23/02/2025 08:19 GMT+7

Cẩn trọng bẫy lừa đảo theo cơn sốt đồng tiền Pi

Dù có thể đang ôm hàng nghìn đồng tiền Pi, người dùng cũng không dễ trở thành triệu phú. Đó là chưa kể những rủi ro bủa vây theo cơn sốt của đồng tiền ảo này.

Cẩn trọng bẫy lừa đảo theo cơn sốt đồng tiền pi - Ảnh 1.

Một người dùng đang sở hữu hơn 1.700 đồng Pi trong tài khoản của mình - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tính đến 16h30 ngày 22-2, đồng Pi được giao dịch quanh mức giá 0,86 USD. Với nhiều nhà đầu tư, mức giá hiện tại không quá bất ngờ, vì nó phản ánh đúng bản chất của dự án này.

Công nghệ blockchain hay chỉ là một meme coin?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Xuân Tiến - phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Chi hội blockchain TP.HCM - cho biết phần lớn số Pi người dùng "đào" được vẫn đang bị khóa đến năm 2027, vì vậy khả năng bán toàn bộ số Pi hiện có để thu về tiền mặt là không thể diễn ra ngay lúc này.

Trung bình các ví của một người dùng cơ bản dao động vài chục, vài trăm đến vài nghìn Pi, nếu quy đổi theo giá đồng Pi trên sàn hiện giờ (khoảng 0,86 USD) cũng không đủ tạo ra triệu phú.

"Nhiều người có thể mơ mộng pi sánh ngang với bitcoin vào một ngày đẹp trời để họ có thể trở thành tỉ phú nhưng khi đó Pi Network phải vượt qua nhiều thách thức không nhỏ về công nghệ của một dự án blockchain", chuyên gia này nói.

Ông Tiến phân tích thêm Pi Network đang hoạt động tương tự meme coin (loại tiền mã hóa có sự biến động khá cao, giá trị tăng giảm phụ thuộc phần lớn vào sự ảnh hưởng của cộng đồng trực tuyến và không có tính ứng dụng).

Giao dịch hiện tại của Pi Network mang tính tập trung và dễ bị kiểm soát. Pi Network vận hành node (các thiết bị điện tử như máy tính, laptop, điện thoại... có thể tương tác và kết nối với nhau để tạo thành một mạng lưới blockchain) có kiểm soát, tức là nhóm phát triển có thể tự tạo giao dịch.

Đồng thời Pi Network yêu cầu KYC (xác thực người dùng) để có thể tham gia mạng mainnet (mạng lưới chính thức của blockchain). Đây là điểm khác biệt với các đồng tiền mã hóa khác, nơi mà ai cũng có thể tham gia vào mạng mà không cần xác minh danh tính.

"Việc lưu trữ danh tính phi tập trung có thể dẫn đến rủi ro rò rỉ hoặc bị sử dụng vào mục đích khác. Nếu một tổ chức vận hành kiểm soát quá trình KYC, hoàn toàn có thể kiểm soát quyền truy cập vào mạng lưới. Trong trường hợp Pi Network tăng phi mã, người dùng có thể bị kiểm soát quyền bán", ông Tiến nhận định.

Còn với những người mua lại Pi trên sàn để chờ tăng giá, nếu dự án không có phương thức tạo ra ứng dụng thực tiễn, lành mạnh, tạo giá trị thặng dư thì việc đầu tư Pi Network tiềm ẩn rất nhiều rủi ro tài chính từ việc bơm thổi giá.

Cẩn trọng bẫy lừa đảo theo cơn sốt đồng tiền Pi - Ảnh 2.

Nhiều người sở hữu đồng tiền Pi đang rất quan tâm tới giá và giao dịch - Ảnh minh họa

Cẩn trọng với app độc hại "đội lốt" Pi Network

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia về tài chính cho rằng đồng Pi được quảng cáo rất "kêu", tuy nhiên việc đầu tư vào tiền mã hóa luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, không chỉ riêng đồng pi.

Tại Việt Nam, tiền mã hóa chưa có tính pháp lý, không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Do vậy chưa có cơ quan quản lý, kiểm soát, cũng không có sàn giao dịch chính thức. Một khi giao dịch trên các sàn phi chính thức thì nếu không rành rẽ, am hiểu rất dễ rơi vào bẫy lừa đảo.

"Đến khi sự việc xảy ra thì không được pháp luật bảo vệ. Hiện nay đào Pi là miễn phí nhưng sau khi đào còn phải qua nhiều bước khác như mở khóa để tiền vào ví rồi từ ví chuyển lên giao dịch ở những sàn giao dịch uy tín, phải có tài khoản giao dịch tiền điện tử... Muốn tham gia, nhà đầu tư cũng phải am hiểu nhất định", vị chuyên gia cảnh báo.

Còn theo ông Trần Xuân Tiến, thành công của Pi Network về việc xây dựng cộng đồng có thể bị những mô hình lừa đảo sao chép.

"Lúc này thay vì miễn phí, người dùng có thể sẽ bị dẫn dắt nạp tiền vào từ đó xuất hiện rủi ro tài chính. Hiện đã có một số token giả mạo phát hành trên các sàn phi tập trung lẫn tập trung.

Nếu Pi Network không có thông báo cụ thể, người dùng có thể giao dịch nhầm những token giả này. Tương tự, các app chứa mã độc cũng sẽ sử dụng mô hình tương tự pi network để mời gọi người dùng cài app và bị chiếm quyền truy cập. Đây là hình thức lừa đảo phổ biến nhất trong thời gian qua", ông Tiến cảnh báo.

Ông Hoàng Xuân Hương, giám đốc công nghệ Công ty bảo mật an ninh mạng VNetwork, khuyến cáo người tham gia cần lưu ý cẩn trọng trước những chiêu trò lừa đảo tinh vi dưới dạng kỹ thuật xã hội đánh vào tâm lý con người.

"Người dùng cần xem xét kỹ trước khi tham gia vào các mô hình đầu tư tiền ảo huy động vốn theo mô hình đa cấp hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bạn cần hết sức cảnh giác và tỉnh táo trước những lời mời gọi tham gia đầu tư sinh lời cao.

Ngoài ra có thể xuất hiện các app giả mạo Pi Network, chứa mã độc hoặc vi rút, có thể đánh cắp thông tin hoặc chiếm quyền điều khiển điện thoại của bạn", ông Hương cho biết.

Trong khi đó, ông D. - phó tổng giám đốc một công ty cung cấp dịch vụ chuyển đổi số tại Việt Nam (đề nghị không nêu tên) - cảnh báo chiêu trò lừa đảo từ một số đối tượng tổ chức chương trình đầu tư, kêu gọi dụ dỗ đầu tư vào Pi với lãi suất cao để chiêu dụ những người thiếu kiến thức, nhưng thực tế lại không dùng tiền huy động được vào pi mà sử dụng vào việc khác.

Ngoài ra, một yếu tố rủi ro về bảo mật khác xuất hiện là những website "ăn" theo Pi, yêu cầu người chơi phải kết nối ví của họ vào làm một số nhiệm vụ để lấy thêm nhiều đồng Pi. Người chơi có thể vô tình trao quyền kiểm soát ví của mình cho những kẻ có ý đồ xấu.

Pháp luật hiện hành quy định thế nào?

Trong khi các đồng mã hóa khác tập trung vào công nghệ, Pi Network tập trung phát triển cộng đồng, được thể hiện xuyên suốt trong hoạt động nhiều năm qua của họ.

Tuy nhiên nếu tập trung vào ứng dụng thanh toán, Pi Network đang vi phạm pháp luật tại Việt Nam. Cụ thể đó là nghị định 80 năm 2016 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt có quy định tiền ảo không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp.

Nghị định 88 năm 2019 của Chính phủ (sửa đổi bởi nghị định 143 năm 2021) có quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, trong đó có quy định về hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng tiền ảo như một phương tiện thanh toán.

Cẩn trọng bẫy lừa đảo theo cơn sốt pi - Ảnh 2.'Lên ruột' theo giá Pi nhảy múa

Với việc được công bố chính thức lên sàn và có thời điểm giá trị lên hơn 2 USD, đông đảo người dùng sở hữu đồng 'tiền ảo' pi tại Việt Nam đang hướng đến giấc mơ triệu phú.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên