02/10/2003 06:14 GMT+7

Xét tuyển theo "ba chung": trường nào cũng... khóc !

THANH HÀ - N.PHAN
THANH HÀ - N.PHAN

TT (TP.HCM) - Các trường chỉ được gọi 115% thí sinh (TS) so với chỉ tiêu (CT), TS được chọn học theo các nguyện vọng (NV), mỗi trường một cách hành xử khác nhau, tuyển cả ba NV mà vẫn thiếu CT. Đoạn kết của tuyển sinh 2003 xem ra không được êm ả như những người có trách nhiệm mong đợi !

yIbQ2Z63.jpgPhóng to

Cán bộ phòng đào tạo Trường ĐHDL Tôn Đức Thắng tiếp nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng 3 nộp qua đường bưu điện

TT (TP.HCM) - Các trường chỉ được gọi 115% thí sinh (TS) so với chỉ tiêu (CT), TS được chọn học theo các nguyện vọng (NV), mỗi trường một cách hành xử khác nhau, tuyển cả ba NV mà vẫn thiếu CT. Đoạn kết của tuyển sinh 2003 xem ra không được êm ả như những người có trách nhiệm mong đợi !

Những trường hợp ngoài dự kiến

Ngành xã hội học của Phân viện Báo chí tuyên truyền có 50 CT, trường đã gọi 60 nhưng rốt lại chỉ có 35 SV nhập học. Trong đó, duy nhất chỉ một SV trong số 23 người trúng tuyển NV2 đến học. Những ngày làm thủ tục nhập học, không ít trường dở khóc dở mếu vì so với lượng giấy gọi nhập học phát đi, số TS về trường theo hai NV cộng lại vẫn không đủ CT.

Chỉ đến thời điểm khi TS đã nhập học, các trường mới biết đích xác có bao nhiêu tân SV thì mọi chuyện đã lỡ làng, vì thời hạn để đăng ký tuyển bổ sung NV3 theo qui định đã qua. Còn trước đó khi công bố CT tuyển NV3, khác xa với dự đoán ban đầu, một số trường ĐH công lập, trong đó có cả hai ĐH Quốc gia và một số ĐH công lập khác... cũng phải xét tuyển bổ sung.

Ông Bùi Duy Cam, hiệu phó ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội), cho biết: “Khi xây dựng phương án tuyển sinh, trường đã phải “đi” giữa cả hai qui định: xét đồng thời hai NV và không vượt quá 115% CT được giao. Chính vì vậy mà trường phải đợi một số trường tốp đầu công bố điểm chuẩn, sàng lọc kỹ xem còn TS NV2 nào có khả năng vào trường mình rồi mới xây dựng điểm chuẩn cho từng NV. Cẩn thận là thế mà vẫn có bốn ngành phải xét tuyển bổ sung”!

Một trường hợp khác là ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) còn thiếu hơn 30% CT, nhưng nếu căn cứ theo qui định “điểm xét tuyển NV3 tối thiểu phải bằng điểm NV2 trở lên” thì trường này sẽ không lấy đâu ra TS trong vùng tuyển. ĐH Hồng Đức vẫn đang phải dùng dằng chờ xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho trường hợp đặc biệt của mình: có thể phải tuyển NV3 với điểm chuẩn thấp hơn điểm của NV1.

Tương tự, ĐH Y tế công cộng vỏn vẹn chỉ có 100 CT nhưng tuyển cũng không đủ. Lúc đầu trường đã trót “lạc quan” lấy điểm chuẩn cao, bây giờ nếu xét tuyển NV3 sẽ không có TS đủ điểm trúng tuyển vì điểm sàn phải cao hơn điểm tuyển NV1.

Thí sinh ơi ! Đang ở đâu ?

Đó là tâm trạng của các trường khi mà tháng mười đã về ! Cho đến giờ này ĐH Khoa học xã hội & nhân văn (ĐHQG TP.HCM) vẫn còn thiếu 190 CT. Trường này đã phải công bố tuyển NV3 vào những ngày áp chót của lịch trình tuyển sinh là 23-9-2003. Trong tổng số sáu ngành mà trường này thông báo tuyển NV3 với 185 CT, ngành thiếu nhiều nhất là Anh văn (55 CT) và ngành thấp nhất là tiếng Đức (19 CT).

Thiếu nhiều hơn là ĐH Nông lâm TP.HCM. Ai cũng nghĩ với lượng TS dự thi NV1 đông đúc, nguồn “dự trữ” NV2 mạnh thuộc hạng top ten cả nước, ĐH này sẽ an tâm khai giảng năm học mới đúng thời điểm, nhưng không ngờ cuối cùng lại thiếu đến 300 CT.

Thiếu ở những ngành nào? Câu trả lời là thiếu toàn diện, kể cả những ngành có lượng TS dự thi đông, đăng ký NV2 nhiều, tỉ lệ chọi cao... Với mức điểm sàn rải từ 15-22, xem ra kiếm cho đủ số SV nhập học theo đúng CT của hơn 10 ngành phải tuyển thêm NV3 không phải la đơn giản đối với ĐH Nông lâm.

Còn các trường ĐH ở các địa phương thì sao? Ngày 21-8-2003 ĐH Sư phạm Đồng Tháp công bố điểm chuẩn xét tuyển NV2 vào trường. Gần một tháng sau, ngày 19-9-2003, lượng TS đến trường làm thủ tục nhập học vẫn quá ít và trường này đã phải ra thông báo bổ sung hạ điểm chuẩn ở cả NV2 và NV3.

Cùng chung hoàn cảnh với ĐH Sư phạm Đồng Tháp, ngay trong năm đầu tuyển sinh ĐH Y dược Cần Thơ cũng không khỏi ngậm ngùi khi chỉ có 66% TS trúng tuyển đến làm hồ sơ nhập học.

Chính qui định phải cùng lúc xét tuyển NV1 và NV2 của TS đã tạo ra một tình trạng “ảo” phức tạp, dắt dây giữa các trường. Các trường ĐH đều có nhận xét nếu xét tuyển đồng thời cả hai NV “cứng” như năm nay, khi xây dựng phương án xét tuyển các hội đồng tuyển sinh còn bị động hơn cả những năm TS được phép thi hai, ba trường vì rất khó xác định điểm tuyển, tỉ lệ tuyển hợp lý cho từng NV.

Ngoài ra, nghịch lý tuyển không đủ CT ở các trường còn do “nguyên nhân 115”. Hầu như trường nào thực hiện đúng qui định từ “tài liệu mật” của Bộ GD-ĐT là “không được xét tuyển quá 115% CT” đều rơi vào tình trạng thiếu CT. Tất nhiên chỉ những trường "xé rào" tới 140-150%, thậm chí 170% mới tuyển đủ CT và có thể khai giảng đúng dự kiến.

“Bàn tay” của Bộ GD-ĐT có cần phải tham gia chỉ đạo quá chi li, can thiệp quá sâu vào công việc tuyển sinh của các trường? Mọi thứ từ A-Z nhất nhất các trường đều phải trình lên xin ý kiến của bộ, trong khi luôn phải chạy hụt hơi giải quyết các tình huống phát sinh từ tuyển sinh. Xem ra bản báo cáo công tác tuyển sinh 2003 khó mà thuyết phục xã hội được rằng kỳ thi "ba chung" lần 2 đã thành công!

THANH HÀ - N.PHAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên