Trong thực tế, ngành Công an đã dùng hệ thống camera phục vụ tốt cho nhiều công việc. Trong ảnh: Trung tâm Điều khiển giao thông Hà Nội theo dõi và thông báo những phương tiện vi phạm cho đội cảnh sát giao thông tại các chốt làm nhiệm vụ xử phạt - Ảnh tư liệu |
Đọc bài viết "Công an trộm bình ăcquy xe bị tạm giữ" (Tuổi Trẻ Online ngày 12-7), là một người cũng đang phục vụ trong cơ quan bảo vệ pháp luật, tôi chỉ muốn nêu ý kiến làm thế nào để không còn những câu chuyện "tri pháp phạm pháp" (hiểu biết pháp luật nhưng vẫn vi phạm).
Các vụ việc vi phạm xuất phát từ khâu bảo quản tài sản hoặc tang vật, phương tiện đã xảy ra khá nhiều.
Từ vụ cán bộ công an ở một xã nọ tự ý lấy xe gắn máy đang bị tạm giữ để sử dụng vào việc riêng, đến vụ một số kiểm lâm viên tổ chức "giải thoát" cho xe chở gỗ lậu, và mới đây nhất là một nhân viên mặt đất ở cảng hàng không quốc tế lớn nhất nước đã lấy trộm hàng hóa trong hành lý ký gửi của khách đi máy bay.
Tất cả đều gây nên sự bất bình, làm xói mòn lòng tin của người dân với cơ quan chấp pháp.
Trường hợp sai phạm của một sĩ quan ở Công an huyện Hòn Đất (Kiên Giang) trong vụ việc trên dường như không phải là cá biệt.
Nhiều người dân từng bị tạm giữ phương tiện đi lại (phổ biến là xe máy) rất bức xúc với việc một số phụ tùng xe khi đưa vào còn nguyên, đến lúc lấy ra bỗng dưng biến mất.
Đôi khi là gương chiếu hậu, lúc thì mặt nạ hay cần khởi động... Thường gặp nhất là tình trạng đánh tráo phụ tùng.
Người quen của tôi từng kể rằng có chiếc xe máy lắp ráp tại Thái Lan, bị tạm giữ một tuần do vi phạm giao thông, đến khi mang về thì phát hiện bộ chế hòa khí (bình xăng con) bị "luộc" bằng loại của xe Trung Quốc.
Để ngăn chặn tình trạng này, tôi thấy ở những điểm tạm giữ xe, cho dù là nhà kho hay ngoài trời, ngành công an cũng cần lắp đặt hệ thống chiếu sáng. Đơn giản vì các hành vi trộm cắp, đánh tráo phụ tùng xe thường được thực hiện vào ban đêm.
Bên cạnh đó là gắn camera quan sát toàn bộ khuôn viên nơi giữ xe, đảm bảo bao quát được đầy đủ các xe ở đây. Màn hình tivi phải bố trí trong phòng của các cán bộ lãnh đạo, chỉ huy nhằm giúp ca trực nào cũng có người giám sát được bãi xe.
Xe máy bị tạm giữ đều phải trả tiền lưu kho khoảng 5.000 đồng/ngày, nếu đề xuất cấp trên dùng một phần số tiền này để trang bị hệ thống camera cũng là điều chính đáng.
Tôi đến nhiều cơ quan khác nhau thấy một điều chưa hợp lý đó là lắp đặt camera ở hành lang, lối đi nhưng tại bãi giữ xe vi phạm thì không có. Để phát hiện, ngăn chặn tình trạng phạm nhân đánh nhau hoặc tự tử, nhiều nơi đã gắn camera trong phòng giam và đã chứng minh được hiệu quả.
Vì vậy cũng nên áp dụng với việc tạm giữ phương tiện. Một khi bãi xe có camera thì chắc chắn không ai dám thực hiện hành vi trộm cắp.
Song song đó, người dân có xe bị tạm giữ cần yêu cầu cán bộ thụ lý hồ sơ ghi rõ đặc điểm, tình trạng xe trước lúc đưa vào kho trong biên bản tạm giữ phương tiện. Khi nhận xe cũng phải đối chiếu với biên bản lập trước đó.
Với những bộ phận nằm trong cốp xe như ăcquy có thể kiểm tra bằng cách mở đèn "mo" hay đèn xinhan, nếu không hoạt động chứng tỏ bị trục trặc hoặc mất ăcquy.
Cách làm trên cũng nên áp dụng với các đồ vật, tài sản khác.
Tuy nhiên, đó chỉ là biện pháp bất đắc dĩ. Quan trọng hơn hết là ngành công an cần tăng cường giáo dục nhận thức cho cán bộ chiến sĩ, đề cao tính kỷ luật của người thực thi nhiệm vụ.
Lãnh đạo các đơn vị phải làm tốt việc quản lý thuộc cấp, xử lý nghiêm người vi phạm là chuyện phải làm, nhưng chú trọng phòng ngừa, không để xảy ra tình trạng tương tự, giữ gìn hình ảnh đẹp của người chiến sĩ công an trong mắt nhân dân mới là điều cần nhất.
Trong 288 ý kiến phản hồi của bạn đọc đã có nhiều ý kiến bày tỏ bất bình với hành vi vi phạm này. Bạn đọc V.H.H. viết: “Vừa thực thi luật, vừa phạm luật”. Nhiều bạn đọc cũng đề nghị phải xử nghiêm vi phạm này, đồng thời có giải pháp ngăn chặn tình trạng xe bị tạm giữ khi lấy ra bị mất phụ tùng, như ý kiến của bạn đọc T.N.Tùng: “Phải xử nghiêm, đúng luật mới có tính răn đe và giữ được lòng tin của nhân dân”. N.N. |
* Ngoài giải pháp gắn camera, theo bạn, còn có cách làm nào để ngăn chặn tình trạng này nữa. Hãy chia sẻ cùng TTO qua email [email protected] hoặc phần Ý kiến bạn đọc ngay dưới bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận