12/07/2018 11:21 GMT+7

Cẩn thận bệnh do tắm hồ

XUÂN MAI
XUÂN MAI

TTO - Ngày hè oi bức, nhiều phụ huynh đưa trẻ đến các bể bơi công cộng để giải nhiệt, rèn luyện thân thể… Các hồ bơi luôn trong tình trạng rất đông người. Thời gian gần đây, các bệnh viện tiếp nhận nhiều bé mắc bệnh về hô hấp, viêm da, viêm tai...


Cẩn thận bệnh do tắm hồ - Ảnh 1.

Hồ bơi công cộng luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh - Ảnh: XUÂN MAI

Chị Thanh Hải (45 tuổi, ngụ Q.3, TP.HCM) chia sẻ: "Hai đứa con của chị rất thích đi bơi. Mỗi lần đi bơi là bơi liên tù tì 2-3 suất, đến lúc mặt trời đứng bóng vẫn chưa muốn về. Mới đây bé nhỏ có cảm lạnh, đau đầu, kèm ngứa sau khi đi bơi...".

12h trưa vẫn bơi

Đồng hồ đã điểm 12h trưa nhưng hồ bơi Kỳ Đồng (Q.3, TP.HCM) vẫn không ngớt tiếng bì bõm, cười đùa của các bé. Hồ bơi được bố trí ngoài trời, không có mái che. Số lượng khách ra vào không xuể, trong đó trẻ em chiếm tỉ lệ cao nhất.

Ông Vũ Đình Hải - phó chủ nhiệm CLB bơi lội Kỳ Đồng (Q.3, TP.HCM) - cho biết riêng dịp hè, lượng khách ở hồ bơi tăng gấp 4-5 lần so với các thời điểm trong năm (trung bình mỗi lần suất bơi là 20 người, bao gồm học viên, khách bơi).

"Mùa hè nắng nóng và đây cũng là thời điểm các em thiếu nhi nghỉ hè nên trẻ em chiếm phần lớn tại hồ bơi. Trong đó, có khoảng 20-30% lượng khách không tuân thủ nội quy sinh hoạt của hồ bơi như không mặc đồ bơi, ăn quá no, đùa giỡn, đang mắc bệnh truyền nhiễm..." - ông Hải nói.

Dễ cảm nắng, tăng nguy cơ mắc bệnh về da

BS CKII Nguyễn Thị Bích Liên - trưởng khoa lâm sàng Bệnh viện Da liễu TP.HCM - cho biết từ 10h sáng đến 3h chiều là thời điểm nắng gắt và nhiều tia cực tím, đỉnh điểm là lúc 12h trưa. Nếu bơi vào lúc này, người bơi có thể bị sốc nhiệt, cảm nắng, thậm chí bị bỏng da, đặc biệt đối với trẻ nhỏ.

"Trẻ thường có làn da mỏng, nhạy cảm và sáng nên dễ bắt nắng, nếu không được bảo vệ tốt thì nguy cơ bị bỏng nắng và da bị kích ứng rất cao. Ngoài ra, việc ngâm mình dưới nước có thể dẫn đến sốc nhiệt, cảm lạnh..." - BS Liên nói.

Theo BS Liên, điều đáng lo ngại nhất khi bơi tại các bể công cộng là nguy cơ mắc các bệnh về da. Số lượng khách đến bể bơi trong dịp hè luôn quá tải khiến chất lượng hồ bơi (hàm lượng chất khử trùng, thời điểm thay nước...) không đạt yêu cầu. Từ người không bệnh có thể mắc bệnh, từ bệnh nhẹ chuyển thành bệnh nặng là điều hiển nhiên.

Nếu đi bơi khi cơ thể đang có vết thương hở hay mắc các bệnh về da như chàm, vảy nến, mụn trứng cá, viêm phụ khoa... thì đây là môi trường thuận lợi để vi khuẩn và hóa chất có ở hồ bơi xâm nhập vào da, làm vết thương nặng hơn. Đồng thời cũng lây nhiễm cho những người khác khi "hội tụ" các yếu tố thuận lợi như người có vết xước, đang cảm nhẹ... Hoặc nếu người bơi "sở hữu" một làn da nhạy cảm thì những hóa chất trong hồ bơi gây viêm da kích ứng hoặc viêm da dị ứng.

PGS Trần Hồng Côn (khoa hóa học Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐHQG Hà Nội) cho hay để làm sạch nước bể bơi, người ta thường dùng clo. Clo là một hoạt chất khử trùng, khi hòa tan vào nước sẽ tạo thành dung dịch chứa acid clohydric và axit hipoclorơ nên có khả năng diệt các loại vi khuẩn và mầm bệnh có trong nguồn nước. Nếu sử dụng clo ở nồng độ cao hơn mức cho phép, người bơi có các biểu hiện như đau đầu, buồn nôn; thậm chí có nguy cơ tổn thương đến mắt, tai, da...

Các chuyên gia y tế cho rằng nếu bể bơi không thay nước thường xuyên và người bơi không có ý thức, các bệnh về da do đi bơi bể công cộng có thể tăng theo phép số nhân.

Bảo vệ cơ thể thế nào khi đi bơi?

Theo BS CKII Nguyễn Thị Bích Liên, đi bơi cần lưu ý những điểm sau:

1. Nếu bơi vào thời điểm nắng nóng (từ 10h sáng đến 3h chiều) nên bảo vệ da bằng cách bôi kem chống nắng. Kem chống nắng vừa bảo vệ da, chống tia cực tím; vừa giúp nước không thấm vào da. Lưu ý, cần bôi kem chống nắng đúng chỉ số bảo vệ, đủ lượng kem và đủ thời gian bảo vệ. Chẳng hạn, với kem chống nắng có chỉ số SPF 50 thì bảo vệ da dưới nắng trong vòng hai tiếng đồng hồ, nhưng nếu xuống môi trường nước thì lượng thời gian bảo vệ sẽ giảm xuống.

2. Phải biết được da mình thuộc da gì. Nếu là da nhạy cảm, dễ kích ứng thì nên thận trọng trước khi xuống hồ bơi.

3 Nên xem cơ thể có vết thương hở hay đang mắc bệnh về da nào hay không. Nếu có, tuyệt đối không được xuống hồ bơi, vì vừa làm vết thương thêm nặng, vừa lây bệnh cho người khác.

Bạn đọc có những bài viết, thắc mắc về sức khỏe người lớn, mẹ và bé, sức khỏe sinh sản, giới tính, bệnh nam khoa, chữa trị hiếm muộn, dinh dưỡng, chấn thương… có thể gửi về email: [email protected]. Phòng mạch Online sẽ chọn lọc và giúp bạn giải đáp. Chân thành cám ơn.

An toàn cho trẻ ở hồ bơi An toàn cho trẻ ở hồ bơi

TTO - Câu chuyện thương tâm bé 10 tuổi học bơi chết tại hồ bơi ở Hà Tĩnh vào ngày 21-6 hoàn toàn có thể tránh được nếu không có thoáng sơ sẩy, lơ là của huấn luyện viên (HLV) dạy bơi, nhân viên trực hồ, cứu hộ.

XUÂN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên