ta đã điền sẵn bản thành tích, vậy mà lần lữa mãi ông vẫn không chịu ký tên.

“Từ đời ông cha mình làm ra ca dao, tục ngữ, có ai ghi tên đâu. Mình làm cho dân, miễn nó có ích và đi vào lòng người lao động là được rồi”.

YẾN TRINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên